Trung Quốc rải hàng chục cảm biến ở Biển Đông để làm gì?
8 hệ thống cảm biến do Trung Quốc sản xuất đã được đưa đến Biển Đông hồi tháng 9 để tạo thành mạng lưới quan sát quốc tế, nhưng cũng có thể được dùng cho mục đích quân sự.
Cảm biến Trung Quốc đưa xuống Biển Đông dài 2 mét và nặng tới 30 kg.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cho đến đầu năm sau, Bắc Kinh có kế hoạch vận hành 20 cảm biến ở Biển Đông, bao gồm cả mục đích quân sự và dân sự, giám sát khu vực rộng lớn có độ sâu 2 km.
Tất cả các cảm biến này, bao gồm 8 cảm biến đã được đưa đến Biển Đông hồi tháng 9 được cho là nằm trong một dự án quan sát toàn cầu, với sự tham gia của hơn 30 nước. Tổng cộng cả hệ thống có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới.
Thông tin thu thập được chia sẻ cho tất cả các nước trong dự án. Theo nguồn tin, cảm biến hình trụ dài khoảng 2 mét và nặng tới 30 kg, thường hiện diện ở khu vực sâu 1 km dưới mặt nước. Nhưng cảm biến cũng có thể lặn sâu hơn hoặc nổi trên mặt nước để thu thập dữ liệu về đại dương, như nhiệt độ nước biển, độ mặn, nồng độ oxy, dòng hải lưu và nghiên cứu khí hậu.
Dữ liệu có thể được dùng dể dự báo thời tiết, đánh cá và cả hoạt động quân sự. “So với các khu vực ven biển, Biển Đông là nơi mà Trung Quốc chưa có nhiều nghiên cứu bởi độ sâu ở vùng biển này”, Giám đốc dự án Argo, Xu Jianping nói. “Nhưng giờ đây chúng tôi đã có công nghệ để tìm hiểu về Biển Đông”.
Tàu ngầm Trung Quốc.
Mỗi 5 ngày, cảm biến sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Beidou.
Các nhà khoa học trong dự án Argo cũng có kế hoạch đưa 10 cảm biến mới xuống Biển Đông mỗi năm để thay thế cho những cảm biến cũ đã hết pin.
Nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong cho rằng, những cảm biến này có thể gián tiếp giúp quân đội Trung Quốc thu thập thông tin trong hoạt động của tàu ngầm. “Biển Đông rất rộng lớn và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mù”, ông Wong nói. “Môi trường biển thay đổi rất nhanh. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu Trung Quốc đưa tàu ngầm đến mà không giám sát tình hình dưới biển”.
Năm 2015, Trung Quốc đã tự sản xuất 6 cảm biến để đưa xuống vùng biển Tây Thái Bình Dương, phía đông Philippines.
Tạm thời, chính phủ hay quân đội Trung Quốc không có quyền truy cập vào kho dữ liệu này. 140 cảm biến trong tổng số 3.800 trên thế giới thuộc về Trung Quốc. Mỹ chỉ sở hữu 10 trong số này ở Biển Đông.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc mới hỗ trợ và cung cấp nguồn lực cho dự án.
“Chính phủ Trung Quốc đang hướng sự tập trung đến công việc của các nhà khoa học”, ông Xu nói và dự đoán, sẽ có thêm nhiều kế hoạch đầu tư nữa khi Bắc Kinh cụ thể hóa Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên Biển.