Trung Quốc và cơ hội trở thành siêu cường thế giới

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Kinh tế suy thoái, dân số già hóa, quân sự và ngoại giao bị cô lập là những thách thức nghiêm trọng khiến Trung Quốc không còn sức bật để hiện thực hóa tham vọng thay đổi trật tự toàn cầu.

Thời gian qua, quan hệ giữa Trung Quốc (TQ) và phương Tây do Mỹ lãnh đạo liên tục tụt dốc. Hai bên đối đầu trên hàng loạt mặt trận chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đối đầu phương Tây, TQ có hàng loạt bước đi mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới. Giới lãnh đạo và nhiều học giả phương Tây nhận định đây là biểu hiện cho thấy TQ đang trỗi dậy và khả năng có thể trở thành một siêu cường mới đủ sức thay đổi trật tự toàn cầu hiện tại.

Tuy nhiên, trong bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Affairs, GS Michael Beckley thuộc ĐH Tuff (Mỹ) và GS Hal Brands thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) đã đưa ra các dẫn chứng cho thấy thực chất TQ là một quốc gia đã chạm đỉnh phát triển và bây giờ đang trong quá trình suy thoái, trong khi môi trường chính trị trong nước lẫn ngoài nước ngày càng bất lợi.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện tại trụ sở Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 5-2017. Ảnh: GETTY IMAGES

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện tại trụ sở Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 5-2017. Ảnh: GETTY IMAGES

Trung Quốc đã đi qua thời kỳ vinh quang

Theo bài viết, có rất nhiều yếu tố đưa TQ trở thành một cường quốc như hiện nay. Trong đó yếu tố lớn nhất là việc nước này mở cửa kinh tế và tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường vào cuối thế kỷ 20, giúp tận dụng nguồn nhân công trẻ dồi dào do dân số đông bên cạnh nguồn tài nguyên khoáng sản đa đạng ở TQ. Dù vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, các lợi thế này đang mất dần.

Một nửa sông ngòi ở TQ đã biến mất, trong khi tình trạng ô nhiễm đã biến 60% mạch nước ngầm “không còn phù hợp để con người tiếp xúc và sử dụng”, theo báo cáo của Bộ Bảo vệ môi trường TQ. An ninh lương thực cũng không còn được đảm bảo khi TQ tới nay đã phá hủy 40% đất nông nghiệp để chuyển sang mục đích công nghiệp, từ đó trở thành nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ước tính TQ phải đầu tư gấp ba lần vốn trong lĩnh vực nông nghiệp để có được mức tăng trưởng trong ngành này như trong những năm đầu thế kỷ 21, đắt hơn nhiều với dự kiến ở bất cứ nền kinh tế trưởng thành nào.

TQ còn đang dần thiếu người do hậu quả của chính sách một con. Giữa những năm 2020-2035, TQ được dự báo sẽ mất đi khoảng 70 triệu người lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi. Nói cách khác, TQ sẽ mất đi một số lượng người tiêu dùng, đóng thuế và lao động ngang với dân số nước Pháp, cùng lúc lại có thêm số người hưởng trợ cấp xã hội đông ngang dân số Nhật, tất cả chỉ trong 15 năm.

Sau đó, từ năm 2035 đến 2050, TQ sẽ mất thêm 105 triệu người lao động và có thêm 64 triệu người cao tuổi nữa. Hậu quả kinh tế của kịch bản này là các khoản chi tiêu liên quan đến phúc lợi xã hội, tuổi tác dân số sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050, từ 10% lên đến 30% GDP. Để so sánh, tổng chi tiêu hằng năm chính quyền TQ cho tất cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại mới phải chạm đến con số 30%.

Mức độ tăng trưởng kinh tế TQ nhiều năm trở lại đây liên tục sụt giảm. Cụ thể, mức tăng trưởng GDP của TQ đã giảm từ 15% năm 2007 xuống 6% trong năm 2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 kéo mức tăng trưởng xuống chỉ còn hơn 2% trong năm 2020. Tệ hơn, hai chuyên gia cho rằng hầu hết tăng trưởng GDP của TQ từ năm 2008 trở về trước là kết quả của việc chính quyền cố ý bơm vốn vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư công không hiệu quả. Nếu trừ đi các khoản chi tiêu kích thích đó thì kinh tế TQ khó có bất cứ tăng trưởng nào.

Năng suất làm việc của lao động TQ, tức yếu tố then chốt làm nên thịnh vượng, từ năm 2010 đến 2019 đã giảm 10% - nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới hiện nay. Bắc Kinh đã chi hàng chục tỉ USD mỗi năm cho ngành sản xuất vi mạch điện tử nội địa nhưng vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng đến 80% nhu cầu điện toán cả nước. TQ cũng chi hàng chục tỉ USD cho công nghệ sinh học nhưng vaccine ngừa COVID-19 của TQ không cạnh tranh được với vaccine do phương Tây sản xuất.

Tình hình quốc tế ngày càng bất lợi

Không chỉ đối mặt với hàng loạt thách thức trong nước, TQ còn phải chật vật tìm đường phát triển trong một thế giới ngày càng dè chừng và cảnh giác trước sự hiện diện của họ hơn. Sở dĩ TQ suốt 40 năm qua có thể phát triển trong hòa bình và tránh được thế đối đầu như hiện nay là vì Bắc Kinh biết cách giấu đi tham vọng trở thành siêu cường và duy trì quan hệ hữu nghị với phương Tây và Mỹ. Song thời kỳ đó đã hết, TQ giờ đã trở nên cực kỳ đáng ngại ở châu Á, đặc biệt ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, các vụ đụng độ giữa TQ và các quốc gia xung quanh ngày một thường xuyên hơn.

Mỹ trước một TQ ngày càng quyết đoán cũng đã từ bỏ chính sách ngoại giao chú trọng giao kết hòa bình để chuyển sang hướng bao vây chiến lược. Cụ thể, Washington liên tục mở rộng quy mô hải quân và lực lượng tên lửa, áp đặt hàng rào thuế quan nặng nề vào TQ, thông qua các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài từ TQ - tất cả được đánh giá là những bước đi chưa từng có tiền lệ kể từ Thế chiến II và Chiến tranh lạnh.

Trên thực tế, việc Mỹ nhắm mục tiêu vào TQ và xoay trục ngoại giao sang châu Á đã thay đổi rõ rệt cán cân quyền lực tại đây. Các nước quanh Biển Đông bắt đầu phòng vệ để đối phó với TQ. Singapore lâu nay muốn giữ thế trung lập nay đã âm thầm trở thành đối tác quân sự quan trọng của Mỹ. Indonesia gia tăng ngân sách quốc phòng 20% vào năm 2020 và tăng thêm 21% trong năm 2021. Ngay cả Philippines, nước từng muốn làm thân TQ trong hầu hết nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte, giờ đây đã tái khẳng định phần chủ quyền của mình ở Biển Đông và gia tăng các hoạt động tuần tra trên không và trên biển.

Tham vọng của TQ cũng đang kích động những đáp trả bên ngoài khu vực Đông Á, trải dài từ Úc cho đến Ấn Độ và châu Âu. Bất cứ nơi nào Bắc Kinh lấn tới, nơi đó có những đối thủ, ngày càng đông, đẩy họ lùi lại.

Việc tái xuất hiện của nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) lại là một tất yếu khác đánh dấu sự liên kết ngày càng chặt chẽ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chặn đứng cuộc trỗi dậy nguy hiểm của TQ. Liên minh mới AUKUS (gồm Úc, Anh, Mỹ) được thành lập cũng nhằm đương đầu với Bắc Kinh.

Cùng lúc đó, nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo cũng đưa ra những lập trường cứng rắn hơn về Đài Loan và những vấn đề nhạy cảm khác trong quan hệ với TQ như Hong Kong và Tân Cương. “Dĩ nhiên, hợp tác đối phó với TQ lúc này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, vì nhiều nước vẫn đang lệ thuộc vào thương mại với Bắc Kinh. Nhưng những liên minh chằng chịt này rồi sẽ có thể tạo thành một vòng thòng lọng siết chặt TQ” - bài viết khẳng định.•

Theo GS Beckley và GS Brands, hiện TQ có tổng cộng hơn 50 TP ma - những trung tâm đô thị khổng lồ có đủ cao tốc lẫn dinh thự và nhà cửa nhưng không có người ở. Khoảng 2/3 các dự án hạ tầng cơ sở ở TQ hiện nay không thể thu hồi vốn xây dựng. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên là nợ nần vượt tầm kiểm soát. Nợ công của TQ đã tăng tám lần từ năm 2008 đến 2019. Khi các bong bóng bất động sản do đầu tư công không hiệu quả tạo ra, sụp đổ thì sẽ hình thành những giai đoạn suy thoái kéo dài.

Nên hiểu ra sao về một Trung Quốc đã qua đỉnh phát triển?

Rõ ràng các thông tin của bài viết cho thấy TQ thực sự là cường quốc đã nổi lên, chứ không còn đang trỗi dậy nữa. TQ có thể đã từng nắm giữ khả năng địa chính trị thật sự đáng lo ngại, song thời kỳ huy hoàng nhất của TQ đã qua. Việc phân biệt được hai điểm này rất quan trọng bởi nó giúp lãnh đạo các nước nên hoạch định chính sách về TQ như thế nào trong vài năm tới.

Đối với Mỹ, đây có lẽ sẽ là tin vui nhất bởi khả năng bị TQ vượt qua mặt đang ngày càng giảm đi theo thời gian và chiến lược hiện tại đang phát huy hiệu quả. Còn với những nước xung quanh TQ, khi nước này suy thoái đến một mức độ nào đó thì an ninh khu vực sẽ trở nên dễ thở hơn, mở đường cho những đối thoại tích cực và hiệu quả hơn.

Dù vậy, GS Michael Beckley và GS Hal Brands vẫn không loại trừ khả năng TQ có thể sẽ tiếp tục hung hăng lấn tới trong tương lai vì họ vẫn đang rất tự tin rằng mình vẫn đang trỗi dậy. Bắc Kinh lúc này vẫn nghĩ rằng tình hình COVID-19 và bất ổn chính trị tại Mỹ là cơ hội cho mình. Bên cạnh đó, quyết tâm trỗi dậy này một phần cũng đến từ nhận thức rằng nếu không đi nhanh thì TQ sẽ không còn nhiều thời gian nữa. Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia muốn thiết lập lại trật tự thế giới đi đến kết luận rằng họ sẽ thất bại nếu chỉ dùng biện pháp ôn hòa?

Đối chiếu kinh nghiệm lịch sử và cách hành xử hiện nay của TQ đều cho thấy câu hỏi trên sẽ dẫn đến đáp án không có gì là tốt đẹp và dễ dẫn tới chiến tranh nếu các bên không có biện pháp kiềm chế.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin: Mỹ hết thời thống trị, Trung Quốc thành siêu cường

Tổng thống Putin nói những quốc gia như Trung Quốc và Đức đang dần trở thành siêu cường trong khi Mỹ không còn giành quyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN