Trung Quốc sắp đưa tàu nghiên cứu khổng lồ ra Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 7/7, báo Hong Kong đưa tin Trung Quốc sẽ đưa tàu nghiên cứu "Đại học Tôn Trung Sơn" đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10 tới nhằm "thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên". Việt Nam tuyên bố mọi hoạt động ở khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Hình ảnh tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn. (Ảnh: Guangzhou Daily)

Hình ảnh tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn. (Ảnh: Guangzhou Daily)

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 8/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị”, bà Hằng tuyên bố.

Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đã biến nhiều cấu trúc thuộc quần đảo này thành tiền đồn quân sự, để từ đó làm căn cứ tiến ra Biển Đông.

Theo bài viết của báo South China Morning Post, tàu "Đại học Tôn Trung Sơn" được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, nơi chế tạo các tàu sân bay thứ 2 và thứ 3 của Trung Quốc. Xưởng này vừa bàn giao con tàu cho các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Con tàu được đặt tên theo đại học này trong một buổi lễ tổ chức ở Thượng Hải hồi tháng trước.

Báo chí Trung Quốc nói rằng tàu nghiên cứu "Đại học Tôn Trung Sơn" được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển", với chiều dài 113m, rộng 19,4m và lượng giãn nước 6.880 tấn.

Trên boong tàu, 760m2 mặt sàn được dành cho các phòng thí nghiệm cố định và hơn 610m2 dành cho 10 phòng thí nghiệm di động kiểu công-ten-nơ, cho phép các nhà nghiên cứu thu thập mẫu trên biển và phân tích chúng ngay trên tàu trước khi chuyển dữ liệu về đất liền.

Tàu có một sàn đáp trực thăng để vận chuyển người và thiết bị cũng như cho phép các máy bay không người lái (UAV) cất cánh để mở rộng phạm vi quan sát khoa học trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển. Nhà chức trách dự kiến cho lắp đặt thêm một radar thời tiết trên tàu trong năm tới.

GS Yu Weidong, công tác tại thuộc Khoa Khí quyển học, Trường Đại học Tôn Trung Sơn, nói với báo Tin tức Dương Thành buổi tối rằng con tàu sẽ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10, để nghiên cứu "hơi ẩm ở vùng ranh giới phía tây Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận nhằm có thể cung cấp hỗ trợ khoa học trong phòng chống thiên tai".

“Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng .

Biển Đông là khu vực cung cấp hơi ẩm chính cho các trận mưa ở miền nam Trung Quốc và các trận siêu bão xuất phát từ Biển Đông hằng năm đã tàn phá nghiêm trọng các hệ sinh thái tại đại lục. Ông Yu nói, tàu "Đại học Tôn Trung Sơn" sẽ tìm hiểu về các lĩnh vực như khí quyển đại dương, đáy biển, sinh vật học biển và khảo cổ học.

Tại lễ bàn giao, Chen Chunsheng, Bí thư Đảng bộ Trường Đại học Tôn Trung Sơn từng tuyên bố, việc hạ thủy con tàu có thể "hỗ trợ mạnh mẽ những tiến bộ vững chắc trong việc thực hiện các chiến lược lớn quốc gia".

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh rõ ràng nhất từ trước đến nay về siêu tàu sân bay TQ đóng mới

Sở hữu lực lượng hải quân lớn hơn Mỹ, Trung Quốc đang ráo riết thay thế các tàu cũ, đóng mới hàng loạt tàu chiến,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN