Trung Quốc từ nay có thể liên tục hứng chịu lũ lớn?
Trung Quốc đang phải đối phó với trận lũ “trăm năm có một”. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành “bình thường” ở Trung Quốc trong các năm sau, theo hãng tin CNA.
Nước dâng ngập cầu tại hồ Thái Hồ, Trung Quốc (ảnh: Xinhua)
“Bên cạnh những nỗ lực ứng cứu thảm họa, Trung Quốc nên tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng và khả năng đối phó biến đổi khí hậu. Những trận lũ lịch sử ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cả về tần suất lẫn quy mô trong các năm sau”, giáo sư Asit K Biswas từ Đại học Glasgow ở Anh, cảnh báo.
Trận lũ năm nay ở Trung Quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng trăm triệu người sống ở các tỉnh thành phía Nam. Từ đầu tháng 6, mực nước tại 433 con sông ở Trung Quốc đã chạm ngưỡng nguy hiểm, trong đó có 33 sông vượt mực nước kỷ lục.
Trải qua 2 đợt lũ, diễn biến lũ trên sông Dương Tử và khu vực phụ cận vẫn rất nghiêm trọng. Chính quyền các địa phương dọc sông Dương Tử được yêu cầu phải giám sát kỹ lưỡng các đoạn đê trọng yếu, chuẩn bị sẵn phương án di dời cho người dân.
Hôm 22.7, Trung Quốc đã nâng cảnh báo màu vàng cho mưa lũ.
Tính đến giữa tháng 7, mưa lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của 38 triệu người ở Trung Quốc, khiến 2,3 triệu người phải sơ tán, 141 người chết hoặc mất tích, 209 nghìn ha hoa màu thiệt hại, tổn thất kinh tế lên tới hơn 12 tỷ USD. Con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Lũ lụt "trăm năm có một" ở Trung Quốc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)
Trung Quốc đã phải hứng chịu lũ lụt thường xuyên trong suốt lịch sử. Từ thời cổ đại, theo lịch sử và truyền thuyết Trung Quốc, khoảng 4.000 năm trước, vua Hạ Vũ (sáng lập nhà Hạ) đã đắp đê, trị thủy tình trạng lũ của sông Hoàng Hà.
Hoàng Hà là sông lớn thứ 2 ở Trung Quốc, sau sông Dương Tử. Lũ trên sông Hoàng Hà xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng đến mức người ta gọi đó là “nỗi thống khổ” của Trung Quốc.
Trong 10 trận lũ lớn nhất thế giới khoảng 100 năm trở lại đây, có 7 trận lũ xảy ra ở Trung Quốc. Những trận lũ lịch sử trên sông Dương Tử xảy ra vào các năm 1911, 1931, 1935, 1954 và 1998. Hai trận lũ lớn trên sông Hoàng Hà gần đây xảy ra vào năm 1887 và 1938.
Trận lũ được cho là nghiêm trọng nhất thế giới xảy ra ở sông Dương Tử và sông Hoài Hà vào năm 1931. Sau 2 năm hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa cực lớn ở sông Dương Tử là nguyên nhân gây ra trận lũ khủng khiếp khiến hơn 2 triệu người chết, sau đó là kéo theo dịch bệnh, nạn đói.
Ước tính, hơn 40% dân số Trung Quốc phải rời bỏ nhà cửa trong đại hồng thủy năm 1931.
Ông Asit K Biswas cho rằng, đã đến lúc Trung Quốc thực hiện các kế hoạch mạnh mẽ hơn để bảo vệ người dân khỏi những trận lụt “trăm năm có một” nhưng có thể xảy ra liên tục trong thập kỷ tới..
Tuần trước, 4 thành phố gồm Hàm Ninh và Kinh Châu của tỉnh Hồ Bắc, Nam Xương và Thượng Hải của tỉnh Giang Tây đã thông báo cảnh báo lũ ở cấp cao nhất. Chỉ tính riêng Giang Tây, hơn 5,5 triệu người đã bị ảnh hưởng, hơn 600.000 người phải sơ tán.
Tuy nhiên, thời điểm lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc vẫn còn ở phía trước. Kinh nghiệm cho thấy giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8 mới là đợt mưa chính ở nước này.
Trận lũ năm nay ở Trung Quốc thường được so sánh về mức độ nghiêm trọng với “đại hồng thủy” năm 1998 từng khiến hơn 4.000 người chết, 180 triệu người bị ảnh hưởng, 13 triệu ngôi nhà bị cuốn trôi.
Đập Tam Hiệp xả lũ (ảnh: Xinhua)
Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc cho biết, hơn 500 di tích văn hóa, bao gồm những cây cầu cổ, thành phố và các tòa nhà lịch sử ở 11 tỉnh thành đã bị thiệt hại ở mức độ khác nhau. Đây là năm tồi tệ nhất đối với các di tích.
Trung Quốc cho biết, đập Tam Hiệp cùng hệ thống cảnh báo tiên tiến đã có đóng góp quan trọng trong việc đối phó với mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, ông Asit K Biswas cho rằng, đây không phải là “thuốc trị bách bệnh” khi Trung Quốc đang đối mặt với “kẻ thù lũ lụt” ngày càng mạnh hơn về cả về quy mô lẫn tần suất.
Trong những năm qua, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều biện pháp nhằm giảm rủi ro lũ lụt, ví dụ như các dự án "thành phố bọt biển”.
Dự án “thành phố bọt biển” Trung Quốc hiện nay bao gồm 30 thành phố, bao gồm cả Thượng Hải, Vũ Hán và Hạ Môn. Đến cuối năm 2020, các thành phố này dự kiến có thể tự hấp thụ ít nhất 70% lượng nước mưa.
Video xuất hiện trên mạng xã hội hôm 22/7 cho thấy một con đập ở tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, đã mở 14 cổng xả...
Nguồn: [Link nguồn]