Trung Quốc sắp hết tiền trả cho người về hưu
Nguồn tiền Trung Quốc dùng để trả cho người về hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2035, trong bối cảnh lực lượng lao động giảm sút vì hệ quả của chính sách một con trong suốt thời gian dài
Trung Quốc sắp hết tiền trả lương hưu cho người già.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngân sách Trung Quốc dùng để trả cho người về hưu đạt mức 4,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (714 tỷ USD) vào cuối năm 2018.
Con số này dự kiến đạt đỉnh điểm lên tới 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2027 và tụt xuống con số 0 chỉ sau đó 8 năm, theo báo cáo của Trung tâm an sinh xã hội thế giới tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc do chính phủ tài trợ.
Tổ chức nghiên cứu này dự báo tỷ lệ người về hưu được người trong độ tuổi lao động hỗ trợ ở Trung Quốc sẽ tụt xuống mức 1:1, so với tỷ lệ hiện nay là 2 người lao động hỗ trợ một người về hưu.
Báo cáo chỉ ra vấn đề mà nhiều người lo ngại, đặc biệt là đối với người trẻ, là hệ thống lương hưu ở Trung Quốc không thể chi trả đủ và ngày càng đối mặt thách thức sau 4 thập kỷ áp dụng chính sách một con.
Điều đó có nghĩa là dân số Trung Quốc đang dần trở nên già hóa, trong khi lượng người trong độ tuổi lao động ngày càng suy giảm. Những nỗ lực tăng dân số của Trung Quốc trong vài năm qua chưa đạt kết quả như mong đợi.
Chỉ có 15,23 triệu trẻ em chào đời ở Trung Quốc trong năm qua, mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách một con vào năm 2014.
Trong khi đó, số người hưởng lương hưu ở Trung Quốc đã tăng lên 249 triệu người vào cuối năm 2018. Hệ thống xã hội Trung Quốc yêu cầu mỗi người dân đóng 8% lương vào quỹ lương hưu, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký số tiền trả lương thấp để phải đóng khoản tiền này thấp hơn, giúp thu hút thêm lao động.
Năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố trực tiếp giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo lượng tiền đóng góp vào quỹ hưu trí. Nhưng, chính sách cứng rắn này đã tạm thời bị gác lại vì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm do chiến tranh thương mại với Mỹ.
Tỷ lệ trẻ chào đời ở Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ khi nới lỏng chính sách một con năm 2014.
Chính quyền trung ương năm ngoái đã chuyển các khoản thu từ các tỉnh ven biển giàu có như Quảng Đông đến những tỉnh nghèo hơn như Liêu Ninh, nơi có tỷ lệ người về hưu cao.
Bắc Kinh cũng cân nhắc một số biện pháp khác, như tăng tuổi về hưu của nam và nữ. Giới phân tích cho rằng, các chính sách cần phải được áp dụng sớm để tránh khủng hoảng trong nhiều năm tới.
Liu Xuezhi, nhà nghiên cứu tại Thượng Hải, nói chính phủ để dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho quỹ hưu trí hơn là tập trung vào các dự án xây dựng.
Trung Quốc hiện đang dự trữ 3,1 nghìn tỷ USD ngoại hối và số tiền này có thể được trích một phần để trả cho người về hưu. Song song với đó là việc yêu cầu các công ty đóng góp nhiều hơn vào hệ thống hưu trí, theo chuyên gia kinh tế Wang Jun.
Những người chào đời giai đoạn cuối những năm 1970 và 1980 đóng góp phần lớn số thu nhập vào bảo hiểm xã hội, nhưng có thể sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn của hệ thống hưu trí trong tương lai.
Yang Bing, một kỹ sư 41 tuổi ở Bắc Kinh, nói quỹ hưu trí sắp cạn kiệt trong thập kỷ tới nghĩa là anh phải “làm việc vất vả hơn và tiết kiệm nhiều hơn”.
“Tốt hơn là nên tự chuẩn bị cho mình trong tương lai, thay vì chờ đợi vào chính phủ”, Yang nói.
Phi công lái chiến đấu cơ Trung Quốc Wang Wei tử nạn khi va chạm với một máy bay do thám Mỹ vào năm 2001 và vụ việc đã...