Trung Quốc tăng cường đóng tàu sân bay, quyết "ăn thua" với Mỹ?

Trung Quốc dự kiến ra mắt tàu sân bay thế hệ mới trong vòng một năm và việc đóng thêm tàu "anh em" với tàu sân bay mới đang được đẩy nhanh, theo truyền thông Trung Quốc.

Đồ họa tàu sân bay Type 002 của Trung Quốc. Ảnh: Chinese Navy

Đồ họa tàu sân bay Type 002 của Trung Quốc. Ảnh: Chinese Navy

Hàng không mẫu hạm Type 002 - tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc và là chiếc thứ 2 sản xuất nội địa - đã bắt đầu quá trình lắp ráp cuối cùng, 2 nguồn tin độc lập xác nhận với SCMP hôm 18/7.

"Việc lắp ráp hàng không mẫu hạm mới đã bắt đầu và dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã khiến tiến độ công việc bị trì trệ trong năm nay. Các công nhân đóng tàu cũng bắt đầu định hình đáy tàu cho một tàu sân bay 'anh em' với hàng không mẫu hạm Type 002. Cả 2 hàng không mẫu hạm đều được đóng bởi nhà máy đóng tàu Giang Nam, nằm bên ngoài thành phố Thượng Hải", một nguồn tin cho hay.

Nguồn tin thứ 2 cho biết quá trình đóng tàu sân bay "anh em" với Type 002 được bắt đầu từ năm 2018 nhưng bị tạm dừng vào năm ngoái vì các lý do kỹ thuật.

"Việc đóng hàng không mẫu hạm Type 002 sẽ nhanh hơn chiếc đầu tiên của Trung Quốc tự sản xuất vì công nhân đã có kinh nghiệm và khắc phục được nhiều vấn đề ở chiếc đầu tiên", nguồn tin thứ 2 cho hay.

Các bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội gần đây cho thấy 2 phần khổng lồ của tàu sân bay được neo tại một bến tàu cạn và được lắp ráp từ các thành phần tàu đúc sẵn. Có những đường băng chưa hoàn thiện dành cho chiến đấu cơ bên trên 2 phần khổng lồ này. Các bức ảnh cho thấy nhiều công đoạn đã được thực hiện so với các hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 4/2019 bởi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).

Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc được cho là chụp quá trình xây dựng tàu sân bay Type 002. Ảnh: Weibo

Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc được cho là chụp quá trình xây dựng tàu sân bay Type 002. Ảnh: Weibo

Quá trình xây dựng Type 002 bắt đầu từ đầu năm 2015. Hàng không mẫu hạm này là chiếc thứ 3 của Trung Quốc sau 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Không giống với chiếc Type 001 (Sơn Đông) được trang bị hệ thống đường băng theo kiểu dốc trượt tuyết, Type 002 sẽ được trang bị hệ thống đường băng điện từ tiên tiến nhất thế giới, tương đương với hệ thống được sử dụng trên hàng không mẫu hạm lớp Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc tăng cường đóng tàu sân bay, quyết "ăn thua" với Mỹ? - 3

Hệ thống đường băng kiểu dốc trượt tuyết trên tàu sân bay Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Ưu thế của hệ thống đường băng điện từ so với đường băng kiểu dốc trượt tuyết là chiến đấu cơ ít bị hao mòn và cho phép nhiều chiến đấu cơ có thể được phóng đi, tiết kiệm thời gian.

Liang Guoliang, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cho biết Type 002 dự kiến không được trang bị năng lượng hạt nhân vì Trung Quốc chỉ mới sử dụng công nghệ hạt nhân với tàu ngầm.

"Công nghệ chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế cho hàng không mẫu hạm thứ 5 của Trung Quốc, dự kiến được xây dựng tại công ty đóng tàu Đại Liên", ông Liang nói. Đại Liên chính là công ty sản xuất tàu sân bay Sơn Đông.

Ông Liang còn cho cho biết: "Ủy ban quân sự Trung ương Trung Quốc (CMC) quyết định lắp đặt hệ thống phóng máy bay thủy lực trên Type 002 khi mới bắt đầu khởi công xây dựng năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này bị thay đổi khi chuẩn đô đốc Ma Weiming phát triển thành công hệ thống đường băng điện từ trong cùng năm đó".

Chuẩn đô đốc Ma kiêm kỹ sư hàng đầu cũng phát triển hệ thống chip bán dẫn lưỡng cực (IGBT), một thành phần quan trọng của hệ thống chuyển đổi năng lượng hiệu quả cao. Theo nhà bình luận Liang, đây chính là yếu tố quyết định khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định thay đổi kế hoạch với đường băng điện từ.

Trung Quốc mua tàu sân bay đầu tiên, Liêu Ninh, từ Ukraine năm 1998 và dành 8 năm để trang bị thêm cho nó. Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đạt được Khả năng hoạt động ban đầu (IOC) - yêu cầu cơ bản đối với tàu chiến. Tàu sân bay thứ 2, Sơn Đông, dự kiến đạt IOC vào năm 2021.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang (trụ sở tại Bắc Kinh), cho biết các thủy thủ đoàn, trong lúc chờ tàu sân bay mới ra mắt, sẽ sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh để làm quen.

"Liêu Ninh đã quá cũ để trở thành một tàu chiến hoàn hảo vì thân tàu sân bay này đã được chế tạo từ năm 1985. Hải quân Trung Quốc nên dựa vào các nhóm tàu sân bay thế hệ mới như Type 002 hoặc Type 003 trong tương lai", ông Zhou nhận định.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng ít nhất 6 hạm đội chiến đấu tới năm 2035, nhằm hiện thực hóa tham vọng cân bằng sức mạnh với hải quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.

"Trung Quốc có 3 hạm đội để làm nhiệm vụ tại biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông, mỗi hạm đội cần có ít nhất 2 hàng không mẫu hạm.

Khác với Hải quân Mỹ với chiến lược toàn cầu, toàn bộ tàu sân bay của Trung Quốc hiện tại chỉ có thể được sử dụng để phòng thủ ngoài khơi vì vị trí địa lý của Trung Quốc", ông Zhou nói.

Theo SCMP, Mỹ vẫn sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới với 11 tàu sân bay và 2 chiếc khác đang trong quá trình xây dựng.

Ông Trump ký sắc lệnh mới về Hong Kong: TQ triệu tập đại sứ Mỹ, tuyên bố rắn

Trung Quốc hôm 15/7 triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN