Trung Quốc sắp trải qua biến động lớn nhất về nhân sự ngoại giao?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Đại hội Đảng Trung Quốc vào cuối năm nay có thể đánh dấu thời điểm Trung Quốc có một thế hệ nhà ngoại giao mới.

Theo tờ Nikkei Asia, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh vào cuối năm nay, hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của nước này dự kiến nghỉ hưu và đây sẽ là sự biến động lớn nhất về nhân sự ngoại giao của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Sau khi quan sát cuộc cải tổ ban lãnh đạo tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần trước, tờ Nikkei Asia nhận thấy rằng các thành viên trong Bộ Chính trị nước này sẽ được áp dụng quy tắc "bảy lên, tám xuống", đã được đưa ra vào năm 2002.

Theo đó, một cán bộ từ 67 tuổi trở xuống có thể được bổ nhiệm hoặc phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm nữa trong khi bất kỳ ai 68 tuổi trở lên đều phải nghỉ hưu.

Hai nhà ngoại giao kỳ cựu dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Ông Dương Khiết Trì, 72 tuổi, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải). Ảnh - Reuters

Hai nhà ngoại giao kỳ cựu dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Ông Dương Khiết Trì, 72 tuổi, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải). Ảnh - Reuters

Như vậy, sau chín năm là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, 72 tuổi, chuẩn bị rời Bộ Chính trị và rời cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CFAC) tại Đại hội đảng lần thứ 20, dự kiến diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, 68 tuổi, nhà ngoại giao số 2 của Trung Quốc, cũng sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 3 năm tới – thời điểm diễn ra phiên họp quốc hội thường niên của nước này.

Ông Vương Nghị đã giữ chức vụ ngoại trưởng Trung Quốc trong 10 năm và vị trí Ủy viên Quốc vụ chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại trong 5 năm qua.

Còn ông Dương Khiết Trì là ngoại trưởng Trung Quốc 6 năm trước thời kỳ của ông Vương Nghị, sau đó phục vụ nửa thập kỷ trong vai trò Ủy viên cấp cao hơn và vào Bộ Chính trị cách đây 5 năm. Hai nhà ngoại giao này đều có khoảng một phần tư thế kỷ kinh nghiệm ở các vị trí đối ngoại hàng đầu.

Chiến lược đối ngoại cứng rắn hơn

Với việc ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị có thể sẽ hết nhiệm kỳ vào thời gian tới, Trung Quốc có thể có một thế hệ nhà ngoại giao mới, những người sẽ tiếp tục thực hiện các ưu tiên toàn cầu có thể là theo hướng cứng rắn hơn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian tới, tờ Nikkei Asia nhận định.

Theo tờ Nikkei Asia, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn, đồng thời sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối đầu ngoại giao trực diện với Mỹ và các đồng minh, điều mà các nhà lãnh đạo trước đây luôn tránh.

Từ quan điểm của ông Tập, nước này đã đạt được những thành tựu đối ngoại rất đáng kể. Ví dụ, Bắc Kinh đã khởi động Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD được hơn 140 quốc gia ủng hộ nhằm nâng cao vai trò của Trung Quốc trong đầu tư, thương mại và thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.

Nước này cũng liên tục củng cố lập trường về các yêu sách lãnh thổ cũng như sẵn sàng “mạnh tay” về kinh tế đối với các quốc gia bất đồng chính sách với họ, ví dụ như Hàn Quốc và Australia, hai đồng minh khu vực thân cận của Washington.

Nhân sự tiềm năng đảm nhiệm vị trí của ông Dương Khiết Trì

Theo đánh giá của Nikkei Asia, dựa trên thâm niên, người “kế vị” tiềm năng nhất của ông Dương Khiết Trì là ông Song Tao.

Cho đến tháng 6 này, ông Song Tao vẫn là người đứng đầu ban liên lạc quốc tế (ILD) của đảng – đơn vị quản lý các hoạt động trao đổi với hơn 500 đảng phái chính trị nước ngoài.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang rất coi trọng ngoại giao đảng phái, coi đây là một kênh bổ sung cho ngoại giao quốc gia truyền thống và sẽ tác động trực tiếp đến giới tinh hoa nước ngoài, tăng cường ảnh hưởng chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc ở nước ngoài. Ở tuổi 67, ông Song đủ tuổi để vào Bộ Chính trị và cũng có mối quan hệ cá nhân thân cận với ông Tập từ thời làm việc chung ở tỉnh Phúc Kiến những năm 1980 và 1990.

Ông Song cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo đối ngoại có cấp bậc bộ trưởng. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, ông lại được bổ nhiệm vào cơ quan tham vấn chính trị Trung Quốc, một sự thuyên chuyển thường cho thấy là sắp nghỉ hưu.

Ông Song Tao, người đứng đầu ban liên lạc quốc tế (ILD) của đảng (trái) và ông Liu Jieyi, người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện. Ảnh - Reuters

Ông Song Tao, người đứng đầu ban liên lạc quốc tế (ILD) của đảng (trái) và ông Liu Jieyi, người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện. Ảnh - Reuters

Sau ông Song, nhà ngoại giao cao cấp nhất còn lại có thể đảm nhiệm vị trí của ông Dương Khiết Trì là ông Liu Jieyi, người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện. Ông Liu mới bước sang tuổi 65 vào tháng 12 năm ngoái và đủ tuổi vào Bộ Chính trị.

