Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng, Mỹ lo vị thế dẫn đầu bị đe dọa
Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào guồng quay tăng chi tiêu quốc phòng không ngừng để củng cố vị thế, năng lực quân sự.
Trong vòng 1 thập kỷ Trung Quốc tăng chi quốc phòng tới 75%
Bắc Kinh tăng chi quốc phòng 6,8% trong năm tới
Ngày 5/3, Trung Quốc thông báo tăng chi tiêu quốc phòng 6,8% trong năm tài khóa 2022 (tương đương 208,6 tỉ USD), nâng tổng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh lên 1,35 nghìn tỉ USD, theo Fox News.
Trong thông báo về chi tiêu quốc phòng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, quân đội sẽ tập trung củng cố sức mạnh, xúc tiến những nỗ lực trong ngành công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật và khoa học trong năm tài khóa 2022.
"Trung Quốc sẽ đẩy mạnh huấn luyện quân sự; năng lực sẵn sàng chiến đấu; phác thảo kế hoạch toàn diện đối phó với tất cả mối đe dọa an ninh trên mọi lĩnh vực và trong mọi tình huống; tăng cường khả năng chiến lược của quân đội nhằm bảo vệ chủ quyền, những lợi ích trong an ninh, phát triển đất nước” - ông Lý nhấn mạnh.
Hãng Sputnik dẫn lời nhà phân tích quân sự đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS) Vladimir Yevseev cho rằng, với mức tăng ngân sách đó, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tăng thêm các khoản dự phòng để đối trọng với các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Vladimir Yevseev, Mỹ đang tập trung chiến lược hướng đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thu hút các đồng minh như Đức, Pháp, Anh cùng tham gia.
Rõ ràng, trong quá trình đối đầu với Trung Quốc, Mỹ sẽ tập trung vào quân sự - chính trị.... Trung Quốc sẽ phải duy trì các yếu tố đảm bảo ổn định ở Eo biển Đài Loan, đòi hỏi bổ sung nguồn lực cho các hạm đội và không quân.
Đồng thời, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ quan điểm của mình đối với vấn đề Biển Đông. Trước tình hình đó, việc nước này tăng chi tiêu cho quốc phòng cũng dễ hiểu - chuyên gia Nga nói.
Mặt khác theo ông Yevseev, qua việc củng cố tiềm lực kinh tế, Trung Quốc sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, hiện đại hóa quân đội, nâng cao năng lực quốc phòng.
Ngoài ra, theo Giáo sư Khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Moscow - ông Andrei Manoilo, Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng năm thứ 6 liên tiếp là bởi Trung Quốc cũng phải đối phó với nhiều nguy cơ rủi ro, đe dọa ngày càng cao từ bên ngoài.
Việc tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa Trung Quốc cũng củng cố nguồn tài chính nhằm đảm bảo an ninh thông thương với các quốc gia/khu vực như Châu Phi và Trung Đông mà Trung Quốc có giao thương về năng lượng và nhiều nguồn tài nguyên khác.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh an toàn cho những tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, khoáng sản tại Châu Phi.
Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các nước Châu Âu.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động liên quan, Trung Quốc cần quân đội và các lực lượng bảo vệ.
Mỹ vẫn tăng chi dù ngân sách quốc phòng gấp 3 lần Trung Quốc
Lo ngại trước xu hướng tăng chi quốc phòng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Mỹ hiện đang có chi tiêu quốc phòng gấp 3 lần Trung Quốc (khoảng 694,6 tỉ USD trong năm tài khóa 2021) tiếp tục muốn tăng ngân sách lên nữa, theo Fox News.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ từng công bố báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân sự khổng lồ.
Mới đây, nhiều Nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã gửi thư lên Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị tăng thêm 3-5% cho ngân sách quốc phòng năm tới.
Trong thư, nhóm 8 Nghị sĩ đảng Cộng hòa do Hạ Nghị sĩ Mike Rogers dẫn đầu, chỉ ra: “Việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng được nêu trong Đạo luật Kiểm soát ngân sách (BCA) đã làm ảnh hưởng tới năng lực sẵn sàng chiến đấu, đẩy lùi những nỗ lực hiện đại hóa của lực lượng quốc phòng Mỹ, tạo thời cơ cho đối thủ tận dụng, làm suy yếu vị thế dẫn đầu quân đội Mỹ".
Các Nghị sĩ nhấn mạnh, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 75% trong 1 thập kỷ qua. “Nếu chúng ta không làm gì, trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ hiện đại hóa quân sự toàn diện và rất có thể đưa họ ngang hàng với chúng ta”, 8 Nghị sĩ nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuyến đường sắt kết nối Tây Tạng với phần còn lại của Trung Quốc hứa hẹn sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm...