Trung Quốc, Nga quyết phá thế 'kiềm tỏa' của Mỹ

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc hồi giữa tháng rồi là một cột mốc đánh dấu sự nâng tầm trong quan hệ Nga-Trung và sự xích lại gần nhau giữa hai nước, và được xem là một phản ứng trước sự “kiềm chế” từ phía Mỹ.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc hồi giữa tháng 5 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu đang diễn biến phức tạp

Tại châu Âu, cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, mồi lửa xung đột ở Trung Đông vẫn còn đang âm ỉ và có nguy bùng cháy dữ dội trong thời gian tới. Ở Đông Á, cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc đang chi phối đời sống chính trị khu vực, từ vấn đề Đài Loan, Biển Đông,...

Trong bối cảnh đang phải dồn rất nhiều nguồn lực vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và gặp những khó khăn trong việc đối phó các lệnh trừng phạt từ phương Tây, với Nga, Trung Quốc được xem là một trong các đối tác hàng đầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 16-5. Ảnh: Mikhail Metzel/SPUTNIK

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 16-5. Ảnh: Mikhail Metzel/SPUTNIK

Mặt khác, khi ngày càng đối mặt nhiều sức ép trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, Nga được xem là một đối tác “cùng chí hướng” quan trọng để Bắc Kinh đối phó Washington.

Chính vì thế, việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau được xem như một “điều tất yếu”. Trong tuyên bố chung giữa hai nước vào ngày 16-5, hai bên đã cùng lên án “sự mở rộng liên minh quân sự của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai bên.

Tìm lối ra trong hệ thống "kiềm tỏa" của Mỹ

Trung Quốc đang bị Mỹ cùng các đồng minh "kiềm tỏa" tại Đông Á thông qua hệ thống “mỏ neo” của Mỹ trong khu vực. Kéo dài từ biển Hoa Đông cho đến tận Biển Đỏ, Mỹ đã thiết lập hệ thống các đồng minh và đối tác thông qua các cơ chế cả chính thức và phi chính thức nhằm “ngăn chặn và bao vây” Trung Quốc.

Vì thế, Trung Quốc thực sự cần tìm một “đường ra”. Và Nga được xem là một trong các ứng cử viên tiềm năng để Trung Quốc có thể tìm một phương án nhằm phá thế gọng kìm của Mỹ trong khu vực.

Chuyến đi của Tổng thống Putin được xem là nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ chính trị từ phía Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn đang căng thẳng, sự ủng hộ của Trung Quốc được xem là giúp “thả lỏng” sự “cô lập” của Nga trên trường quốc tế liên quan vấn đề Ukraine.

Đối với Trung Quốc, Nga là một đối tác tiềm năng giúp Bắc Kinh thúc đẩy lợi ích của mình trên toàn cầu cũng như tại các diễn đàn đa phương. Kể từ năm 2004, hai nước với tư cách là hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không phủ quyết một nghị quyết nào mà không có sự ủng hộ của bên kia.

Mặt khác, Nga còn được xem là đang đứng cùng một “chiến tuyến” với Trung Quốc trong việc thách thức trật tự do Mỹ và phương Tây dẫn dắt khi cùng tham gia hàng loạt sáng kiến như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ở góc độ kinh tế, khi Mỹ đang tìm cách chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc cũng như hạn chế chuyển giao các công nghệ cốt lõi đến nước này, Nga đã trở thành một thị trường thay thế rất lý tưởng của Trung Quốc. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt lấy thời cơ và lấp vào khoảng trống này.

Kim ngạch thương mại trong năm 2023 của hai nước đạt khoảng 240 tỉ USD. Riêng tỉ trọng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga tăng 46.9%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nga cũng tăng 13%, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Nam Hải ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 16-5. Ảnh: Ju Peng/TÂN HOA XÃ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Nam Hải ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 16-5. Ảnh: Ju Peng/TÂN HOA XÃ

Mặt khác, Nga trở thành nhà cung ứng năng lượng và các mặt hàng nông nghiệp cho Trung Quốc - vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Nguồn sản phẩm nông nghiệp hoặc phục vụ ngành này phần nào giúp Trung Quốc giải quyết được các vấn đề liên quan an ninh lương thực do giá lương thực toàn cầu tăng cao.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sử dụng nguồn cung năng lượng phần lớn đến từ Nga. Moscow hiện tại cung cấp đến 19% sản lượng dầu thô cho Bắc Kinh với giá rẻ hơn 20-30%. Hai nước cũng ký kết các thỏa thuận như xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên có tên “Sức mạnh Siberia 2” đến Trung Quốc.

Trung Quốc cũng chọn Nga trong việc mở rộng các con đường thông thương mới cả trên bộ và trên biển. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang tìm cách hạn chế Trung Quốc tại hàng loạt các khu vực quan trọng như biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, Biển Đông hay eo biển Malacca.

Trung Quốc rất tích cực ủng hộ sáng kiến của Nga trong việc phát triển con đường vận tải trên biển mới vòng qua Bắc Băng Dương. Trung Quốc đã mở thêm một nhánh mới của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) có tên “Con đường tơ lụa ở Bắc Cực”. Trung Quốc cũng tận dụng BRI để mở các dự án hạ tầng kết nối lục địa Á-Âu như một cách để dự phòng cho các tuyến đường thông thương quan trọng mà Mỹ có thể sử dụng để “phong tỏa” nước này.

Không chỉ vậy, hợp tác Trung-Nga còn tạo đà giúp thúc đẩy kết nối và tăng cường quan hệ kinh tế giữa khu vực Đông Bắc Trung Quốc - vốn là cứ địa công nghiệp của Trung Quốc với khu vực Viễn Đông nhiều tài nguyên khoáng sản của Nga.

Việc xúc tiến quan hệ kinh tế và triển khai các dự án kinh tế và hạ tầng tại khu vực này sẽ giúp cho hai nước hưởng lợi rất lớn về mặt kinh tế và thương mại. Chỉ trong năm 2023, kim ngạch thương mại giữa vùng Viễn Đông của Nga và các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc đạt 27 tỉ USD.

Thách thức vẫn còn đó

Tuy nhiên, việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Mỹ.

Về quan hệ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc vẫn là các đối tác quan hệ thương mại hàng đầu của nhau, cả về thương mại, đầu tư hay dịch vụ. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 600 tỉ USD chỉ trong năm 2023. Để so sánh, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc chỉ đạt khoảng 1/3 so với của Mỹ và Trung Quốc. Tổng giá trị thương mại với Nga chỉ chiếm 5% trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.

Thị trường Mỹ vẫn là một trong các điểm đến hàng đầu của hàng hóa Trung Quốc. Với động lực phát triển kinh tế đến từ xuất khẩu, Mỹ vẫn là một yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Nga với quy mô nhỏ hơn chắc chắn không thể thay thế được Mỹ trong công thức phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Hình ảnh các đường ống dẫn khí tại trạm máy nén Atamanskaya, cơ sở thuộc dự án "Sức mạnh Siberia" của Tập đoàn Gazprom ở khu vực Amur (Viễn Đông, Nga). Ảnh: Maxim Shemetov/REUTERS

Hình ảnh các đường ống dẫn khí tại trạm máy nén Atamanskaya, cơ sở thuộc dự án "Sức mạnh Siberia" của Tập đoàn Gazprom ở khu vực Amur (Viễn Đông, Nga). Ảnh: Maxim Shemetov/REUTERS

Mặc dù xúc tiến các quan hệ thương mại với Nga, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc - vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới - vẫn khá dè chừng trong các hoạt động kinh doanh hợp tác với Nga do lo ngại sẽ bị liệt vào danh sách trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Dù đang cố gắng phát triển năng lực nội địa cũng như tìm kiếm các đối tác thay thế, phần lớn công nghệ và các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao của Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào phương Tây.

Nga - vốn bị đánh giá là có ngành công nghệ cao thậm chí còn lạc hậu hơn Trung Quốc rất nhiều - rõ ràng khó có thể trở thành động lực mới của Bắc Kinh trong công cuộc chạy đua công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các ý tưởng về các con đường thông thương mới nhìn chung mới chỉ là ý tưởng và chưa có những đánh giá thực tế. Đặc biệt với việc Nga đã “bỏ quên” việc đầu tư hạ tầng phục vụ các tuyến đường giao thương mới này, việc đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm thiết lập một tuyến đường thông thương mới - dù là trên bộ hay trên biển - cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Mặt khác, những trở ngại về mặt địa lý cũng sẽ là thách thức cho Trung Quốc và Nga nếu muốn phát triển các dự án đó.

Vì vậy, dù Trung Quốc và Nga cam kết hợp tác “không giới hạn” trong quan hệ hai nước, nhưng nhìn chung, có rất nhiều giới hạn trong mối quan hệ của hai nước trên nhiều mặt, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ đang ngày càng căng thẳng.

Mỹ và Trung Quốc cảnh báo lẫn nhau liên quan việc Washington cáo buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS. NGUYỄN TĂNG NGHỊ - BẢO LONG (NHÓM NGHIÊN CỨU KHOA QHQT, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV TP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN