Trung Quốc quyết tâm không để xuất hiện "thế hệ bị bỏ lại" thứ ba
Trung Quốc đang hướng tới gỡ nút thắt về chính sách hộ khẩu, giải quyết nỗi lo của hàng trăm triệu lao động di cư trên toàn quốc.
Một người cha chia tay con để lên thành phố, tiếp tục hành trình kiếm sống
Sau hàng chục năm chứng kiến hệ lụy của chính sách hộ khẩu, Trung Quốc đang hướng tới gỡ nút thắt về chính sách hộ khẩu, giải quyết nỗi lo của hàng trăm triệu lao động di cư trên toàn quốc, hướng tới không để thêm “thế hệ thứ 3 bị bỏ lại phía sau”.
Hệ lụy từ hai thế hệ bị bỏ lại
Tại Trung Quốc, chính sách siết chặt hộ khẩu nhằm kiểm soát dòng người di cư từ nông thôn lên thành phố làm việc, giảm bớt gánh nặng cho hạ tầng, an sinh xã hội… tại các khu vực thành thị suốt hàng chục năm qua đã để lại hệ lụy vô cùng to lớn.
Đó là 2 thế hệ những “đứa bé bị bỏ lại phía sau”, tạo ra nhiều sự bất mãn, bất công, xã hội phát triển lệch lạc… và tái diễn suốt hàng chục năm.
Tất cả phát sinh từ việc các ông bố, bà mẹ buộc phải đổ xô lên những thành phố kiếm việc làm nhưng không thể đăng ký được hộ khẩu ở nơi tá túc. Đồng nghĩa, họ không thể đăng ký học cho con, mua nhà xã hội, hưởng bảo hiểm y tế, lương hưu, phúc lợi xã hội… do đó không thể đủ sức đưa con lên đô thị.
Từng có thời gian, xã hội Trung Quốc náo động vì nhiều tấm bi kịch của những đứa bé nông thôn phải xa cha mẹ. Khoảng tháng 6/2015, vùng quê Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc chứng kiến thảm kịch 4 anh em trong gia đình, từ 5 - 13 tuổi, uống thuốc trừ sâu tự tử vì bị bỏ rơi.
Trước đó, người mẹ của 4 đứa con đó đã bỏ đi, còn cha phải lên thành phố làm việc. Trong thư tuyệt mệnh, đứa trẻ lớn nhất viết: “Đã đến lúc chúng con phải ra đi, con đã không muốn sống từ lâu rồi”. Vùng quê này còn chứng kiến 5 trẻ em lang thang chết vì ngộ độc khí khi đốt rác bên đường để sưởi ấm.
Mới đây, trên tạp chí trực tuyến Six Tone, cô Fang Tiantian - đại diện cho thế hệ đầu tiên của những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau - đã chia sẻ những tổn thương tâm lý của mình khi còn nhỏ và nỗi đau đớn khi buộc lòng phải nối gót cha mẹ, để lại con gái bé bỏng ở Quý Châu - đại diện cho thế hệ bị bỏ rơi thứ 2 - để lên Thượng Hải cách đó 2.000km kiếm sống.
Nhận biết những bất cập trên, chính phủ Trung Quốc đã nới dần một số chính sách nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, các mục tiêu kinh tế thần tốc nên đến nay chính sách hộ khẩu vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn.
Trong vài năm gần đây, số lượng trẻ em bị bỏ rơi đã giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao. Tính đến tháng 8/2018, vẫn còn 7 triệu trẻ vị thành niên không được sống cùng cha mẹ, giảm 2 triệu trẻ so với năm 2016 - theo số liệu từ Bộ Dân sự Trung Quốc.
Đến nay, Trung Quốc dự định sẽ cải tổ đáng kể hệ thống đăng ký hộ khẩu, xóa bỏ khoảng cách của người dân nông thôn khi tới thành phố làm việc.
Xoá bỏ khoảng cách lao động di cư
Trong kỳ họp thứ 4, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa XIII diễn ra từ ngày 5/3 - 11/3, một dự thảo được công bố ngay trong phiên khai mạc cho thấy, Bắc Kinh đặt mục tiêu 65% dân số của nước này sống ở thành phố tính đến năm 2025, tăng so với 60,6% vào cuối năm 2019. Đồng nghĩa, sẽ có thêm 10 triệu người dân được đăng ký hộ khẩu thành phố/năm.
Theo số liệu chính thức, khoảng 40% trong 400 triệu lao động tại các thành phố của Trung Quốc là “công nhân di cư” từ vùng nông thôn. Với dự thảo mới, các thành phố từ 3 - 5 triệu dân sẽ được nới lỏng các điều kiện đăng ký hộ khẩu; một số thành phố lớn với dân số trên 5 triệu người sẽ giới thiệu hệ thống tính điểm - dựa trên nhiều yếu tố như thời gian cư trú, số liệu chi trả an ninh xã hội… để quyết định liệu người đó có thể trở thành cư dân thành thị hay không.
Ngoài ra, theo dự thảo mới, những người được cấp giấy tạm trú sẽ được hưởng một số dịch vụ công cơ bản. Chính quyền địa phương được khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện cách tiếp cận giáo dục, nhà ở cho người dân.
Động lực chính từ cuộc thương chiến với Mỹ
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nguyên nhân chính khiến Trung Quốc quyết tâm cải tổ lại hệ thống hộ khẩu sau nhiều năm chần chừ đó là vì cuộc chiến thương mại với Mỹ.
SCMP dẫn lời ông Yi Fuxian, nhà kinh tế, nghiên cứu tại Đại học Wisconsin -Madison cho rằng, chiến tranh thương mại với Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng ngành xuất khẩu của Trung Quốc, ảnh hưởng tới việc làm và tiêu thụ nội địa.
“Dưới áp lực của kinh tế, Trung Quốc có động lực xúc tiến cải cách chính sách hộ khẩu, tận dụng sức tiêu thụ của lượng lớn công nhân di cư”, theo ông Yi.
“Hiện có hơn 100 triệu người nông thôn đang sống ở thành phố. Nếu chính phủ tiếp tục loại bỏ họ ra khỏi chương trình phúc lợi xã hội, không sớm thì muộn, nó sẽ dẫn tới khủng hoảng xã hội”, nhà nghiên cứu nhận định.
Chưa kể, làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị từng tạo ra lực lượng lao động lớn, góp phần làm nên sức phát triển thần kỳ cho nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Song từ năm 2012 đến nay, dân số ở tuổi lao động của Đại lục đã giảm đáng kể.
“Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn ở các thành phố lớn khi ngày càng nhiều lao động trở về nhà do đã có tuổi và không được nhận lương hưu ở thành phố”, ông Cai Fang, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc chia sẻ.
Do đó, nếu mở cửa chính sách hộ khẩu, khai thác lao động di cư trên cả khía cạnh là người tiêu thụ và lực lượng lao động, Trung Quốc có thể tăng khả năng phát triển kinh tế.
Ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành một tổ chức cố vấn chính phủ tỉnh Quảng Đông về cải cách xã hội cho biết, nhiều chính quyền địa phương trong tỉnh Quảng Đông đang tìm cách thu hút người tài từ nông thôn.
Chẳng hạn, một số thành phố như Quảng Châu và Thâm Quyến đã cấp hộ khẩu cho những người từ khu vực nông thôn tốt nghiệp đại học trong một số chuyên ngành như giáo viên, thợ hàn; thậm chí, một số thành phố nhỏ hơn còn hạ thấp hoặc bỏ hẳn yêu cầu cấp hộ khẩu.
Kỳ họp thứ 4, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII khai mạc ngày 5/3. Tại kỳ họp này, Trung Quốc tổng kết việc thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13, đặc biệt là thành công thực hiện mục tiêu 100 năm thứ nhất, thoát nghèo hoàn toàn ở nông thôn, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và thông qua Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn năm 2035, đặt nền tảng triển khai thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai. Các chủ đề thảo luận gồm: Phát triển kinh tế chất lượng cao, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, chấn hưng nông thôn, bảo vệ môi trường, mô hình phát triển tuần hoàn kép...
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc được cho là đã sẵn sàng đón nhận nỗi đau trong ngắn hạn và thậm chí là phản ứng từ phương Tây để cải...