Trung Quốc: Vì sao hai cựu bộ trưởng bị khai trừ đảng
Ngày 27/6, Trung Quốc đã công bố thông báo khiến cả thế giới ngạc nhiên: hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa bị khai trừ khỏi đảng và quân đội, bị tước quân hàm và sẽ bị chuyển đến Viện kiểm sát quân sự để xem xét, truy tố theo quy định của pháp luật. Tư cách đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của họ cũng bị chấm dứt.
Tân Hoa Xã nói Lý Thượng Phúc bị cách chức vì nghi ngờ tham nhũng, hối lộ và hiện đang bị điều tra; Bộ Chính trị quyết định khai trừ Lý Thượng Phúc vì ông “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước” theo kết quả cuộc điều tra của Quân ủy Trung ương Trung Quốc bắt đầu vào tháng 8/2023.
Bản tin nêu rõ các tội lỗi của ông: “Qua điều tra, phát hiện Lý Thượng Phúc đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị”, “chống đối tổ chức thẩm tra, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức”, "tìm kiếm lợi ích nhân sự cho bản thân và người khác; lợi dụng chức vụ của mình để tìm kiếm lợi ích cho người khác và nhận những khoản tiền khổng lồ, bị nghi ngờ phạm tội nhận hối lộ", "đã đưa tiền cho người khác để tìm kiếm lợi ích không chính đáng, bị nghi ngờ phạm tội đưa hối lộ".
Bản tin cũng nói thêm rằng hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng của Lý Thượng Phúc đã “phản bội sứ mệnh ban đầu và đánh mất các nguyên tắc tính đảng”, “phụ lòng tin và sự tín nhiệm của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, đồng thời cản trở sự phát triển lớn mạnh của đất nước”.
Với Ngụy Phượng Hòa, nội dung cơ bản giống với Lý Thượng Phúc, ngoại trừ việc mô tả Lý Thượng Phúc “phản bội sứ mệnh ban đầu và đánh mất các nguyên tắc tính đảng” được thay thế bằng “suy sụp lòng tin, tính đảng và đánh mất lòng trung thành”. Cả hai ông Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc đều là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương và đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20.
Tuy nhiên, chi tiết về cáo buộc tham nhũng đối với hai người này vẫn chưa được làm rõ. Thông báo nêu rõ các tội bị cáo buộc đối với hai người là “cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng cực kỳ tai hại”, “làm ô nhiễm nghiêm trọng hệ sinh thái chính trị của quân đội", “gây tổn hại nghiêm trọng đến việc xây dựng quốc phòng và quân sự cũng như hình ảnh của các cán bộ lãnh đạo cấp cao".
Lý Thượng Phúc, 66 tuổi, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong cơ quan mua sắm vũ khí trang bị và Lực lượng Tên lửa. Cùng thời gian này, Ngoại trưởng khi đó là Tần Cương và một số quan chức chủ chốt của Lực lượng Tên lửa đột nhiên biến mất do những cáo buộc về hành vi sai trái.
Lý Thượng Phúc (phải) và Ngụy Phượng Hòa
Ngụy Phượng Hòa, 70 tuổi, từng là Tư lệnh Bộ đội pháo binh Số 2 của Quân đội Trung Quốc (tiền thân của Lực lượng Tên lửa). Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng xét từ đặc điểm chính thức, hai vụ án có thể có liên quan với nhau. Trong đó, Lý Thượng Phúc bị cáo buộc các tội bao gồm trục lợi bất hợp pháp cho bản thân và người khác, nhận tiền để mang lại lợi ích không chính đáng cho người khác và bị nghi ngờ đưa hối lộ. Quan chức cấp cao để ông ta đưa hối lộ phải là người có quyền lực cao, người nhận hối lộ có thể bao gồm người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa hoặc Phó chủ tịch Quân ủy nào đó.
Kể từ khi Tổng bí thư Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng trong giới chức Đảng, chính phủ Trung Quốc, và Quân đội Trung Quốc (PLA) cũng là một trong những mục tiêu.
Vào tháng 6/2014, Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy đầu tiên bị khai trừ khỏi đảng vì tham nhũng, sau đó bị khai trừ khỏi quân đội và bị thu hồi quân hàm vào ngày 30/7. Năm sau, một ngày trước khi kỉ niệm thành lập PLA (1/8), một Phó Chủ tịch Quân ủy khác là Quách Bá Hùng, cũng bị khai trừ đảng và chuyển đến Viện Kiểm sát Quân sự vì tội tham nhũng, cuối cùng bị kết án tù chung thân.
Kể từ năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn khác. Cho đến nay, 11 tướng lĩnh PLA và một số quan chức điều hành ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng đã bị cách chức. Trong danh sách những người bị thanh trừng, có: Tư lệnh hai nhiệm kỳ liền của Lực lượng Tên lửa là Lý Ngọc Siêu (Thượng tướng) và Chu Á Ninh (Thượng tướng), cựu Tham mưu trưởng và Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Truyền Quảng (Trung tướng), cựu Cục trưởng Cục Trang bị Lực lượng Tên lửa Lã Hồng (Thiếu tướng) và Trương Chấn Trung (Trung tướng), từng giữ chức phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và sau đó giữ chức Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương…
Các chuyên gia phân tích, việc thanh lọc Lực lượng Tên lửa năm ngoái cũng là động thái quan trọng của Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình nhằm tăng cường kiểm soát quân đội.
Cũng có chuyên gia khác chỉ ra rằng, việc công bố chính thức kết quả xử lý hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng trước Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ yếu là nhằm mục đích răn đe. Bởi trước đó, hôm 17/6, tại Hội nghị Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương được tiến hành lần đầu tiên sau 10 năm ở Diên An, Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình nhấn mạnh “kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội” và cần “nói rõ rằng súng phải luôn luôn nằm trong tay những người trung thành, tin cậy đối với Đảng…
Cần nói rõ là trong quân đội không được có chỗ cho những phần tử tham nhũng hủ bại ẩn náu” và “phải xóa bỏ môi trường, điều kiện để tham nhũng nảy sinh”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong thời kỳ châu Âu khám phá thế giới (thế kỷ 15 - 17), các chính phủ châu Âu ủy quyền cho các đoàn thám hiểm, các đội tàu buôn nhằm xâm chiếm thuộc địa, thiết lập giao thương với thế giới bên ngoài. Đầu thế kỷ 16, những đội tàu buôn Bồ Đào Nha đầu tiên tới Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến những cuộc đụng độ.