Trung Quốc xây kênh đào lớn nhất trong 700 năm, lượng đất đá gấp 3 lần đập Tam Hiệp
Trung Quốc xây dựng kênh đào Pinglu dài 135km tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây với chi phí ước tính tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD. Dự án được kì vọng có thể tạo thêm thuận lợi cho hoạt động giao thương với các quốc gia Đông Nam Á.
Kênh đào Pinglu là dự án tham vọng của Trung Quốc với mục tiêu hoàn thành vào năm 2026.
Trung Quốc có truyền thống xây dựng cầu đường từ thời xa xưa để tạo sự kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, tài sản. Nhưng rất ít các kênh đào được xây dựng vì cần tới một lượng lớn lao động và đặt ra những thách thức lớn đối về công nghệ, kỹ thuật.
Hơn 2.200 năm trước ở triều đại nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng kênh Linh Cừ dài 36,4 km để đưa binh lính chinh phục các bộ lạc phía nam và mở rộng lãnh thổ.
Dự án của hoàng đế Tần Thủy Hoàng kết nối sông Tương ở tỉnh Hồ Nam - một nhánh của sông Dương Tử dài 6.300 km - với sông Ly ở Quảng Tây, phía nam Trung Quốc.
Đến thời nhà Nguyên cách đây 700 năm, Trung Quốc đã hoàn thành kênh Đại Vận Hà với tổng chiều dài 1.800km, nối trung tâm thương mại Hàng Châu ở phía đông và thủ đô Bắc Kinh Kể từ đó tới nay, chưa có kênh quy mô lớn nào khác được xây dựng ở Trung Quốc.
Trong tháng 8, kênh đào Pinglu bắt đầu được xây dựng toàn diện ở Trung Quốc. Dự án có chiều dài 135km, ước tính tiêu tốn chi phí khoảng 10 tỷ USD. Kênh Pinglu không chỉ được coi là cơ hội để phát triển khu vực phía tây nam của tỉnh Quảng Tây mà còn nêu bật kỹ thuật xây dựng tiên tiến và tư duy chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, theo SCMP.
Kênh Pinglu (màu đỏ) có điểm cuối hướng ra Vịnh Bắc Bộ.
"Giá trị thực tiễn của dự án này rất đáng trông đợi. Dự án sẽ gắn kết chặt chẽ thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuyến đường thuỷ hai chiều này sẽ đông đúc bởi tiết kiệm chi phí lớn", Gao Zhendong, nhà tư vấn kỳ cựu giúp các công ty Trung Quốc khám phá cơ hội đầu tư ở các nước Đông Nam Á, nói.
Kênh đào mới của Trung Quốc dự kiến vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và lên tới mức 130 triệu tấn vào năm 2050. Kênh đào có điểm đầu là cửa sông Pingtang thuộc Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây và hướng về phía nam, tới điểm cuối là thành phố Khâm Châu nằm bên Vịnh Bắc Bộ.
Kênh đào mở ra tuyến đường thủy giúp các tàu chở hàng di chuyển trực tiếp từ Nam Ninh tới Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.
Trước khi có dự án xây dựng kênh đào Pinglu, hàng hóa từ phía tây Trung Quốc được vận chuyển đến Quảng Châu và đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) qua sông Tây Giang và sông Châu Giang, rồi sau đó mới được chất lên các tàu chở hàng để tới Đông Nam Á. Sau khi kênh đào hoàn thành, hành trình từ các tỉnh nội địa phía tây Trung Quốc ra biển sẽ rút ngắn hơn 560 km. Kênh đào dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Một khi hoàn thành, Pinglu sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới kết nối sông với biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối. Pan Jian, Phó Giám đốc trung tâm chỉ huy kênh đào cho biết lượng đất đá cần đào của kênh Pinglu sẽ gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp. "Các quốc gia như Hà Lan cũng từng có dự án tương tự nhưng không lớn bằng kênh Pinglu", ông Pan nói.
Kênh đào Pinglu sẽ có 3 âu tàu nội địa lớn nhất thế giới. Chỉ riêng âu tàu tại giao lộ Madao có diện tích 185.000 m2 và cần 3,5 triệu m3 bê tông. Thiết kế của âu tàu cũng được trông đợi giúp tiết kiệm khoảng 60% lượng nước cần thiết so với âu tàu truyền thống.
Ông Pan nói phần lớn công việc xây dựng chỉ có thể được xác định cụ thể khi dự án tiến triển. Dự án sẽ tạo ra các bằng sáng chế và tiêu chuẩn xây dựng mới. Để chống xói mòn do nước biển, các nhà xây dựng cũng cần đảm bảo bê tông được sử dụng trong âu tàu có thể tồn tại hơn 100 năm.
Các báo cáo cho biết, kênh đào mới sẽ chủ yếu được sử dụng để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, vật liệu xây dựng và các container.
Các cơ quan giám sát môi trường địa phương ở Trung Quốc khẳng định sẽ ưu tiên bảo vệ hệ sinh thái trong quá trình kênh đào được xây dựng.
Theo nhà lãnh đạo quốc gia thuộc NATO, Mỹ sắp phải "nói lời tạm biệt" với vị thế siêu cường lớn nhất thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]