Trường đào tạo ‘đàn ông đích thực’ ở Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Nỗ lực ngăn chặn nguy cơ đàn ông bị “nữ tính hóa” đang gây ra nhiều phản ứng trong xã hội Trung Quốc.

Cậu chỉ mới chín tuổi nhưng mẹ cậu nói rằng cậu hành xử cứ như vẫn còn ở trường mẫu giáo. Vào thời gian rảnh, Tao Youqi chẳng thích gì ngoài việc chơi đùa. Nhưng bà Polly Hou nói con trai bà không chăm chỉ và không đọc sách đủ. “Mẹ con nói rằng con làm bài tập về nhà cực chậm, còn làm bài thì quá tệ” - cậu nói.

Chính vì vậy, bà không xem con mình là một người “đàn ông nam tính”. Cũng vì bộ dạng của cậu mà: “Mẹ con nghĩ rằng con quá béo, không phải là đàn ông đích thực. Đàn ông đích thực phải thanh mảnh hơn” - bé Youqi bày tỏ.

So với những bạn nữ cùng lớp, bà Hou nhận thấy chúng “cư xử và trông già hơn hai tuổi”. Nhưng cậu không phải là bé trai duy nhất ở Bắc Kinh không được “ổn” trong mắt của bà. “Tôi cảm thấy các bé gái ngày nay cũng vượt trội. Các bé trai không theo kịp” - hãng tin Channel News Asia dẫn lời bà Hou phát biểu.

Phụ huynh Trung Quốc muốn con trai mình trở thành đàn ông đích thực đang nhắm đến khóa học kiểu trại lính để uốn nắn những bé trai trong độ tuổi 6-12.

Trường đào tạo ‘đàn ông đích thực’ ở Trung Quốc - 1

 Thầy giáo Tang và một học trò tại lớp.

Nói không với… ẻo lả

7 giờ 40 sáng Chủ nhật hằng tuần, các cậu bé lên xe buýt tới một trường học trên ngọn đồi ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh. Tại đó, các em được chơi bóng bầu dục và cả bóng đá, những môn thể thao cần đến sức mạnh và tinh thần đồng đội. Trong khuôn khổ chương trình học, bọn trẻ cũng có thể bị buộc phải cởi trần để chạy. Bọn trẻ được đào tạo theo kiểu quân đội về tinh thần kỷ luật, tự làm những việc vặt như dọn phòng ở và giặt giũ quần áo. Đặc biệt, khi các học viên khóc, giáo viên và bạn bè sẽ không quan tâm dỗ dành mà để “đương sự” tự chế ngự cảm xúc.

Theo báo The New York Times, Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực do thầy giáo Tang Haiyan sáng lập trong bối cảnh xã hội Trung Quốc nổ ra tranh cãi về sự nam tính, xung quanh mối lo về mức độ hiệu quả của quân đội, sự tôn trọng văn hóa cũng như vai trò truyền thống của người đàn ông, kết quả học tập giảm sút của các nam sinh và hậu quả của chính sách một con vốn được vận dụng trong một thời gian dài tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thầy Tang thành lập và quản lý trường học nói trên vào năm 2012 với một nhiệm vụ không thể rõ ràng hơn. Đó là đào tạo các nam sinh thành đàn ông đích thực như hình mẫu mà thầy đặt ra. Thầy Tang cho rằng một người đàn ông thì phải chơi thể thao và chinh phục các thử thách. “Chúng tôi sẽ dạy bọn trẻ chơi golf, chèo thuyền và trở thành những hiệp sĩ” - thầy giáo 39 tuổi nói. “Chúng tôi không bao giờ bồi dưỡng những kẻ nhát gan, ẻo lả”.

Tại Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực, bài học về sự nam tính được dạy qua một loạt khẩu hiệu. Trước khi làm bài tập về nhà, các nam sinh tuyên thệ sẽ học hành chăm chỉ vì “sự vươn lên của Trung Quốc” với những câu như: “Tôi là đàn ông thực sự! Trụ cột gia đình và gánh vác trách nhiệm xã hội trong tương lai! Xương sống của người dân Trung Quốc!”. Trong trường đâu đâu cũng có những tấm áp phích đóng khung với hình ảnh các nhà khoa học và kỹ sư nổi tiếng, trong đó chỉ có duy nhất một nữ bác học là chuyên gia vật lý người Pháp gốc Ba Lan Marie Curie.

Trong bảy ngày của khóa học, các cuộc gọi điện thoại và thăm viếng bị nghiêm cấm. Nó không phải là một doanh trại quân đội nhưng các giáo viên tiến hành đào tạo kiểu quân đội, chẳng hạn như những cuộc diễn tập. “Chúng tôi muốn bọn trẻ cảm thấy chúng có thể làm điều mà người bình thường không thể làm. Đây là lý do chúng tôi tiến hành huấn luyện kiểu quân đội ở đây” - thầy Tang giải thích. “Quân đội là môi trường tốt nhất để huấn luyện các bé trai trở nên quyết đoán, dũng cảm và có hành vi gương mẫu. Ai cũng đều biết quân đội là nơi mà bạn có thể huấn luyện đàn ông thành người tốt hơn”.

Trường đào tạo ‘đàn ông đích thực’ ở Trung Quốc - 2

 Những cậu bé được đào tạo để trở thành “đàn ông đích thực” trong tương lai. (Nguồn: The New York Times) 

Trường đào tạo ‘đàn ông đích thực’ ở Trung Quốc - 3

Chơi thể thao là một trong những yêu cầu để trở thành “đàn ông đích thực”.

Người ca kẻ thán

Sự lo lắng về khái niệm người đàn ông đích thực làm gia tăng quan ngại về nam thanh niên Trung Quốc. Các phương tiện thông tin đại chúng nước này từng nói rằng trò chơi điện tử và việc không tập thể dục dẫn tới việc các thanh niên thiếu khả năng hoạt động trong quân ngũ. “Việc xóa bỏ các đặc điểm làm nên một người đàn ông dũng cảm dám đương đầu với cái chết và khó khăn chẳng khác hành động tự sát của một quốc gia. Con trai phải được nuôi dạy làm con trai, con gái làm con gái” - tờ The New York Times dẫn lời GS Peng Xiaohui thuộc ĐH Sư phạm Hoa Trung ở TP Vũ Hán nhận định.

Thầy Tang, cựu giáo viên và huấn luyện viên bóng bầu dục, cho biết ý tưởng thành lập câu lạc bộ bắt nguồn từ những cuộc trao đổi với các bậc cha mẹ lo lắng về việc học hành của con trai. Theo cuộc khảo sát do Học viện Khoa học giáo dục và Bộ Giáo dục Trung Quốc tiến hành trên 20.000 học sinh tiểu học và phụ huynh tại bốn tỉnh vào năm 2014, gần 2/3 nam sinh nước này đạt kết quả học tập kém, trong khi số liệu tương ứng đối với nữ sinh là chưa đến 1/3.

Thầy Tang cũng được truyền cảm hứng sau chuyến thăm TP Oakland, thuộc bang California (Mỹ) vào năm 2006. Tại đó, ông chứng kiến bố mẹ người Mỹ dạy con trai “vượt qua thử thách và nguy hiểm” bằng việc luyện tập thể chất. Trái lại, tại Trung Quốc, cha mẹ thường bảo bọc con trai, một thành kiến văn hóa được thúc đẩy bởi chính sách một con. Cuộc khảo sát của Học viện Khoa học giáo dục Trung Quốc còn ghi nhận “dù trong cuộc sống bình thường hay môi trường giáo dục, các bậc cha mẹ có xu hướng làm hư con trai”.

Theo thầy Tang, trường của ông hiện có hơn 2.000 nam sinh theo học. Nhiều nam sinh tỏ ra thích thú với việc được “tự thân vận động”. Jin Hong, chín tuổi, cho biết cậu thường xuyên bị cha mẹ “dí” về chuyện làm bài tập về nhà. “Điều con thích nhất đối với chương trình là có thể học một cách độc lập” - cậu nói. Trong khi đó, bé Shu Shujie, 10 tuổi, đã chia sẻ về việc cố gắng tự hạn chế thời gian sử dụng điện thoại xuống còn 20 phút trong tuần.

Tuy nhiên, không phải cậu bé nào cũng có suy nghĩ như Jin và Shu. Theo Channel News Asia, bé Zhou Xiaoyu, 11 tuổi, gặp khó khăn với việc phải tự làm những việc vặt, chẳng hạn như tự giặt quần áo thay vì bỏ vào máy giặt như lúc ở nhà. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất đối với cậu. Không ít lần cậu cảm thấy mệt mỏi và nhớ cha mẹ. Cậu từng hét to dưới tấm chăn: “Khi nào thì con mới được về nhà?”.

Về phần mình, bé Youqi, con của bà Polly Hou, được đề cập đầu bài, dù cảm nhận được các ý tưởng của Câu lạc bộ Những cậu bé đích thực là phải “tạo ra giá trị cuộc sống bằng những nỗ lực của riêng mình”. Tuy nhiên, sau cùng cậu cũng đã bày tỏ trong nhật ký: “Không có iPad, trò chơi máy tính và điện thoại di động. Con không muốn tham gia trại này nữa”.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của trường học chỉ toàn nam giới. Anh Wang Chenpeng, 23 tuổi là nhân viên tiếp thị cho một công ty kho bãi và thích trang điểm. Wang kể mẹ anh từng đốt hết búp bê của anh vì bà nghĩ rằng chúng quá nữ tính nhưng anh sau đó phát hiện mình là người đồng tính. “Bọn trẻ sẽ cố làm theo những đòi hỏi của cha mẹ và trường học để rồi thể hiện vẻ ngoài chỉ mang tính hình thức. Bản chất của chúng vẫn chẳng có gì thay đổi” - Wang phát biểu với The New York Times.

Tâm lý bé trai thích chơi súng, bé gái thích búp bê

Không phải ai cũng ủng hộ những nỗ lực “bảo toàn” bé trai Trung Quốc. Chẳng hạn, nhà hoạt động nữ quyền Feng Yuan không nghĩ rằng cuộc “khủng hoảng nam tính” là có thực, đặc biệt nếu các bé trai bị đánh giá bằng những kết quả thi.

“Không phải tất cả bé gái đều có biểu hiện tốt hơn bé trai mà là theo truyền thống, mọi người quen với việc con trai được việc hơn. Giờ đây mọi người nhìn thấy bé gái có biểu hiện tốt như thế nào, họ bắt đầu lo lắng” - bà Feng nói. Theo chuyên gia này, mọi người cứ nghĩ đàn ông mạnh mẽ hơn phụ nữ. Thế nên khi các bé trai không có biểu hiện như mong muốn, mọi người bắt đầu phản ứng thái quá.

Khám phá trường đào tạo ninja độc nhất thế giới ở Nhật

Để trở thành một ninja có nghề, các kĩ năng sinh tồn và chiến đấu phải được học hỏi từ khi họ còn rất nhỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trùng Quang ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN