Trung Quốc trị tham nhũng ngành tài chính, bắt hàng loạt lãnh đạo cấp cao
(NLĐO) - Hơn 30 lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và giám đốc điều hành tài chính cấp cao của Trung Quốc bị bắt giữ trong năm nay, theo thống kê của tờ The South China Morning Post.
Đây là nỗ lực truy quét sâu rộng của cơ quan giám sát tham nhũng Trung Quốc để đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một quốc gia "siêu cường tài chính".
Các nhà phân tích dự báo sẽ có thêm nhiều quan chức bị bắt giữ khi Bắc Kinh quyết tâm dập tắt mọi rủi ro liên quan đến tham nhũng tài chính và duy trì sự ổn định.
Nhiều nhà phân tích tiết lộ các cuộc điều tra tham nhũng diễn ra sau khi các quan chức bị cáo buộc thông đồng với các chủ ngân hàng và giám đốc điều hành để phê duyệt các khoản vay đổi lấy tiền lại quả và các đặc lợi khác.
Lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc bị điều tra tham nhũng gần đây nhất là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Lâu Văn Long.
Theo tuyên bố trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 16-5, CCDI cho biết ông Lâu đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng". Thuật ngữ này thường được CCDI sử dụng để ám chỉ nghi án tham nhũng. Ông Lâu phụ trách xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017.
Cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Lâu Văn Long đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng". Ảnh: Weibo
Theo thống kê của tờ The South China Morning Post, 17 trong số những người kiếm được lợi lộc trong 5 tháng qua là quản lý cấp cao của các ngân hàng quốc doanh hoặc các chi nhánh khu vực thuộc các ngân hàng này.
Trong số này, có 4 lãnh đạo về hưu của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), bao gồm cựu Phó Chủ tịch Lý Cát Bình, cựu giám đốc chi nhánh tỉnh Sơn Đông và Cát Lâm Vu Trạch Thủy và Trương Thỉ, và cựu phó chủ tịch chi nhánh tỉnh Thanh Hải Vương Chuẩn.
Theo trang Sina, trước Lý Cát Bình, hai cựu phó chủ tịch khác của ngân hàng CDB cũng bị điều tra vào năm 2023. Cả hai bị cáo buộc can thiệp vào việc tuyển dụng của các tổ chức tài chính, sở hữu trái phép cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết, tham gia giao dịch quyền lực lấy tiền và nhận số tài sản khổng lồ trái phép, lợi dụng ảnh hưởng để nhận hối lộ.
Là một trong ba tổ chức cho vay chính sách của đất nước, CDB được giao nhiệm vụ tài trợ cho các dự án phát triển quy mô lớn của chính phủ. CDB đã bị lôi kéo vào một số vụ bê bối tham nhũng trong nhiều năm gần đây, nổi tiếng là vụ cựu chủ tịch CDB Hồ Hoài Bang bị kết án tù chung thân vào năm 2021 vì nhận hối lộ 85,5 triệu nhân dân tệ (11,8 triệu USD).
Trong đợt trấn áp tham nhũng mới nhất, 11 nhân vật quản lý cấp cao của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước bị điều tra. Cùng với Ngân hàng Nông nghiệp, những ngân hàng này tạo thành "Bộ Tứ" trung tâm của ngành ngân hàng Trung Quốc.
Các công ty bảo hiểm nhà nước Trung Quốc cũng lọt vào tầm ngắm. Lưu An Lâm - cựu chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc, Tôn Kiện – cựu phó giám đốc chi nhánh tỉnh Quảng Tây của Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc, và Đỗ Kim Đào - cựu giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của Bảo hiểm nhân thọ Thái Bình cũng đang bị điều tra.
Ông Tạ Mậu Tùng - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) - cho biết những người có quyền phê duyệt các khoản vay thương mại lớn luôn là mục tiêu của hối lộ vì "lợi nhuận từ những khoản hối lộ đó có thể cao hơn gấp trăm lần".
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện.