Trung Quốc: Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhận án tử
Theo báo chí Trung Quốc, Triệu Chính Vĩnh là quan tham có số tiền nhận hối lộ lên tới 720 triệu Nhân dân tệ (hơn 2.500 tỷ VND) đã bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước bỏ quyền lợi chính trị suốt đời, tịch thu tất cả tài sản cá nhân.
Triệu Chính Vĩnh nghe tòa tuyên án
Theo Tân Hoa xã, ngày 31/7, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân đã kết thúc phiên tòa xét xử Triệu Chính Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, cựu Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thiểm Tây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nội chính – Tư pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, người nổi tiếng khắp Trung Quốc về vụ cho xây dựng hàng ngàn biệt thự trái phép trên dãy núi Tần Lĩnh. Triệu Chính Vĩnh đã bị tuyên bố cấu thành tội nhận hối lộ, bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước bỏ quyền lợi chính trị suốt đời, tịch thu tất cả tài sản cá nhân. Khi nói lời cuối trước tòa, Triệu Chính Vĩnh bày tỏ sẽ tuân theo phán quyết của tòa và không kháng cáo.
Trong quá trình xét xử, tòa án đã làm rõ, trong thời gian từ 2003 đến 2018, Triệu Chính Vĩnh đã sử dụng sự tiện lợi của việc giữ các chức vụ Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp lý, Phó Tỉnh trưởng và Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây để tạo điều kiện, mưu lợi riêng cho các đơn vị và cá nhân liên quan trong việc nhận thầu dự án, hoạt động kinh doanh, thăng tiến chức vụ và điều chuyển công tác; một mình hoặc đồng lõa với vợ để nhận bất hợp pháp tài sản từ người khác quy ra tiền tới 720 triệu Nhân dân tệ, trong đó hơn 290 triệu Nhân dân tệ chưa thực sự nhận được.
Tòa án cho rằng hành vi của Triệu Chính Vĩnh đã cấu thành tội nhận hối lộ, hơn nữa số tiền cực lớn, tình tiết phạm tội nghiêm trọng. Tội ác của bị cáo đáng bị kết án tử hình, nhưng do một phần tài sản phạm tội chưa hoàn thành, đã nhận tội và hối tội; số tang vật, tang khoản phạm tội đều đã được thu giữ, niêm phong và bị phong tỏa trong các ngân hàng. Do đó, hình phạt tử hình có thể không thực hiện ngay lập tức. Phán quyết cũng tuyên bố rằng sau khi hết thời gian hoãn thi hành án, bị cáo sẽ được giảm xuống mức án tù chung thân theo quy định của pháp luật nhưng sẽ không được giảm án tiếp hoặc phóng thích.
Triệu Chính Vĩnh quê An Huy, sinh năm 1951, ngày 15/1/2019 bị bãi chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nội chính - Tư pháp của Quốc hội để điều tra. Thông tin công khai cho thấy Vĩnh bắt đầu sự nghiệp chính thức tại Thiểm Tây vào tháng 6/2001; đã từng giữ các chức Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính Pháp, Phó Tỉnh trưởng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng, Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây cho đến ngày 1/4/2016, khi từ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thiểm Tây để về Bắc Kinh giữ chức trong Quốc hội, ông ta đã giữ các chức vụ ở Thiểm Tây gần 15 năm.
Sau khi Triệu Chính Vĩnh bị ngã ngựa, quá trình phạm tội của ông ta ở Thiểm Tây bị lật tẩy. Ngày 4/1/2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố Triệu Chính Vĩnh là “một kẻ hai mặt điển hình” phê phán ông ta “về tư tưởng không coi trọng quyết sách của trung ương; về chính trị vô trách nhiệm; về công tác không tích cực, ngoài thuận trong nghịch, tự theo ý mình, làm ăn tắc trách, ứng phó cho xong, tách rời khỏi đảng, coi thường sự giáo dục cứu giúp của tổ chức, liên tục lừa dối và chống lại sự kiểm tra của tổ chức”.
Việc xây dựng bất hợp pháp các biệt thự tại Tần Lĩnh (nơi được coi là “long mạch Hoa Hạ”) bắt đầu vào năm 2002. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã 6 lần ra chỉ thị về xử lý các công trình xây dựng bất hợp pháp ở Tần Lĩnh, nhưng mãi đến tháng 7/2018, việc phá dỡ các biệt thự bất hợp pháp tại Tần Lĩnh mới hoàn thành. Theo thông tin công khai, có tới 1.194 biệt thự xây dựng bất hợp pháp tại dãy Tần Lĩnh đã được điều tra và xử lý, trong khi Triệu Chính Vĩnh báo cáo trung ương chỉ có 202 cái. CCTV tiết lộ Triệu Chính Vĩnh khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, sau khi nhận được chỉ thị từ ông Tập Cận Bình đã “không truyền đạt, phổ biến hoặc nghiên cứu thực hiện trong Ban Thường vụ tỉnh ủy”.
Triệu Chính Vĩnh còn bị buộc tội là “dư độc còn lại” của đại quan tham Chu Vĩnh Khang, đã hợp tác làm ăn với Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang.
Ngoài ra, tạp chí Tài Kinh cũng tiết lộ Vĩnh đã can thiệp vào công tác nhân sự của Thiểm Tây để kiếm chác. Tin cho biết, trong thời gian Vĩnh nắm quyền ở Thiểm Tây, đã có 42 lãnh đạo cấp trưởng cơ quan đảng, chính quyền cấp thành phố và quận giữ chức chưa tới 3 năm đã được điều chỉnh công tác. Một số cán bộ được thăng chức theo kiểu “nhanh như tên lửa” hoặc “ấn nút phóng”, có người được thăng cấp lên cấp phó sở sau khi trải qua 8 vị trí chỉ trong 10 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Tài Kinh cho biết, để có chức vụ này, “không chồng 30 triệu tệ (105 tỷ VND) cho Triệu Chính Vĩnh thì không xong”.
Theo trang mạng Tài Tân (Caixin.com), Triệu Chính Vĩnh là điển hình về “gia tộc tham nhũng”; cả vợ, con gái, anh trai và họ hàng xa của ông ta đều liên quan. Bà vợ Tôn Kiến Huy là một người đóng vai trò quan trọng trong gia tộc tham nhũng này. Tôn Kiến Huy thích đồ trang sức bằng ngọc bích, thường uống trà với một nhóm vợ các chủ mỏ than. Trong giới quan chức của Thiểm Tây, bà ta được gọi là “Chị Cả”.
Cô con gái duy nhất của Triệu Chính Vĩnh từng làm việc tại chi nhánh Thiểm Tây của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, công việc của cô ta là nhận tiền hoa hồng của ngân hàng. Một giám đốc điều hành của chi nhánh Thiểm Tây ngân hàng này tiết lộ rằng tiền được trả cho “Triệu nữ” dưới dạng tiền lương cộng với chi phí tiếp thị, tổng cộng khoảng 20 triệu Nhân dân tệ.
Em trai của Vĩnh là Triệu Chính Phát cũng đã sử dụng ảnh hưởng của anh tại Thiểm Tây để thực hiện một số dự án. Phó tỉnh trưởng Trần Quốc Cường được cho là “đại quản gia” của Triệu Chính Vĩnh. Không chỉ là đồng hương hai người còn có mối quan hệ thân thiết trong công việc, Cường cũng đã bị bắt giữ.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hồi tuần này đã tịch thu khối tài sản tham ô khổng lồ của cựu bí...
Nguồn: [Link nguồn]