TT Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đè bẹp đảo chính, bắt 2.800 người
Tổng thống Erdogan tuyên bố vụ đảo chính đã bị đập tan và ông vẫn nắm quyền, mặc dù phe đảo chính đang kháng cự lẻ tẻ ở một vài nơi. 265 người chết, hơn 2.800 người bị bắt và 1.440 người bị thương sau vụ đảo chính này.
Binh lính tham gia đảo chính cởi bỏ quân phục đầu hàng (Ảnh: Anadolu)
Tóm tắt một số điểm chính: - Vụ đảo chính bắt đầu vào khoảng 22 giờ đêm 15.7 (giờ địa phương). Quân đảo chính với súng, xe tăng và trực thăng tràn vào 2 thành phố Ankara và Istanbul chiếm giữ các vị trí chủ chốt, ném bom tòa nhà quốc hội. 17 cảnh sát bị quân đảo chính bắn chết ở ngoại ô Ankara. - Người cầm đầu cuộc đảo chính được cho là cựu đại tá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Muharrem Kose, từng bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sa thải hồi tháng 3.2016. Ngoài ra, giáo sĩ Fethullah Gülen sống ở Mỹ bị cáo buộc là người chỉ đạo, nhưng ông này lên tiếng bác bỏ. - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang đi nghỉ ở miền Nam, xuất hiện trên truyền hình CNN Turk qua ứng dụng Facetime trên điện thoại, kêu gọi người dân và những người trung thành xuống đường chống lại đảo chính. - Cảnh sát, không quân và các lực lượng trung thành với ông Erdogan chống lại phe quân đội, tuyên bố đẩy lui đảo chính và kiểm soát tình hình vào lúc bình minh. - Ít nhất 265 người đã thiệt mạng, trong đó có 104 người thuộc phe đảo chính, và hơn 1.440 người bị thương. - Chính quyền bắt giữ hơn 2.800 lính và sĩ quan tham gia cuộc đảo chính. |
18h00: Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo số lính và sĩ quan liên quan lực lượng đảo chính bị bắt là 2.839. Ít nhất 265 người chết, trong đó có 104 người thuộc lực lượng đảo chính, và 1.440 người bị thương.
14h15: Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho hay đã bắt giữ 1.563 lính và sĩ quan quân đội tham gia đảo chính đêm 15.7. Ít nhất 190 người thiệt mạng, trong đó có 104 người thuộc phe đảo chính, và 1.154 người bị thương trong các cuộc đụng độ và bom đạn ở Istanbul và Ankara.
12h30: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã vượt qua thời khắc tồi tệ nhất của cuộc đảo chính do phe quân đội thực hiện đêm 15.7, gây hỗn loạn và đổ máu ở nhiều khu vực. Đây là cuộc đảo chính quân sự lần thứ năm trong vòng 60 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi trời rạng sáng, cuộc giao tranh vẫn diễn ra lẻ tẻ ở một số vùng, nhưng quân đảo chính cơ bản đã thất bại. Ông Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính đã bị dẹp tan.
12h04: 754 thành viên quân đội liên quan tới vụ đảo chính đã bị bắt giữ, theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.
Theo Reuters dẫn nguồn quan chức cao cấp chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bộ tổng chỉ huy quân đội nước này đã được lực lượng vũ trang trung thành với chính phủ bảo vệ.
Ông Erdogan đứng giữa các nhân viên an ninh và những người ủng hộ khi ông đến sân bay Ataturk ở Istanbul. (Ảnh Reuters)
Tuy nhiên một số nhóm quân đảo chính vẫn tiếp tục đấu súng và trong tay vẫn có trực thăng quân sự. Nhóm nổi dậy không sở hữu máy bay chiến đấu nào, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 29 đại tá, 5 tướng đã bị loại bỏ khỏi hàng ngũ quân đội.
11h52: Fethullah Gülen, giáo sĩ sống ở Mỹ bị Tổng thống Erdogan cáo buộc cầm đầu nhóm đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên tiếng phản bác. Trong tuyên bố của mình, Fethullah Gülen nói: “Tôi phản đối một cách mạnh mẽ nhất cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ phải được lập ra bằng quá trình bầu cử công bằng, dân chủ chứ không phải bạo lực. Là một người từng chịu đựng quá nhiều sau vài cuộc đảo chính quân sự 50 năm qua, đây là một sự sỉ nhục khi cáo buộc tôi liên quan tới cuộc lật đổ. Tôi thẳng thừng bác bỏ mọi luận điệu cáo buộc”.
11h31: Guardian cho biết có 60 người chết sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. 336 người bị bắt vì liên quan tới âm mưu lật đổ chính phủ, Bộ Tư pháp thông tin.
Một cảnh tại tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara sau vụ đảo chính bất thành. Ảnh: Getty Images
11h25: Quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo vụ binh biến đã kết thúc, nhưng các thông tin từ thủ đô Ankara cho thấy giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Hãng tin Anadolu cho biết trực thăng quân đảo chính vừa bị bắn hạ ở vùng ngoại ô Ankara.
11h13: Khoảng 50 binh sĩ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu hàng tại cầu Bosphorus, thành phố Istanbul. Họ bỏ lại xe tăng, giơ tay lên hàng, theo CNN. Reuters cho hay một nhân chứng nhìn thấy 10 lính đảo chính đã xin hàng khi bị bao vây ở quảng trường Taksim, thành phố Istanbul.
11h06: Hãng tin Anadolu cho biết phe chống đối Erdogan đã ném 2 quả bom bên ngoài dinh Tổng thống khiến ít nhất 5 người bị thương.
10h57: Hình ảnh trực tiếp cho thấy binh sĩ ở cầu Bosphorus, Istanbul đã rời khỏi xe tăng và giơ hai tay xin hàng, Guardian thông tin.
Quân đảo chính giơ tay xin hàng
10h52: Dinh tổng thống ở Ankara đã bị trúng bom của quân đảo chính, NTV thông tin. Thương vong cụ thể đang được cập nhât.
10h40: Tổng thống Erdogan có mặt trước đám đông người ở Istanbul và nói rằng chính phủ chắc chắn sẽ lập lại trật tự. Ông khẳng định quân đội từ người có quyền lực cao nhất tới thấp nhất phải hiểu rằng họ không thể kiểm soát chính phủ. "Chính phủ được nhân dân lựa chọn và đang nắm quyền", ông Erdogan nói.
“Họ có thể mang ra xe tăng chiến đấu nhưng người dân sẽ thu xe tăng đó về”, Tổng thống Erdogan phát biểu.
Quân đảo chính đóng trên cầu ở eo biển Bosphorus
10h35: RT thông tin 60 người chết trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đụng độ. Thủ tướng Thổ cho biết 130 lính đảo chính bị bắt giữ và một tướng bị tiêu diệt.
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Gulen phản bội đất nước. Ông nói rằng “nếu đủ dũng cảm, hãy quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ”. Hiện nhà truyền giáo này đang sống ở bang Pennsylvania, Mỹ và được cho là chỉ đạo vụ đảo chính.
10h36: Nhiều chuyến bay tới phi trường quốc tế Ataturk phải đổi hướng sang sân bay Sabiha cũng ở thành phố Istanbul. Tình hình ở sân bay Istanbul chưa được kiểm soát chắc chắn, theo Guardian.
10h28: Thủ tướng Binali Yildirim kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp ở Quốc hội. Trong khi đó, Reuters thông tin tòa quốc hội vẫn vang lên tiếng nổ lớn. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng sẽ tiêu diệt những kẻ nổi dậy nếu sử dụng thêm máy bay quân sự.
Kênh truyền hình CNN-Turk lúc trước bị quân đảo chính chiếm giữ đã hoạt động trở lại. Kênh truyền hình TRT vẫn đang bị phe quân đội kiểm soát.
10h22: Eo biển Bosphorus tạm ngưng các hoạt động của tàu chở dầu vì "lí do an ninh", Reuters trích lời đại diện các công ty vận tải. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới với Bulgaria.
Một chiếc xe tăng chạy trên đường phố Ankara
10h16: Tất cả các chuyến bay ở sân bay quốc tế Istanbul sẽ hoạt động trở lại từ 6h sáng giờ địa phương, hãng tin Anadolu thông tin.
9h37: Reuters thông tin số người thiệt mạng ở Ankara là 42, chủ yếu là dân thường. RT cho biết số người chết là 46. Trong số người chết có 17 cảnh sát, theo Hãng tin Anadolu. Một quan chức cho biết 13 lính tấn công vào dinh thự của Tổng thống Erdogan đã bị bắt giữ.
9h36: Phát ngôn viên Quốc hội Ismail Kahraman cho biết không có thương vong sau khi bom dội vào một tòa nhà nội các. Tất cả các nghị sĩ đều an toàn, AP cho hay.
Ông Erdogan xuất hiện trên truyền hình
9h30: Ông Erdogan tuyên bố từ thành phố Istanbul rằng “những kẻ đảo chính sẽ phải trả giá đắt”, Sputnik đưa tin. Ông gọi hành động của quân đội là "phản nghịch".
Trong khi đó, AP cho biết các bệnh viện trong thành phố Istanbul công bố số người bị thương là 150. Số người thiệt mạng chưa được thông tin.
9h12: Tổng thống Erdogan xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố Gulen là khủng bố. Ông nói rằng nhóm khủng bố nhận lệnh từ nhà thuyết giáo Fethulla Gulen đang sống ở Mỹ. Trong khi đó, AFP cho hay có 120 người đã bị bắt trong vụ đảo chính.
8h32: Theo lệnh của ông Erdogan, máy bay chiến đấu F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một trực thăng quân sự của phe đảo chính, đài NTV đưa tin. Thông báo phát đi cho biết thủ đô Ankara đang chìm trong bạo động giữa dân thường và quân đội.
8h15: Tổng thống Erdogan đã có mặt ở sân bay quốc tế Istanbul. Theo New York Times, đây là tín hiệu cho thấy cuộc đảo chính có thể không kéo dài được lâu. Tướng tá Thổ Nhĩ Kỳ dường như không kiểm soát được những vùng đảo chính trên toàn quốc.
Máy bay quân sự tấn công một mục tiêu dưới đất ở thủ đô Ankara.
Người ủng hộ ông Erdogan đã tràn ra đường và ngăn cản những hành động chiếm quyền kiểm soát chính phủ. Một số nguồn tin cho hay nhiều tướng tá đảo chính đã bị bắt giữ.
Ông Erdogan phải dùng điện thoại iPhone và gọi video từ một địa điểm bí mật để truyền đi thông điệp tới người ủng hộ: “Không có quyền lực nào mạnh hơn quyền của nhân dân. Cứ để họ (người đảo chính) làm những gì họ muốn ở quảng trường và sân bay”.
Người dân ủng hộ ông Erdogan nằm trên đường ngăn xe tăng tiến vào Ankara
8h00: Đài phát thanh Hyrriyet và đài CNN Turk đang tường thuật nhiều lính quân đội đang tiến vào trụ sở của họ và bắt giữ nhiều con tin. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trên truyền hình CNN Turk qua ứng dụng Skype để kêu gọi chống đảo chính.
Vụ đảo chính diễn ra vào khoảng lúc 22h giờ ngày 15.7 (địa phương) khi phương tiện quân sự và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa hai cây cầu chính tại thành phố Istanbul vào đêm 15.7, trong khi các máy bay quân sự tuần tra ở tầm thấp.
Truyền thông nước ngoài đưa rằng nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bắt giữ và 17 người đã bị giết hại do trực thăng tấn công tại các trụ sở cảnh sát ở ngoại ô Ankara.
Xe tăng quân đội đi bên cạnh xe ca dân sự trong thời gian diễn ra đảo chính ở thủ đô Ankara
Theo hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, một quả bom vừa được lực lượng ủng hộ quân đội ném xuống tòa nhà quốc hội ở thủ đô Ankara.
Một vụ nổ được xác nhận vừa xảy ra trong tòa nhà này, theo Hurriyet Daily News.
Trong khi đó, xe tăng quân sự cũng xuất hiện bên ngoài sân bay quốc tế Ataturk và các địa điểm khác ở thành phố Istanbul. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết tất cả các chuyển bay từ sân bay Ataturk đã bị hủy bỏ.
"Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát hoàn toàn đất nước để phục hồi trật tự theo hiến pháp, nhân quyền và tự do, luật lệ và an ninh đã bị xâm hại", quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo. "Tất cả các thỏa thuận quốc tế vẫn có hiệu lực. Chúng tôi hy vong các mối quan hệ tốt đẹp với những nước khác sẽ được tiếp tục".
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào sân bay ở Istanbul.
Hiện tại, đường truyền vào các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và Youtube đã bị chặn. Kênh truyền hình nhà nước TRT cũng ngừng phát sóng. Trên website của kênh này chỉ xuất hiện thông tin thời tiết.
“Một số người đã có những hành động phi pháp ngoài quyền hành”, Thủ tướng Bulent Yildirim nói trên kênh NTV.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag chỉ trích người đứng đầu cuộc đảo chính là Fethullah Gülen, một nhà thuyết giáo Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Mỹ. Fethullah từng là đối thủ của Tổng thống Erdogan trong đảng AKP và thất bại năm 2013.
Mặc dù Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cuộc đảo chính đã thất bại, tuy nhiên qua các phương tiện truyền thông và nội dung cập nhật trên mạng xã hội, dường như quân đội vẫn đang kiểm soát tình hình.
Đến khoảng nửa đêm, hãng tin TRT thông báo toàn bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại đang được điều hành bởi một "Ủy ban Hòa bình" để đảm bảo an toàn cho mọi người dân.
Những vụ nổ lớn xảy ra ở Ankara
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan được cho là đang đi nghỉ tại thị trấn Bodrum ở miền nam nước này vào thời điểm cuộc đảo chính xảy ra. Ông đã xuất hiện trên kênh truyền hình CNN Turk qua ứng dụng Skype để kêu gọi mọi người xuống đường chống lại cuộc đảo chính và thề rằng "Chúng ta sẽ vượt qua thách thức này".
Cuộc đảo chính đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ khi mọi người đổ xô tới các điểm ATM để tút tiền mặt.