Ông cũng có một bản lý lịch ngoại giao ấn tượng khi từng là đại sứ của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, phó giám đốc ILD và trợ lý ngoại trưởng. Ông cũng có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.

Việc bổ nhiệm ông Liu vào vị trí mới cũng sẽ là một tín hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình cho rằng mối quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi và đòi hỏi sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn từ cấp cao nhất.

Với kinh nghiệm dày dặn của ông Liu trong các thể chế đa phương, việc thăng chức của ông cũng cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm tới việc vận động các nước đang phát triển ủng hộ Bắc Kinh và nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế.

Nếu ông Liu không kế nhiệm ông Dương Khiết Trì, hoặc vị trí của ông Dương không còn nằm trong Bộ Chính trị, thì ông Liu cũng sẽ là một ứng viên giàu tiềm năng cho vai trò Ủy viên Quốc vụ hoặc trở thành Ngoại trưởng tiếp theo.

Ai sẽ là Ngoại trưởng tiếp theo?

Đối với vị trí này, đang có một nhóm ứng viên lớn hơn. Kể từ năm 1982, mọi ngoại trưởng đều từng là thứ trưởng ngoại giao, làm việc tại Bắc Kinh ngay trước khi được chọn và 62 tuổi trở xuống khi nhậm chức. Nếu những điều kiện này tiếp tục được duy trì, có ba đại biểu là những ứng cử viên hàng đầu.

Ông Ma Zhaoxu, 58 tuổi, có thể là người kế nhiệm xứng đáng nhất của ông Vương Nghị vì ông hiện là một thứ trưởng cấp cao.

Ông Ma gần đây là đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc ở New York và Geneva, sau khi làm đại sứ ở Australia và các vị trí trước đó tại Liên minh châu Âu.

Ông Ma, giống như ông Liu, cũng là một trong những nhà ngoại giao đa phương giàu kinh nghiệm nhất của Bắc Kinh, và sự thăng chức của ông sẽ củng cố chiến lược của ông Tập nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc trong việc định hình các thể chế toàn cầu và thể hiện lập trường của họ về các vấn đề như biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển và yêu sách lãnh thổ.

Các ông Le Yucheng, Ma Zhaoxu, Xie Feng và Deng Li (lần lượt từ trái sang phải). Ảnh - Reuters

Các ông Le Yucheng, Ma Zhaoxu, Xie Feng và Deng Li (lần lượt từ trái sang phải). Ảnh - Reuters

Hai thứ trưởng ngoại giao khác là ông Xie Feng, 58 tuổi và ông Deng Li, 57 tuổi. Ông Xie đã làm việc dưới quyền của ông Vương Nghị tại đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ trước khi dẫn dắt các phái bộ của Bắc Kinh tại Indonesia và Hong Kong.

Còn ông Deng là một chuyên gia về Trung Đông, Bắc Phi và gần đây nhất là đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài các lựa chọn truyền thống này, ông Tập Cận Bình vẫn còn nhiều lựa chọn bên ngoài, với những nhà ngoại giao đã làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của ông trong các tổ chức đảng hàng đầu.

Một nhân sự hàng đầu như vậy là ông Liu Haixing, 59 tuổi, phó giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia. Đây là cơ quan cấp cao nhất mà ông Tập đã thành lập để điều phối phản ứng của Bắc Kinh trước các mối đe dọa trong và ngoài nước.

Một ứng viên khác là ông Deng Hongbo, 57 tuổi, người cấp phó phụ tá cho ông Dương Khiết Trì tại CFAC. Ông Deng là một chuyên gia về Mỹ khi đã dành tám năm ở vị trí nhân vật số 2 của Trung Quốc tại Washington, sau thời gian làm đại sứ tại Kenya và Văn phòng Liên hợp quốc ở Nairobi.

Việc đề bạt ông Liu Haixing, hoặc có thể là ông Deng Hongbo, lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước này sẽ là một tín hiệu cho thấy việc phục vụ các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình là ưu tiên quan trọng nhất đối với các nhà ngoại giao của Trung Quốc.

Ông Tập cũng có khả năng sẽ ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn hơn của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các "chiến binh sói" hàng đầu như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hay bà Hua Chunying. Bà Hua Chungying năm 2019 từng viết một bài xã luận cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc "thiếu tinh thần chiến đấu."

Như vậy, những người thay thế ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị, dù là ai, cũng sẽ là những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Và cùng với việc bổ nhiệm các thứ trưởng, trợ lý bộ trưởng mới, họ sẽ dẫn đầu một đội ngũ ngoại giao cứng rắn và tự tin, phù hợp với một Trung Quốc có lợi ích toàn cầu và một chương trình nghị sự toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình ký sắc lệnh cho phép quân đội thực hiện hoạt động phi chiến tranh ở nước ngoài

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa ký sắc lệnh cho phép mở rộng hoạt động quân sự ở nước ngoài, nhằm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Bình (Theo Nikkei Asia) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN