Trung Quốc sẽ 'đau đầu' với tân thủ tướng Nhật Bản
Trung Quốc khả năng sẽ đau đầu với vị thủ tướng mới của Nhật, vì so với các đời thủ tướng Nhật gần đây thì ông Fumio Kishida được cho là người có chủ trương rắn với Bắc Kinh nhất, cả về đối ngoại lẫn an ninh.
Nhật hôm 29-9 vừa chọn được thủ tướng mới thay cho ông Yoshihide Suga, đó là cựu ngoại trưởng (2012-2017) và là lãnh đạo đảng cầm quyền Tự do dân chủ (LDP) Fumio Kishida (64 tuổi).
Ông Kishida là người nỗ lực hiện thực hóa chuyến thăm năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima - TP từng hứng quả bom nguyên tử của Mỹ bảy thập niên trước đó.
Ông Fumio Kishida ngày 29-9, sau khi được bầu làm tân lãnh đạo đảng cầm quyền Tự do dân chủ và sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật. Ảnh:Reuters
Rắn với Trung Quốc cả đối ngoại lẫn an ninh
Ông Kishida đã chiến thắng trong lần chạy đua thứ hai vào vị trí thủ tướng Nhật. Lần thứ nhất là vào năm 2020, ông thua ông Suga. Ông Kishida dự kiến sẽ chính thức nhậm chức thủ tướng thứ 100 của Nhật vào ngày 4-10 và lập nội các sau đó.
Trong bối cảnh có chỉ trích rằng hiện có quá nhiều bộ, ngành chung nhau trách nhiệm về các biện pháp đối phó dịch COVID-19, ông Kishida có kế hoạch lập một cơ quan chính phủ có vai trò chỉ huy trong việc đối phó đại dịch. Chủ trương của ông nhằm đưa cuộc sống quay lại bình thường, không chỉ là phủ sóng vaccine rộng mà cả phát triển thuốc điều trị. Mục tiêu của ông Kishida là phát triển thuốc uống và phổ biến rộng rãi vào cuối năm nay, tiến tới đưa hoạt động kinh tế - xã hội của Nhật trở lại gần như bình thường vào đầu năm sau.
Ông Kishida từng nói củng cố tài khóa sẽ là một cột trụ chính sách của ông. Năm 2018, ông Kishida từng nói rằng các biện pháp kích thích kinh tế không thể kéo dài mãi và cũng không tin tưởng với chính sách cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật. Song với thực tế kinh tế đang gặp khó vì đại dịch, ông Kishida đã thay đổi quan điểm và cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật nên duy trì các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Ông đề xuất một gói chi tiêu hơn 30.000 tỉ yen, đồng thời nói Nhật khả năng sẽ không tăng thuế suất hàng bán (hiện ở mức 10%) trong vòng một thập niên tới.
Ông Kishida cũng cho rằng cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập, trái với chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe là thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều được các nhà quan sát chú ý nhiều ở nhân vật sẽ là thủ tướng mới của Nhật là chủ trương đối ngoại và an ninh của ông. Có thể nói, so với các đời thủ tướng Nhật gần đây thì ông Kishida được cho là người có chủ trương rắn với Trung Quốc (TQ) nhất.
Tháng trước, ông Kishida nói rõ ông chủ trương rằng Nhật - cùng với sự hợp tác chặt với Mỹ và cả với các nước có chung quan điểm và giá trị - nên đối phó cứng rắn với TQ. Ông Kishida có kế hoạch sẽ tăng sức mạnh lực lượng bảo vệ bờ biển, trong bối cảnh Nhật vẫn đang đối đầu với TQ quanh chuyện tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo ở biển Hoa Đông.
Ông Kishida hoan nghênh nỗ lực của Đài Loan nhằm tham gia một hiệp định thương mại tự do có tên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật là thành viên. Cả Đài Loan và TQ đều gửi đơn đề nghị được tham gia hiệp định. Ông Kishida cũng ủng hộ việc Quốc hội thông qua nghị quyết lên án một số vấn đề liên quan đến TQ và muốn bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt cho thủ tướng về vấn đề quyền con người phụ trách giám sát TQ, theo hãng thông tấn Kyodo News.
“Trong chính trị, xây dựng sự đồng lòng “từ dưới lên” cũng quan trọng không kém sự tiếp cận “từ trên xuống”” - ông Fumio Kishida nói khi phát động chiến dịch tranh cử vào tháng trước.
Chuyên gia Trung Quốc: Ông Kishida sẽ chỉ nói mà không làm
Bắc Kinh đã nhanh chóng có phản ứng sau khi có thông tin ông Kishida sẽ là thủ tướng mới của Nhật. Họp báo ngày 29-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ - bà Hoa Xuân Oánh nói TQ mong muốn được làm việc với chính phủ mới của Nhật để làm sâu sắc hơn sự hợp tác thực chất giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, cũng như để thúc đẩy tiến trình phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung - Nhật đi đúng hướng, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Thời báo Hoàn Cầu cũng đưa ra nhận định của một số chuyên gia TQ rằng ông Kishida khi tranh cử có những phát ngôn tấn công TQ nhằm thể hiện sự cứng rắn của ông với công chúng Nhật và với nội bộ đảng Tự do dân chủ, chứ khả năng ông này sẽ không làm theo. Nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 29-9, ông Zhou Yongsheng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Nhật tại ĐH Các vấn đề đối ngoại TQ, cho rằng các phát ngôn của ông Kishida chỉ là chiến thuật tranh cử và không nhất thiết ông này sẽ đi theo “con đường cực hữu” như vậy sau đó. Theo ông Zhou, TQ chưa bao giờ phản đối liên minh Mỹ - Nhật nhưng Nhật nên tìm cách cải thiện quan hệ với TQ phù hợp khuôn khổ liên minh giữa Nhật với Mỹ.
Chuyên gia Da Zhigang, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang, chuyên gia trưởng tại Viện nghiên cứu chiến lược Đông Bắc Á, cho rằng ông Kishida nói về một loạt chính sách như an ninh, đối ngoại nhưng thực ra kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế sau dịch mới là các mối quan tâm chính của ông để thắng được lòng dân.
Các chuyên gia TQ dự đoán nội các mới của Nhật về cơ bản sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật, đặc biệt đối với TQ. Theo các nhân vật này, chính phủ mới của Nhật nên tìm ra con đường giúp thiết lập một chính sách ổn định về TQ, trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh giữa TQ và Mỹ. Các chuyên gia này cảnh báo không thể để quan hệ Trung - Nhật trở nên xấu hơn nữa, nếu không, lãnh đạo kế tiếp của Nhật sẽ phải đối mặt với khó khăn cực lớn khi muốn hàn gắn quan hệ.
Ông Kishida từng ba lần thi trượt đại học Gia đình ông Kishida từng sống vài năm ở New York (Mỹ) và ông từng hứng chịu sự phân biệt chủng tộc ở trường, theo một hãng tin của Pháp. Đây là một trải nghiệm mà ông nói đã mang lại cho ông ý thức mạnh mẽ về công lý. Thời trẻ, ông Kishida rất đam mê môn bóng chày nhưng lại không suôn sẻ trong chuyện học. Ông từng ba lần thi trượt kỳ tuyển sinh đầu vào ngành luật, ĐH Tokyo. Sau đó, ông chọn học tại trường đại học tư Waseda - một trường nổi tiếng ở Tokyo mà theo lời ông, lý do ông chọn là vì bầu không khí nghiêm túc, không phô trương của trường. Ông Kishida từng làm việc tại một ngân hàng và tham gia chính trường vào năm 1993, theo bước chân của cha và ông nội. |
Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, Anh và châu Âu đang gây ra những tác động đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]