Trung Quốc tạo ra khỉ mang gen não người: Điều gì xảy ra?
Các nhà khoa học Trung Quốc đã cấy ghép gen não người vào khỉ nhằm tìm hiểu về quá trình tiến hóa của trí tuệ con người. Tuy nhiên, thí nghiệm này đã vấp phải những chỉ trích về vấn đề đạo đức y học.
Các nhà khoa học Trung Quốc cấy gen não người vào khỉ.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Sinh vật Côn Minh và Học viện Khoa học Trung Quốc kết hợp cùng các cộng sự tại Đại học North Carolina (Mỹ) thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí National Science Review của Bắc Kinh hồi tháng 3/2019.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép các phiên bản của gen MCPH1 – được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não người, vào 11 con khỉ vàng rhesus. Họ nhận thấy rằng não khỉ mất nhiều thời gian phát triển hơn. Các con vật cũng thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ ngắn hạn cũng như phản ứng với thời gian so với khỉ hoang dã. Tuy nhiên, kích thước não của nhóm khỉ thí nghiệm không phát triển lớn hơn so với nhóm không được cấy ghép gen.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những cá thể linh trưởng ngoài họ người có khả năng cung cấp những thông tin quan trọng, thậm chí độc nhất cho những câu hỏi cơ bản là điều gì đã giúp con người trở nên độc nhất vô nhị”, các tác giả cho biết.
Những con khỉ trong thí nghiệm phải trải qua các bài kiểm tra trí nhớ yêu cầu chúng phải ghi nhớ các màu sắc, hình dạng được trình chiếu trên màn hình. Chúng cũng được chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong số 11 con khỉ được cấy ghép gen, chỉ 5 con còn sống tới giai đoạn kiểm tra.
Nghiên cứu này, cùng với nhiều thí nghiệm y sinh khác của Trung Quốc, một lần nữa lại làm dấy lên các tranh cãi về đạo đức y học. Chuyên gia sinh học Jacqueline Glover thuộc Đại học Colorado cho rằng: “Việc nhân hóa những cá thể khỉ này là việc làm gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu và sẽ làm gì? Chúng ta không thể tạo ra những sinh vật không thể có một cuộc sống bình thường dưới bất kỳ lý do gì”.
Trong khi đó, các tác giả cho rằng khỉ vàng rhesus là họ hàng đủ xa với con người để tránh được những quan ngại về vấn đề đạo đức y học.
Hồi tháng 1, các nhà khoa học Trung Quốc công bố kết quả thí nghiệm trong đó 5 cá thể khỉ vàng được nhân bản vô tính từ một cá thể được biến đổi gen nhằm xuất hiện rối loạn giấc ngủ. Cả 5 cá thể nhân bản đều có những dấu hiệu về tâm thần như trầm cảm, hồi hộp và tâm thần phân liệt. Các nhà nghiên cứu cho biết mục đích thí nghiệm nhằm tìm hiểu về các vấn đề tâm thần ở con người.
Năm ngoái, nhà nghiên cứu Trung Quốc Hạ Kiến Khuê đã gây chấn động cộng đồng khoa học thế giới sau khi tạo ra 2 em bé sinh đôi biến đổi gen để kháng nhiễm HIV.
Bên cạnh cặp song sinh nữ với phần gen bị chỉnh sửa ra đời vào cuối năm ngoái, giới chức điều tra Trung Quốc xác nhận...