13 triệu hecta rừng Amazon gặp nguy vì... Trung Quốc thiếu đậu nành
Ước tính 13 triệu hecta rừng - tương đương lãnh thổ Hy Lạp - ở Brazil sẽ bị san phẳng.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.
Theo Guardian, những cánh rừng rậm Amazon có thể trở thành nạn nhân mới nhất của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Ước tính 13 triệu hecta rừng – tương đương lãnh thổ Hy Lạp – sẽ bị san phẳng để lấy đất trồng đậu nành, trong bối cảnh nguồn cung cấp đậu nành cho Trung Quốc giảm sút vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc, chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, đã giảm tới 50% trong năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh chưa từng có giữa hai quốc gia ở thời bình.
Để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc cần 22,6-37,6 triệu tấn đậu nành từ quốc gia khác. 94 quốc gia trồng đậu nành trên thế giới có thể được hưởng lợi, nhưng nhiều khả năng Brazil sẽ lấp chỗ trống. Brazil hiện là nhà xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và sẵn sàng mở rộng xuất khẩu nông nghiệp.
Để tăng sản lượng, Brazil sẽ cần đến năng suất cao hơn hoặc đơn giản hơn là lấy thêm đất. Theo các chuyên gia, Brazil sẽ không thể tăng năng suất đậu nành vì mức năng suất ở quốc gia này đã gấp 3 lần các nơi khác.
Vậy nên các nông dân cần khai hoang, lấy thêm đất rừng để gieo trồng cây nông nghiệp. Nghiên cứu cảnh báo, tình trạng phá rừng ở Amazon sẽ vượt ngưỡng 3 triệu hecta trong giai đoạn từ năm 1995-2004. Điều này cũng có tác động nghiêm trọng đối với lượng khí thải carbon dioxide.
Nạn phá rừng ở Amazon ngày càng diễn biến phức tạp.
“Nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề khó khăn trong việc giữ nhiệt độ ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris”, Peter Alexander, một trong những tác giả nghiên cứu nói.
“Nhiều người không biết rằng chiến tranh thương mại giữa hai nước có thể là ảnh hưởng đến việc sử dụng đất ở nước thứ ba”, Alexander giải thích.
Khu vực rừng Amazon đang đối mặt với nhiều sức ép, Nơi đây là nhà của các bộ tộc nguyên thủy, là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất còn lại trên thế giới.
Được biết, chính quyền tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thể hiện mong muốn sẵn sàng tăng sản lượng nông nghiệp, trong bối cảnh Brazil chiếm tới 75% lượng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc.
Loài mãng xà cổ đại sống ở thời khủng long được cho là vẫn còn tồn tại đến ngày nay, ẩn sâu trong khu rừng rậm Amazon.