Trung Quốc thêm động thái mở rộng hiện diện ở Thái Bình Dương

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết với tham vọng sở hữu một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.

Mới đây, chính quyền đảo quốc Solomon đã ra thông báo chính thức xác nhận họ đang có kế hoạch “đa dạng hóa đối tác an ninh, bao gồm Trung Quốc (TQ)”, tờ The Guardian cho biết.

Thông báo được đưa ra sau khi một dự thảo an ninh giữa Solomon và TQ bị các phe phái đối lập với chính quyền Solomon hiện tại rò rỉ cho hãng tin Reuters hôm 24-3. Nội dung dự thảo là Solomon nhận được sự hỗ trợ của quân đội và cảnh sát TQ trong công tác trị an, đổi lại các tàu TQ “thực hiện công tác hậu cần, dừng chân hoặc quá cảnh” tại đảo quốc này - đồng nghĩa với khả năng TQ có thể thiết lập một căn cứ quân sự ở đây.

Các bên nói gì?

Là đối tác an ninh truyền thống của Solomon do yếu tố địa chính trị, Úc lập tức có phản ứng mạnh mẽ trước thông tin trên. “Chúng tôi quan ngại trước mọi hành động gây mất ổn định khu vực từ bất kỳ bên nào. Các nước thành viên khu vực Thái Bình Dương cần phản ứng trước các sự việc ảnh hưởng tới an ninh của tất cả chúng ta” - thông cáo của Bộ Ngoại giao Úc nêu rõ.

Trả lời phỏng vấn của kênh 9 News (Úc), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Peter Dutton khẳng định bất kỳ kế hoạch lập căn cứ quân sự nào của TQ ở quần đảo Solomon cũng đều đáng quan ngại. Ông nhấn mạnh Úc mong muốn hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương và sẽ không chấp nhận sự hiện diện “rối loạn” và những hành động cưỡng ép, bắt nạt của TQ xuất hiện tại đây.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định với The Guardian rằng tham vọng thiết lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương lâu nay là chuyện rõ ràng và rất được Canberra quan tâm bởi Úc luôn là quốc gia viện trợ lớn nhất cho các đảo quốc Thái Bình Dương từ trước đến nay.

 Mỹ hiện chưa chính thức lên tiếng với các đồng minh, song nội dung một bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái cho hay Washington đang trong quá trình tăng cường các cơ sở quân sự và tham gia chạy đua giành ảnh hưởng giữa các đảo quốc Thái Bình Dương với Bắc Kinh, theo tờ The Nikkei. Tháng trước, tờ The Guardian dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington dự định mở lại đại sứ quán ở Solomon sau 29 năm giáng cấp hiện diện ngoại giao tại Honiara, trong một nỗ lực nhằm đối phó với ảnh hưởng đang ngày một gia tăng của TQ trong khu vực. 

Trong thời gian gần đây, TQ đẩy mạnh các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng và các viện trợ khác ở Thái Bình Dương như cung cấp thiết bị quân sự cho Fiji và thiết bị chống bạo động cho Solomon. Giới lãnh đạo Úc lo ngại TQ có thể có kế hoạch nâng cấp một đường băng và cây cầu trên đảo Kanton ở đảo quốc Kiribati nhằm khôi phục khu vực từng là nơi tập trung máy bay quân sự của phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp phái đoàn ngoại giao của đảo quốc Solomon ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp phái đoàn ngoại giao của đảo quốc Solomon ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS

New Zealand cũng bày tỏ quan ngại về thỏa thuận an ninh giữa Solomon và TQ. Ngoại trưởng Nanaia Mahuta đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực cần minh bạch và khẳng định nội dung trong thỏa thuận nói trên có thể gây bất ổn cho sự ổn định của các thể chế và trật tự an ninh truyền thống của khu vực Thái Bình Dương. Bà cho biết sẽ bày tỏ lo ngại với chính quyền Solomon và TQ.

Về phía TQ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân trong cuộc họp báo mới đây không xác nhận hay bác bỏ thông tin liên quan đến dự thảo an ninh với Solomon mà chỉ cho biết TQ ủng hộ Solomon có đủ khả năng giữ gìn trật tự và ổn định xã hội, theo tờ South China Morning Post. Ông Uông kêu gọi các bên cần nhìn nhận vấn đề hợp tác an ninh giữa TQ và Solomon một cách “khách quan, bình tĩnh và không suy đoán vô căn cứ”.

Solomon trên đường thành đối tác thân cận của Trung Quốc?

Đài CNN cho hay lãnh đạo của chính quyền Solomon đương nhiệm - Thủ tướng Manasseh Sogavare kể từ khi nhậm chức không che giấu ý định muốn cải thiện quan hệ với TQ. Năm 2019, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Theo ông, Bắc Kinh sẽ giúp Solomon phát triển cơ sở hạ tầng. Chính quyền của Thủ tướng Sogavare sau đó nhanh chóng ký các hiệp định cho phép công ty TQ quyền xây dựng đường sá, cầu cống, cũng như mở lại một trong những mỏ vàng của Solomon. Một công ty TQ thậm chí từng cố gắng thuê nguyên một hòn đảo của Solomon, song nỗ lực này không có kết quả khi luật pháp Solomon không cho phép doanh nghiệp nước ngoài làm việc này.

Một bộ phận cư dân Solomon cũng bày tỏ quan ngại rằng khả năng các công ty TQ sử dụng tiềm lực kinh tế để gây ảnh hưởng lên giới chức địa phương nhằm giành được dự án có lợi, qua đó gạt chân những công ty trong nước. Tâm lý bất mãn này lên đến đỉnh điểm vào tháng 11-2021, khi các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn ở Solomon.

Thủ hiến tỉnh Malaita của Solomon Daniel Suidani, người đã cấm các công ty TQ hoạt động trong địa bàn của ông, đã tuyên bố sự giận dữ của người dân đến từ “cách lãnh đạo và lập trường thân TQ của chính quyền trung ương”.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập trong Quốc hội Solomon Matthew Wale cho biết đã thúc giục Thủ tướng Sogavare đàm phán với tỉnh Malaita nhưng chưa thành công. Theo ông, hiệp định an ninh với TQ có thể khiến mối quan hệ giữa trung ương và địa phương tiếp tục xấu đi.

Rộ tin Trung Quốc gửi súng mô hình tới Solomon

The Guardian dẫn truyền thông địa phương cho biết TQ đầu tháng này đã chuyển giao cho Solomon một lô hàng súng mô hình quy mô lớn trên một tàu chở gỗ cập một cảng biển của thủ đô Honiara vào đêm tối. Cảnh sát Solomon sau đó lên tiếng xác nhận lô súng và cho biết lô hàng này bao gồm 95 súng trường, 92 súng ngắn mô hình được TQ viện trợ để huấn luyện, đồng thời khẳng định “lực lượng này không có lý do gì để che giấu” việc nhận số súng này.

“Những khẩu súng này không đe dọa an ninh quốc gia từ bất kỳ phương diện nào mà chỉ là công cụ giúp lực lượng cảnh sát (Solomon) nâng cao năng lực hoạt động. Chúng tôi là lực lượng trị an chính của đất nước nên một số cách làm của chúng tôi có thể phải được giữ kín để đảm bảo an toàn” - Ủy viên cảnh sát Solomon Mostyn Mangau cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Nguy cơ Nga mất thị trường khí đốt châu Âu vì xung đột Ukraine: Trung Quốc có bù đắp đủ?

Trung Quốc đang nổi lên là quốc gia nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt, giúp Nga vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận mạnh mẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN