Trung Quốc: Điều chưa từng thấy ở sông Dương Tử sau 23 năm
Những con cá tầm sông Dương Tử đầu tiên, loài cá từng tuyệt chủng, gần đây đã được ấp nở thành công trong tự nhiên mà không cần can thiệp nhân tạo.
Cá tầm sông Dương Tử lần đầu sinh sản thành công ngoài tự nhiên.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, đây là điều chưa từng thấy trên sông Dương Tử trong 23 năm qua, đánh dấu bước đi quan trọng trong nỗ lực khôi phục quần thể cá tầm sông Dương Tử.
Cá tầm sông Dương Tử là sinh vật nằm trong danh sách bảo vệ đặc biệt ở Trung Quốc. Loài cá này đã không còn sinh sản ngoài tự nhiên kể từ năm 2000.
Tháng 7/2022, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài cá này từ danh mục "cực kỳ nguy cấp" sang "tuyệt chủng trong tự nhiên". Điều đó nghĩa là cá tầm Dương Tử hiện chủ yếu được nhân giống nhân tạo.
Kể từ đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực khôi phục quần thể cá tầm sông Dương Tử tự nhiên. Trong thí nghiệm nhân giống tự nhiên ở đoạn sông Dương Tử thuộc tỉnh Tứ Xuyên, các nhà nghiên cứu đã đặt 20 con cá tầm Dương Tử trưởng thành vào một ổ đẻ trứng và tạo môi trường thuận lợi để chúng đẻ trứng trong vùng nước tự nhiên.
Kết quả là quá trình đẻ trứng và thụ tinh của cá tầm Dương Tử diễn ra một cách thuận lợi. Lứa cá con đầu tiên đã nở thành công sau đó 1 tuần.
Thử nghiệm thành công mang lại hy vọng cho việc sinh sản tự nhiên của cá tầm Dương Tử và tái tạo lại quần thể hoang dã, Du Hao, một nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu thủy sản sông Dương Tử của Trung Quốc cho biết.
Zhou Bo, phó trưởng khoa từ Viện nghiên cứu thủy sản thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Tứ Xuyên, cho biết cá tầm Dương Tử có yêu cầu cao về môi trường nước và môi trường sống. "Cùng với việc xây dựng lại các quần thể hoang dã, đa dạng sinh học ở sông Dương Tử ngày càng được cải thiện", ông Zhou nói.
Tháng 1/2020, nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử. Tháng 12 cùng năm, Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ sông Dương Tử, cam kết tăng cường bảo vệ các loài cá quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời khôi phục môi trường sống tự nhiên của chúng.
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Trung Quốc công bố cung cấp bằng chứng cho thấy, có một sự thay đổi to lớn trên bề mặt Trái đất ở vùng sông Dương Tử.
Nguồn: [Link nguồn]