Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Động thái mới của Trung Quốc trong thực thi Luật An toàn hàng hải sửa đổi cho thấy nước này đang rắp tâm từng bước độc chiếm, kiểm soát Biển Đông.

Luật An toàn hàng hải sửa đổi của Trung Quốc (TQ) được Ủy ban thường vụ Quốc hội TQ thông qua tại kỳ họp thứ 28 và được Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ký ban hành vào ngày 29-4-2021, có hiệu lực từ hôm qua 

(1-9-2021). Đây là luật sửa đổi Luật An toàn hàng hải được thông qua năm 1983 và được sửa đổi vào năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với luật sửa đổi trước đó bao gồm 12 chương và 53 điều.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Hữu Phước, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét TQ là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 từ ngày 7-6-1996. Tuy nhiên, cường quốc này đã không gương mẫu tôn trọng, tuân thủ thực thi luật pháp quốc tế.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: ASIAN MILITARY REVIEW Hiểu sao về quy định mới của Trung Quốc?

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: ASIAN MILITARY REVIEW Hiểu sao về quy định mới của Trung Quốc?

. Phóng viên: Chúng ta hiểu thế nào về yêu cầu tàu thuyền nước ngoài báo cáo khi vào vùng lãnh hải theo Luật An toàn giao thông hàng hải của TQ?

+ TS Ngô Hữu Phước: Lãnh hải là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia ven biển. Do vậy, là một quốc gia ven biển, TQ có quyền ban hành pháp luật với điều kiện quy định của họ phù hợp với UNCLOS và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.

Theo cách hiểu của tôi, Điều 54 của luật này nhắm vào các tàu thuyền có quốc tịch nước ngoài, gồm (i) tàu lặn, (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, (iii) tàu chở chất phóng xạ hoặc các chất độc hại khác, (iv) các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của TQ.

Theo đó, nếu các loại tàu nói trên “ra vào lãnh hải”, tức là để thực hiện các hoạt động trong lãnh hải của TQ thì phải báo cáo cho cơ quan quản lý an toàn hàng hải của TQ. Nếu tàu chỉ “đi qua lãnh hải”, tức là thực hiện quyền “đi qua không gây hại” thì không có nghĩa vụ phải “báo cáo” với cơ quan quản lý an toàn hàng hải TQ. Tuy nhiên, khi “đi qua lãnh hải” của TQ thì các tàu đó phải có các chứng chỉ liên quan, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phải tuân thủ pháp luật, quy định hành chính và quy tắc khác của TQ cũng như chấp nhận các hướng dẫn và giám sát về an toàn hàng hải.

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông - 2

Vi phạm luật pháp quốc tế

Tính pháp lý của các quy định trên do phía TQ đưa ra như thế nào?

+ Nếu yêu sách Biển Đông của TQ, cụ thể là việc xác định đâu là vùng lãnh hải của TQ phù hợp với UNCLOS thì các quy định vừa nêu là phù hợp với Điều 23 của UNCLOS quy định và các nước phải ủng hộ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và thế giới chính là cái TQ gọi là vùng “lãnh hải” thực tế không phù hợp luật pháp quốc tế.

Cụ thể, theo Tuyên bố về lãnh hải năm 1958, TQ (khi đó tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) khẳng định: Bề rộng lãnh hải của TQ là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ TQ mà nước này xác định là gồm phần đất TQ trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và các đảo khác thuộc TQ.

Tuyên bố nói trên đã được luật hóa tại Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của TQ. Theo đó, Điều 2 của luật này định nghĩa “vùng lãnh hải” là vùng nước nằm tiếp giáp với lãnh thổ TQ. Phần lãnh thổ được TQ đơn phương xác định cũng bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan và các quần đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa như trong tuyên bố năm 1958.

Như vậy, về phương diện pháp lý quốc tế, với cách hiểu và xác định lãnh thổ nói chung và lãnh hải nói riêng một cách mơ hồ và phi pháp của TQ theo Tuyên bố 1958 và Luật Lãnh hải 1992 của nước họ, Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này và vùng biển của chúng là các bộ phận cấu thành của lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước ta, là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Do đó, chúng ta phải kiên quyết phản đối việc TQ áp dụng Luật An toàn hàng hải trên các vùng biển của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta không thể chấp nhận thực tế phi lý là tàu thuyền của Việt Nam và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam lại phải “báo cáo” với cơ quan quản lý an toàn hàng hải của TQ. Điều đó là phi lý, là vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế.

Lãnh hải theo UNCLOS

Theo UNCLOS 1982, lãnh hải là vùng biển tiếp liền với nội thủy hoặc vùng nước quần đảo (đối với quốc gia quần đảo), nằm phía ngoài đường cơ sở, có chiều rộng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Để xác định lãnh hải, các quốc gia phải xác định đường cơ sở. Theo UNCLOS 1982, có hai phương pháp xác định đường cơ sở, đó là phương pháp đường cơ sở thông thường và phương pháp đường cơ sở thẳng. Tàu thuyền của mọi quốc gia có biển hay không có biển đều được quyền “đi qua không gây hại” và có các nghĩa vụ thực hiện quy định theo UNCLOS. 

Đe dọa an toàn hàng hải...

. Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng từ cách hành xử của TQ với thế giới?

+ Trước hết, phải nhắc lại rằng TQ là thành viên của UNCLOS từ ngày 7-6-1996. Nước này hiện là cường quốc của thế giới, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, TQ không gương mẫu tôn trọng, tuân thủ thực thi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. TQ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông; bác bỏ vai trò và phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII giải quyết vụ kiện Philippines - TQ...

Về phương diện pháp lý quốc tế, các hành vi nói trên của TQ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc; UNCLOS 1982; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á năm 1976 (TAC) mà TQ đã gia nhập ngày 8-10-2003 và các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia (các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế).

Về phương diện quan hệ quốc tế, các hành vi nói trên của TQ đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà TQ và các nước ASEAN đã ký năm 2002 (DOC); thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và TQ năm 1993 và thỏa thuận về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và TQ năm 2011.

Về phương diện an ninh, các hành vi của TQ đang thực hiện đã và sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại của các nước trong khu vực và thế giới. Cộng đồng quốc tế phải tuyệt đối cảnh giác vì thực tế đã chứng minh “hành động và lời nói”, “cam kết và thực thi” của TQ là không nhất quán. Các nước ở Biển Đông cần phải bày tỏ quan điểm của mình đối với luật này nhằm ngăn chặn TQ áp đặt và thực thi một cách phi lý luật pháp ở Biển Đông.

. Xin cám ơn ông.

Bành trướng bằng sách lược “hư hư thực thực”

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông - 3

Với sách lược “hư hư thực thực” để phục vụ mưu đồ bành trướng, từng bước độc chiếm Biển Đông và các vùng biển khác xung quanh, TQ luôn có ý đồ lợi dụng luật pháp quốc tế bằng cách cụ thể hóa trong luật pháp quốc gia những quy định tưởng chừng tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng trong thực tế lại là vi phạm luật pháp quốc tế. Một số quy định trong Luật An toàn hàng hải mới sửa đổi là ví dụ.

Luật An toàn hàng hải cùng với Luật Hải cảnh trước đó của TQ có thể được coi là một bước mới của TQ nhằm chiếm trọn Biển Đông. Tôi cho rằng với âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông, không chỉ ban hành Luật An toàn hàng hải sửa đổi mà TQ vẫn sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi các luật để từng bước hợp thức hóa các hành động dựa trên sức mạnh, bắt nạt, cưỡng ép của họ.

PGS-TS VŨ THANH CA, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Cộng đồng quốc tế phải lên tiếng

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông - 4

Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế phải cùng lên tiếng, gây sức ép với TQ để buộc họ không được thực thi các điều luật vi phạm UNCLOS. Trong các diễn đàn ngoại giao, an ninh song phương, đa phương, thậm chí tại Liên Hợp Quốc, vấn đề yêu sách phi pháp của TQ ở Biển Đông cần được thảo luận nhiều hơn. Biển Đông không phải chuyện riêng của một vài nước mà là của cả ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới. Tôi không nghĩ tàu ngầm hay súng đạn là có thể ngăn TQ bành trướng, quan trọng nhất là sức ép ngoại giao từ cộng đồng quốc tế phải đủ lớn. Nói nôm na, chúng ta không sợ TQ làm chuyện xấu, mà cái chính là tất cả các nước phải đồng lòng lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, công bằng, thượng tôn pháp luật.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông: Luật mới từ 1-9 của Trung Quốc rất nguy hiểm

Khi nào yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc còn tồn tại và Bắc Kinh vẫn quyết tâm theo đuổi thì các chính sách của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN