Trung Quốc sẽ cứu "chúa nợ" Evergrande vào phút chót?
Evergrande không chỉ là thương hiệu lớn trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc mà còn nổi danh trong lĩnh vực bóng đá, sữa công thức và xe điện.
Nhưng ngày mai (23/9), cái tên Evergrande có thể sẽ đi vào lịch sử, gắn liền với một vụ khủng hoảng tài chính được đánh giá tương tự như Lehman Brothers năm 2008, kéo theo khủng hoảng thế giới.
Khoảnh khắc đó có đến hay không phụ thuộc vào câu trả lời của Chính phủ Trung Quốc.
Evergrande có hơn 70 nghìn nhà đầu tư và đang phải tạm dừng xây dựng, ảnh hưởng tới 1 triệu người mua nhà
Thời điểm quan trọng
Ngày 23/9 sẽ là thời điểm Evergrande đến hạn thanh toán một loạt trái phiếu phát hành ở thị trường nước ngoài. Hiện nay, tập đoàn này thừa nhận đang đối mặt với những khó khăn tài chính chưa có tiền lệ.
Theo ABC (Australia), tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc đang gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Theo các nhà kinh tế, nếu Evergrande sụp đổ, đây sẽ là thách thức tài chính lớn nhất mà Trung Quốc đối mặt trong vài năm qua.
Trước mắt, hàng nghìn nhà đầu tư, đối tác cung cấp, nhân viên của Evergrande hy vọng chính phủ sẽ vào cuộc để họ có thể lấy lại tiền đã đổ vào tập đoàn này.
Đến ngày 21/9, Bắc Kinh vẫn giữ lập trường cứng rắn, chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Một số nhà bình luận so sánh tình trạng của tập đoàn bất động sản Trung Quốc như vụ Lehman Brothers năm xưa. Tập đoàn Lehman Brothers đã nộp đơn xin phá sản vào cuối năm 2008, gây ra vụ sụp đổ tài chính nghiêm trọng nhất dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo khủng hoảng có thể “lây lan” rộng nếu các nhà phát triển bất động sản khác cũng có nợ lớn như Evergrande và không thể thanh toán.
Lúc này, không khó để bắt gặp những dự án xây dựng dang dở nhan nhản tại các thành phố của Trung Quốc do các công ty nhỏ hơn phá sản.
Tháng trước, cơ quan chức năng tại thành phố Côn Minh phải cho nổ có kiểm soát 15 tòa chung cư chưa hoàn thiện. Động thái tương tự được thực hiện tại Thượng Hải vào tháng 4 vừa qua đối với một tổ hợp các tòa nhà không thể xây xong trong suốt 20 năm qua.
Chưa kể, hiện còn có tới hơn 65 triệu căn hộ đang bỏ trống ở trên khắp đất nước. Tất cả làm thổi bùng lên tin đồn - ngành bất động sản Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ đổ sụp.
Chính phủ sẽ cứu nhưng có chọn lọc
Một người phụ nữ đang ngồi khóc trước cửa trụ sở Evergrande tại Thâm Quyến vì khoản nợ 1 triệu USD chưa đòi lại được.
Tuy nhiên, theo phân tích của công ty dịch vụ tài chính Nomura, không nên so sánh tình cảnh trên bờ vực khủng hoảng tại Trung Quốc với khủng hoảng tài chính toàn cầu như Lehman Brothers.
Trong một nghiên cứu gần đây, Nomura chỉ ra, các tổ chức tài chính lớn chưa bị ảnh hưởng nhiều vì khủng hoảng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Thực tế, Chính phủ Bắc Kinh đã áp biện pháp nghiêm ngặt với ngành bất động sản Trung Quốc từ cuối tháng 8, hạn chế tình trạng vay quá mức. Chưa kể, những tổ chức tài chính chủ yếu là doanh nghiệp quốc doanh nên dễ dàng được Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp.
Hãng tin ABC dẫn lời một nhà phân tích tại Hong Kong làm việc cho công ty nghiên cứu về đầu tư Bloomberg Intelligence nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp nhưng điều họ muốn không đơn thuần chỉ là cứu trợ.
Bởi vì đang có nhiều nhà phát triển nhỏ hơn cũng “hấp hối” vì chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định về tín dụng.
Theo nhà phân tích này, rất có thể, Trung Quốc sẽ ngăn chặn khủng hoảng trên diện rộng nhưng sẽ cứu trợ một cách chọn lọc, không phải tất cả các công ty đang gặp khó.
“Các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn đất và dự án nên dù lúc này khách hàng cá nhân chưa muốn mua, các doanh nghiệp quốc doanh vẫn có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề. Chỉ có điều, đó sẽ là một quy trình rất dài. Trước mắt, trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc có thể phải chịu đôi chút khó khăn”, nhà phân tích Hong Kong cho biết.
“Chúa nợ” Evergrande lớn như thế nào?
Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande là doanh nghiệp có doanh thu lớn thứ 2 Trung Quốc, tham gia vào hơn 1.300 dự án trải khắp 280 thành phố trên toàn quốc.
Trong lĩnh vực thể thao, tháng 3/2020, Evergrande từng mua trọn cổ phiếu của Câu lạc bộ Quảng Châu với giá 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD). Tháng 4/2020, Evergrande gây tiếng vang với dự án xây Sân vận động Evergrande Quảng Châu trị giá 12 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ USD). Công trình này có thiết kế hình bông sen, với 100.000 ghế ngồi và dự kiến mở cửa vào tháng 12/2022.
Tập đoàn Evergrande “lấn sân” vào ngành ô tô với dự án đầu tư 45 tỷ nhân dân tệ trong vòng 3 năm phát triển xe năng lượng mới, xây dựng 3 nhà máy sản xuất tại Nam Sa, Quảng Châu và Thượng Hải.
Hãng đã ra mắt loạt xe điện đầu tiên vào năm 2020. Nhưng hiện nay, tình hình sản xuất tại các nhà máy vẫn còn ngổn ngang. Cũng như tập đoàn mẹ, công ty con về ô tô điện đang ngập trong nợ và rất có thể sẽ bị Evergrande bán.
Evergrande là tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, nằm trong nhóm Global 500 – tức một trong những doanh...
Nguồn: [Link nguồn]