Trung Quốc ứng tiền đặt hệ thống tên lửa S-400 của Nga
Trung Quốc là khách hàng quốc tế đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung tiên tiến nhất của Nga, và điều này có thể tác động đến kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoàng Hải.
Một đơn vị trong hệ thống S-400 của Nga
Trung Quốc đã chuyển tiền tạm ứng theo hợp đồng được công bố vào tháng 4/2015 về việc mua 4 tới 6 hệ thống phòng thủ tên lửa Triumph S-400 do Nga sản xuất (Tên hiệu của NATO: SA-21 Growler)
“Chúng tôi vẫn phải hoàn thành rất nhiều thủ tục chính thức đang dang dở, dù đã nhận được khoản thanh toán trước. Tôi tin rằng giấy tờ sẽ hoàn tất vào cuối năm nay,” ông Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất Nga giải thích.
Hơn nữa, ông cũng tiết lộ rằng lô đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể được chuyển giao trong quý I năm 2017. Trung Quốc là khách hàng quốc tế đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung tiên tiến nhất này của Nga.
Tên lửa 40N6 trên bệ phóng
Người đứng đầu Rostec không nêu thêm chi tiết nào về thỏa thuận mua bán vũ khí ước tính trị giá 3 tỷ USD này. Một trong những câu hỏi lớn là Nga sẽ bán cho Trung Quốc những loại tên lửa nào để xây dựng hệ thống phòng không 3 lớp.
Ví dụ, tên lửa 40N6 có phạm vi hoạt động dự kiến khoảng 400 km, tuy nhiên, tên lửa 48N6 lại có phạm vi hạn chế hơn khoảng 250 km. Không rõ 40N6 được cải tiến bởi Cục Thiết kế Fakel đã hoàn thiện hay chưa. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 cũng có thể sử dụng tên lửa đối không tầm trung 9M96E và 9M96E2.
Tên lửa tầm trung 9M96E1 và 9M96E2
Tên lửa 40N6 có được đưa vào hoạt động vào năm sau không và Nga có quyết định bán nó cho Trung Quốc không, đều quyết định tới động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoàng Hải, như tờ Defense News giải thích vào tháng 4/2015:
“Với hệ thống tên lửa tầm ngắm 400km, lần đầu tiên Trung Quốc có thể nhắm tới các mục tiêu trên không xa tận Đài Loan, hay thậm chí New Delhi, Calcutta, Hà Nội và Seoul. Nước này sẽ mở rộng phạm vi vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoàng Hải, và tấn công bất kì mục tiêu trên không nào ở Triều Tiên nếu cần thiết.”
Tuy nhiên, theo một bài phân tích trên tờ The Diplomat, học giả Đài Loan J. Michael Cole đã chỉ ra rằng tên lửa 40N6 sẽ phải được đặt ở lớp sát phía ngoài để bao quát được các thành phố và địa điểm trên. Thậm chí nếu tên lửa 40N6 không được bán cho Trung Quốc, khiến S-400 sẽ bị giới hạn phạm vi thì mỗi đơn vị S-400 gồm tám bệ phóng với 32 tên lửa trên mỗi bệ sẽ vẫn nâng cấp đáng kể khả năng chống tiếp cận và phong tỏa khu vực của Trung Quốc.