Trung Quốc trong vòng vây của "Bộ tứ kim cương"
Việc Mỹ bán 30 trực thăng quân sự trị giá 3 tỉ USD cho Ấn Độ trong năm nay và thỏa thuận tăng cường tham vấn 4 bên với hai nước Úc, Nhật Bản (được gọi là "Bộ tứ kim cương") chính là nền tảng của chiến lược Washington đang theo đuổi.
Một chiếc Rafale được tiếp liệu trên không khi đang trên đường đến Ấn Độ hôm 27-7 Ảnh: PTI
Bà Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, hôm 29-7 cho biết Tổng thống Donald Trump sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc giữa lúc Washington đang xây dựng quan hệ liên minh với các nước ở châu Á để đối phó với "hành động gây hấn" của Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến của Viện Brookings (Mỹ), bà Curtis liệt kê một số nước ở gần hoặc giáp biên giới Trung Quốc mà Mỹ đang tăng cường quan hệ cả về kinh tế lẫn quân sự, trong đó có Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan…
Bà Curtis không quên nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ với Ấn Độ và cam kết của 2 nước này đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và minh bạch. Quan chức này cũng nhận định việc Mỹ bán 30 trực thăng quân sự trị giá 3 tỉ USD cho Ấn Độ trong năm nay và thỏa thuận tăng cường tham vấn 4 bên với hai nước Úc, Nhật Bản (được gọi là "Bộ tứ kim cương") chính là nền tảng của chiến lược Washington đang theo đuổi tại khu vực.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ mở rộng khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ Nam Á cho tới bờ biển của Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc xem đây là nỗ lực nhằm tập hợp các nước lớn trong khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của họ.
Với Ấn Độ, thương vụ trực thăng quân sự nói trên và thỏa thuận đặt mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp nêu bật quyết tâm nâng cấp lực lượng vũ trang giữa lúc tranh chấp biên giới với Trung Quốc leo thang.
Theo thỏa thuận ước tính trị giá 9,4 tỉ USD, toàn bộ 36 chiếc Rafale dự kiến được giao cho Ấn Độ trước cuối năm 2021. Trước mắt, 5 chiếc đầu tiên đã đáp xuống căn cứ không quân Ambala ở bang Haryana hôm 29-7. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh lập tức nhân đó khẳng định Không quân Ấn Độ sẽ mạnh mẽ hơn nhiều để đối phó bất kỳ mối đe dọa nào. Ông Singh không nêu đích danh Trung Quốc nhưng truyền thông và giới quan sát địa phương nhận định đây là thông điệp cảnh báo dành cho nước láng giềng này.
Quan hệ trắc trở với Trung Quốc cũng buộc Úc tăng cường hợp tác với Mỹ, thể hiện rõ qua các cuộc hội đàm cấp cao giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tại thủ đô Washington - Mỹ hôm 28-7.
Sau hội nghị, Úc có kế hoạch lập kho dự trữ nhiên liệu quân sự do Mỹ chi trả tại TP Darwin thuộc vùng lãnh thổ Bắc Úc. Với dân số 130.000 người, Darwin hiện là nơi đồn trú của khoảng 1.250 lính thủy đánh bộ Mỹ kể từ năm 2011. Theo Reuters, một số chuyên gia cho rằng cơ sở nhiên liệu dự phòng nói trên sẽ giúp ích cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản - thành viên còn lại của "Bộ tứ kim cương" - đang nóng trở lại vì tranh cãi quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tướng Kevin Schneider, Chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, hôm 29-7 cam kết giúp Tokyo đối phó với hành động xâm nhập của tàu Trung Quốc vào vùng biển quanh quần đảo đang được Nhật Bản kiểm soát này.
Nguồn: [Link nguồn]
Malaysia gần đây đã gửi công hàm với lập trường cứng rắn, bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển...