Trung Quốc nỗ lực gia nhập CPTPP mà Việt Nam là thành viên

Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực để trở thành thành viên của CPTPP như điều chỉnh các tiêu chuẩn thương mại theo ngưỡng cao của Hiệp định, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài...

Tờ South China Morning Post ngày 18-6 đưa tin Trung Quốc (TQ) đang thúc đẩy trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Đại diện của các nước thành viên CPTPP trong một cuộc họp báo ở Santiago, Chile vào năm 2019. Ảnh: REUTERS

Đại diện của các nước thành viên CPTPP trong một cuộc họp báo ở Santiago, Chile vào năm 2019. Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại Diễn đàn CEO TQ năm 2023 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Bắc Kinh hôm 17-6, Thứ trưởng Bộ Thương mại TQ Vương Văn Thụ thông báo nước này đã gửi tài liệu cho các nước thành viên CPTPP và “sẵn sàng và có khả năng” tham gia Hiệp định.

“TQ đang chủ động điều chỉnh các tiêu chuẩn thương mại của nước này theo các ngưỡng cao của CPTPP bằng cách thử nghiệm một số địa điểm cho việc mở cửa [thị trường] và chúng tôi sẽ cung cấp động lực thương mại tự do mới cho khu vực” - ông Vương nhấn mạnh.

Quan chức TQ cũng cho biết Bắc Kinh đã tiến hành nghiên cứu hơn 2.300 điều khoản và danh mục của CPTPP, đồng thời rà soát các cải cách, luật và quy định mà nước này cần thực hiện và sửa đổi để trở thành thành viên của Hiệp định.

Bên cạnh đó, ông Vương nhấn mạnh TQ “về cơ bản đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng đang dần mở cửa trở lại”. Ông cũng khẳng định trong tương lai, Bắc Kinh sẽ giảm thiểu “một cách hợp lý” các hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“TQ sẽ tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư vào TQ là đầu tư vào thị trưởng khổng lồ với dân số 1,4 tỉ người và đảm bảo chuỗi cung ứng và công nghiệp an toàn, ổn định và hiệu quả” - ông Vương phát biểu.

Bình luận trên của ông Vương đưa ra trong bối cảnh TQ đang nỗ lực củng cố vị thế của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chống lại các nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” của Mỹ.

Tháng 9-2021, Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đài Loan sau đó cũng có động thái tương tự.

Các nước thành viên CPTPP có quan điểm khác nhau về việc TQ gia nhập CPTPP. Ảnh: NEKKEI ASIA

Các nước thành viên CPTPP có quan điểm khác nhau về việc TQ gia nhập CPTPP. Ảnh: NEKKEI ASIA

Tư cách thành viên CPTPP cần được sự tán thành của tất cả các thành viên hiện nay của Hiệp định, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Nhật và Anh.

Vào tháng trước, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin cho biết TQ đã không giành được sự ủng hộ công khai từ Úc trong việc gia nhập CPTPP vì các lệnh trừng phạt thương mại mà Bắc Kinh áp lên Canberra vẫn chưa được dỡ bỏ. Nguồn tin này còn cho hay Úc cũng không ủng hộ tư cách thành viên CPTPP của Đài Loan.

Chuyên gia cấp cao Stephen Olson tại Quỹ Hinrich (Singapore) nhận định việc Bắc Kinh nộp đơn tham gia CPTPP làm nảy sinh các vấn đề địa chính trị vì ban đầu Hiệp định do Mỹ lãnh đạo nhằm đối phó sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của TQ tại khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đinh Trí Kiệt của ĐH Columbia và trợ lý nghiên cứu Triệu Vạn Quân tại ĐH California trong một bài viết trên trang East Asia Forum cho rằng có sự chia rẽ trong quan điểm về vấn đề TQ gia nhập CPTPP.

Theo các chuyên gia, một bên thì cho biết Bắc Kinh đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP và muốn thông qua các cuộc đàm phán gia nhập để đẩy nhanh các cải cách định hướng thị trường nội địa. Trái lại, nhiều người vẫn hoài nghi về việc TQ khó có thể tuân theo các cam kết của Hiệp định và sự gia nhập này chỉ phục vụ mục đích mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

'Bốn điều nguy hại mới' ở Trung Quốc

Những năm gần đây, ở Trung Quốc xuất hiện thuật ngữ “Tân Tứ hại” (Bốn thứ hại mới), khiến người dân khổ sở. “Bốn thứ hại mới” này là gì? Tại sao chúng được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN