Trung Quốc vừa mừng vừa lo khi ông Trump rộng đường tái cử
Khi nước Mỹ trải qua những thời khắc chính trị quan trọng vào tuần trước, với sự kiện Siêu thứ Ba và Tổng thống Joe Biden đọc thông điệp liên bang, Trung Quốc cũng tiến hành kỳ họp chính trị quy mô lớn nhất trong năm của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại lễ đường nhân dân năm 2017. (Ảnh: Getty)
Hàng ngàn đại biểu từ khắp cả nước về thủ đô Bắc Kinh họp để thống nhất các mục tiêu quan trọng của đất nước và khắc phục những vấn đề đáng bận tâm nhất hiện nay.
Một vấn đề phủ bóng lên kỳ họp là khả năng gần như chắc chắn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tái đấu với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Dù ai thắng cũng sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.
Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không đề cập công khai đến cuộc bầu cử Mỹ trong kỳ họp ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, chiến lược quan trọng nhất được nêu ra là đưa đất nước trở thành một cường quốc công nghệ. Đây được coi là nỗ lực cấp bách để bảo vệ đất nước, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ và quan hệ giữa hai siêu cường tiếp tục ở mức thấp.
Ngoại trưởng Vương Nghị thể hiện dấu hiệu lo ngại khi nói đến chiến lược đó tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp. Tại đó, ông sử dụng từ ngữ kịch tính nhất để nói về các biện pháp kiểm soát thương mại và công nghệ của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, cho rằng chúng đã đạt đến “mức độ phi lý không thể hiểu nổi”.
Phía sau hậu trường, các nhà quan sát chính trị Trung Quốc nói rằng cuộc thảo luận về bầu cử Mỹ diễn ra thẳng thắn hơn, nhất là về khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng. Ông Trump được đánh giá là khó lường hơn nhiều so với ông Biden.
Cựu Tổng thống Trump đã tái định hình quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với việc áp dụng hàng loạt hàng rào thương mại khi ông lãnh đạo nước Mỹ cách đây 4 năm. Giờ đây, ông Trump nói rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ tạo ra một sự tách rời trên thực tế với Trung Quốc về kinh tế.
Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump cũng có thể thay đổi cân bằng địa - chính trị hiện nay, khi Mỹ và các đồng minh đang đoàn kết hơn trong nỗ lực chống lại Nga và Trung Quốc.
Việc Mỹ rút khỏi các quan hệ đối tác theo chủ trương “Mỹ là trên hết” của ông Trump sẽ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc, đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho những tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Theo giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đánh giá xem mỗi chính quyền Mỹ sẽ tác động ra sao đến mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc là đưa đảo Đài Loan về dưới quyền kiểm soát, cũng như tham vọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, ổn định phát triển hơn nữa nền kinh tế.
Khi ông Trump bước vào Nhà Trắng năm 2017 với tư cách “tay mơ” chính trị, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội giảm bớt căng thẳng so với thời chính quyền Obama.
Sau khi được ông Trump chào đón tới khu biệt thự Mar-a-Lago bên bờ biển vào tháng 4 năm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời ông Trump và phu nhân thăm Bắc Kinh, dành cho nhà lãnh đạo Mỹ nhiều biệt đãi.
Sau đó, ông Trump không tiếc lời khen ngợi chủ nhà, nói rằng họ có “sự ăn ý tuyệt vời”. Nhưng trong vòng 1 năm, ông Trump tung ra một loạt biện pháp thuế quan lớn, bắt đầu với 25% thuế áp với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mở màn cho cuộc chiến thương mại leo thang.
Quan hệ song phương sau đó tiếp tục xấu đi vì hàng loạt vấn đề, từ việc Mỹ báo động an ninh quốc gia đối với công nghệ của Huawei đến cách Trung Quốc xử lý sự bùng phát của COVID-19.
Lần này, ông Trump tiếp tục ca ngợi ông Tập trong suốt quá trình tranh cử, nhưng cũng nói rằng ông có thể đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc để chống lại cách làm thương mại không công bằng và thu hồi “quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn” với Trung Quốc.
Theo phân tích của Oxford Economics, nếu điều đó trở thành hiện thực, thị phần hàng Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm gần 1/5.
“Nếu chính sách tách rời được ông Trump thực hiện một cách mạnh mẽ thì tác động đối với Trung Quốc sẽ rất nghiêm trọng. Nhưng vẫn chưa rõ điều này có xảy ra hay không. Không ai có thể nói Trump sẽ làm gì và đây chính là vấn đề”, Bala Ramasamy, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh quốc tế ở Thượng Hải, cho biết.
Điều đó có thể xảy ra vào thời điểm cực kỳ tồi tệ đối với Trung Quốc, khi nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn vì tiêu dùng sụt giảm, bất động sản khủng hoảng, chứng khoán lẹt đẹt và tỷ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ cao.
“Trung Quốc chắc hẳn đang lo lắng việc Trump quay trở lại”, nhà phân tích chính sách đối ngoại Shen Dingli làm việc tại Thượng Hải nhận định.
Các chuyên gia cho rằng giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc có thể đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng.
Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc mở nhà xưởng ở các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ Latin để tránh thuế. Lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể tìm cách củng cố quan hệ với các thị trường khác, nhất là châu Âu và dọc Vành đai Con đường, để bù vào chỗ trống.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ vui nếu ông Biden tái đắc cử.
Vẫn thấy cơ hội
Ông Biden đã khiến Bắc Kinh thất vọng sâu sắc từ khi nhậm chức, vì ông hầu như giữ nguyên mức thuế từ thời Trump, sau đó bổ sung một loạt chính sách nhằm ngăn chặn nguồn tài trợ và công nghệ cao của Mỹ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực công nghệ và quân sự.
Theo giới phân tích, những biện pháp này đã ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái bán dẫn và sự phát triển của Trung Quốc.
Tổng thống Biden nhấn mạnh điều đó trong Thông điệp liên bang tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển công nghệ cao và “tự lực cánh sinh”.
Đồng thời, việc ông Biden hồi sinh và nuôi dưỡng các quan hệ liên minh của Mỹ trên khắp châu Á, thể hiện qua nỗ lực đưa Seoul và Tokyo xích lại gần nhau hơn trong hợp tác an ninh khu vực, ủng hộ các nhóm an ninh như AUKUS và Quad, khiến Bắc Kinh ngày càng cảnh giác.
Tổng thống Biden cũng thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, lôi kéo các đối tác châu Âu tham gia nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng từ hàng hóa Trung Quốc.
Tháng trước, ông Trump gây xôn xao khắp châu Âu sau khi nói rằng ông sẽ không bảo vệ đồng minh NATO nào không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
Cựu tổng thống cũng tỏ ra sẵn sàng sử dụng biện pháp thương mại chống lại châu Âu, dù chắc chắn sẽ làm xấu đi mối quan hệ xuyên Đại Tây dương.
Điều đó có thể có lợi cho Trung Quốc trong nỗ lực chia rẽ châu Âu và Mỹ.
Các học giả Trung Quốc cũng lưu ý rằng việc ông Trump theo đuổi “chủ nghĩa đơn phương”, nghĩa là ít quan tâm đến việc duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tạo ra cơ hội để Bắc Kinh lấp vào chỗ trống.
Ông Trump cũng chỉ trích các hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo giới phân tích, sự suy giảm liên minh của Mỹ trong khu vực sẽ có ích cho Trung Quốc, nhất là trong kế hoạch của nước này đối với đảo tự trị Đài Loan.
NATO cần chuẩn bị khả năng cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi NATO nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, báo Anh Telegraph đưa tin.
Nguồn: [Link nguồn]