Trung Quốc quyết cấm quảng cáo trầu cau vì nguy cơ gây ung thư
Trung Quốc đã cấm quảng cáo các sản phẩm trầu cau trên truyền hình, phát thanh và chương trình trực tuyến vì nguy cơ gây ung thư.
Cấm quảng bá, tiếp thị trầu cau
Theo trang Shine (phiên bản điện tử của tờ Shanghaidaily), Cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã cấm quảng cáo và tiếp thị trầu cau sau khi nhiều sản phẩm cau phơi khô xuất hiện nhan nhản trên truyền hình trong một năm trở lại đây.
Chẳng hạn như trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Triệt phá tội phạm” vừa phát sóng tháng trước, nhân vật cảnh sát Lin Hao do thần tượng Zhang Yixing thủ vai, đã ăn trầu để đầu óc minh mẫn.
Hay chương trình “Vũ điệu đường phố Trung Quốc” cũng đăng rất nhiều đoạn quảng cáo về cau.
Gần đây nhất, trong đêm Gala mừng trung thu, đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam còn ca ngợi cau có khả năng giúp con người tỉnh táo, tràn trề năng lượng.
Nhân vật cảnh sát Lin Hao trong phim "Triệt phá tội phạm" nhai cau để tỉnh táo. Ảnh - Shine
Nhai cau khô là phong tục tập quán phổ biến trên khắp Châu Á. Đến năm 2018, đã có hơn 60 triệu người Trung Quốc thường xuyên nhai trầu cau.
Trên thị trường Trung Quốc, cau khô thường được đóng gói, bán theo túi có giá từ 20-100 nhân dân tệ (3-15 USD)/túi. Nhân viên cửa hàng tại địa phương cho biết, mỗi tháng, họ bán hàng chục túi cau, chủ yếu cho đàn ông.
Một số sản phẩm có gắn nhãn cảnh báo với nội dung - "nếu nhai cau thường xuyên có thể gây hại tới sức khoẻ" - nhưng rất nhỏ và khó thấy.
Theo Shine, lệnh cấm quảng cáo và tiếp thị nhìn chung được dư luận hoan nghênh.
Song một số cư dân mạng cho rằng, khó có thể cấm một thói quen đã trở thành văn hoá và ăn sâu vào tiềm thức, lối sống của người dân nhiều nơi tại Trung Quốc.
Chất kích thích gây nghiện thứ 4, khoảng 1/10 dân số thế giới tiêu thụ
Ở Trung Quốc, nhai trầu cau là đã trở thành phong tục phổ biến nhất tại các tỉnh phía Nam như Hồ Nam, Hải Nam, Quý Châu. Trong đó, Hải Nam là nơi trồng 90% số cây cau tại nước này.
Trầu cau bắt đầu được sử dụng tại Trung Quốc từ cách đây 300 năm như một phương thuốc cổ truyền để tỉnh táo, giữ ấm cho cơ thể và hỗ trợ tiêu hoá.
Trầu cau khô được bán theo túi với đa dạng hương vị. Ảnh - Shine
Tuy nhiên, từ năm 2003, Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới tài trợ, đã công bố đầy đủ bằng chứng cho thấy, việc nhai trầu cau có thể gây ung thư.
Nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến loét niêm mạc miệng, thoái hoá nướu, ung thư miệng và thực quản.
Tỉnh Hồ Nam vốn nơi tiêu thụ cau lớn nhất. Trong một bài viết cách đây ít lâu, tờ China Business Times chỉ ra, giá trị sản xuất cau của tỉnh Hồ Nam trong năm 2017 là 30 tỉ nhân dân tệ và đang trên đà tăng trưởng. Phong tục nhai trầu còn được đưa vào danh sách di sản văn hoá cấp tỉnh vào năm 2016.
Nhưng sau khi ghi nhận nhiều cảnh báo về y tế, 2 năm trước, Sở quản lý thực phẩm trầu cau tỉnh Hồ Nam đã cấm tất cả các quảng cáo liên quan nhưng vẫn không thể kiềm chế hoạt động kinh doanh bùng nổ. Quảng cáo trầu cau lại xuất hiện trên đường phố ở các tỉnh khác.
Phong tục nhai trầu xuất hiện tại Trung Quốc từ cách đây 300 năm. Ảnh - Shine
Cau được coi là chất kích thích gây nghiện thứ 4 trên thế giới chỉ sau thuốc lá, rượu và cafe. Đây được coi là vấn nạn y tế cộng đồng bị lãng quên lớn nhất trên thế giới.
Cau có chứa chất Arecoline, một chất hoá học gây nghiện tương tự như nicotine, thường được kết hợp cùng lá trầu, thậm chí cả thuốc lá, cuộn gọn thành miếng trầu để nhai. Theo hãng tin BBC, một miếng trầu cau mang hiệu quả tỉnh táo tương đương 6 cốc cafe.
Bất chấp cảnh báo về y tế, trầu cau vẫn đang được 1/10 dân số thế giới tiêu thụ. Theo một khảo sát được thực hiện với 1.305 học sinh tiểu học và trung học tại thành phố Tương Đàm, Hồ Nam, gần 70% trẻ được hỏi thừa nhận đã thử trầu cau và 8,4% cho biết sẽ nhai trầu hằng ngày.
Nhìn vào quy mô lăng mộ, giá trị đồ tùy táng và chất lượng của quan tài, các nhà khảo cổ Trung Quốc có thể phán đoán...
Nguồn: [Link nguồn]