Trung Quốc "thí nghiệm" gì dưới đáy biển Đông?
Hãng tin Mỹ Bloomberg vừa dẫn các tài liệu cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương thiết kế, xây dựng một trạm thí nghiệm chìm dưới biển Đông để trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản. Nhưng giới phân tích cho rằng, trạm thí nghiệm này có thể phục vụ mục đích quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Một “trạm vũ trụ” dưới biển như vậy có thể nằm cách mặt biển 3.000m,Bloomberg dẫn một bài trình bày của Bộ Khoa học Trung Quốc được đưa ra gần đây. Dự án này được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm mà Trung Quốc thông qua hồi tháng 3 và được xếp hàng thứ 2 trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên. Theo thông tin từ bài trình bày, giới chức Trung Quốc gần đây quyết định đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
“Đặt một trạm có người ở dưới độ sâu như vậy chưa ai từng thử làm, nhưng chắc chắn là có thể”, Bloomberg dẫn nhận định của ông Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược ở Washington. “Các tàu lặn có người lái đã xuống đến độ sâu như vậy trong gần 50 năm qua. Thách thức đặt ra là vận hành nó liên tục trong nhiều tháng”, ông Clark nói.
Cho đến nay chưa có nhiều thông tin chi tiết liên quan dự án được công bố, như thời gian triển khai cụ thể, bản thiết kế chi tiết, chi phí ước tính, hay khu vực cụ thể đặt trạm thí nghiệm. “Biển sâu chứa những kho báu chưa được khám phá và phát triển, và để có được những kho báu đó, chúng ta phải kiểm soát những công nghệ chìa khóa để xuống sâu dưới đáy biển, khám phá đáy biển và phát triển đáy biển”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong một hội thảo khoa học cấp quốc gia diễn ra tháng trước.
Mục đích quân sự
Cơn thèm khát tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc được cho là động lực đằng sau dự án này, nhưng bài trình bày cho biết trạm dưới đáy biển sẽ di chuyển được và có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Trung Quốc gần đây đề xuất lập một mạng lưới thiết bị cảm biến mang tên “Dự án Vạn lý trường thành dưới biển” nhằm phát hiện các tàu ngầm của Mỹ và Nga, các nhà phân tích của hãng IHS Jane’s cho biết.
“Dự án của Trung Quốc sẽ chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng nó sẽ thực hiện một số chức năng quân sự”, Bloomberg dẫn lời ông Xu Liping, nhà nghiên cứu cấp ccao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Đi đầu trong việc vạch kế hoạch xây dựng trạm dưới biển là Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, thông báo trên trang web của Bộ Khoa học Trung Quốc cho biết. Sau khi đi vào hoạt động, trạm này sẽ là nơi hàng chục người ở lại và làm việc mỗi đợt khoảng 1 tháng. Theo bài trình bày, kế hoạch này đã được vạch ra trong 1 thập kỷ qua và là nhân tố trung tâm để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu vào năm 2030. Hoàn thành trạm đó sẽ giúp Trung Quốc không còn thua kém Mỹ, Pháp và Nga trong phát triển các công nghệ dưới đáy biển. Trung Quốc đạt được thành tựu ban đầu sau khi tàu lặn Giao Long (Jiaolong) lập kỷ lục thế giới với chuyến khám phá độ sâu 7km dưới đáy biển năm 2012.
Bài trình bày của Bộ Khoa học Trung Quốc không đưa ra chi phí ước tính, nhưng ông Clark, người từng là trợ lý đặc biệt của chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, cho rằng, chi phí có thể cực kỳ lớn, và trạm này cũng dễ bị phát hiện nên không hấp dẫn hơn về mặt quân sự so với tàu ngầm hay các thiết bị không người lái. “Những hệ thống như vậy khi hoạt động dưới biển sâu thực chất là các hệ thống cảm biến và liên lạc. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô dành nhiều công sức để tìm kiếm cáp liên lạc và thiết bị cảm biến của đối thủ nhằm can thiệp trong thời bình và tấn công trong thời chiến. Chúng ta có thể cho rằng, những nỗ lực như vậy vẫn tiếp tục đến ngày nay và trong tương lai”, ông Clark nói.
Đòi Philippines ngừng kiện ở tòa quốc tế
Trung Quốc hôm qua kêu gọi Philippines ngừng tiến trình pháp lý tại tòa trọng tài quốc tế và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông thông qua đàm phán song phương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố như vậy, chỉ vài tuần trước khi Tòa trọng tài thường trực tại La Hay dự kiến đưa ra phán quyết về vụ kiện mà Philippines trình lên từ năm 2013.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khăng khăng quan điểm không chấp nhận hay tham gia quá trình tố tụng, chỉ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh kêu gọi Manila “quay lại con đường đúng đắn nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông thông qua đàm phán song phương”. Bắc Kinh cũng cáo buộc Philippines đơn phương đóng cánh cửa đàm phán và có “những hành động khiêu khích” khiến quan hệ hai nước xuống dốc và “ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định” trên biển Đông. “Cánh cửa đàm phán song phương Trung Quốc - Philippines luôn mở”, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống đắc cử Philippines, ông Rodrigo Duterte, đề xuất đối thoại đa phương, với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước có tuyên bố chủ quyền liên quan.