Bước đi của Trung Quốc hậu đảo chính ở Niger và khi châu Phi bất ổn
Trung Quốc đã đón tiếp các quan chức từ gần 50 quốc gia châu Phi tới dự một hội nghị an ninh, khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng sự hiện diện và củng cố mối quan hệ với các nước châu Phi trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ở châu lục này.
Binh sĩ Trung Quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Ảnh: Handout
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - Châu Phi lần thứ 3 sẽ tập trung vào Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó đặt ra các nguyên tắc chính sách của Bắc Kinh để quản lý xung đột và giữ hòa bình thế giới.
Diễn đàn kéo dài từ ngày 28/8 đến 2/9, với sự tham dự của các quan chức an ninh tới từ Liên minh châu Phi (AU) và hầu hết các nước thành viên AU, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
Theo SCMP, phần lớn cam kết an ninh của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi liên quan đến gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống cướp biển, viện trợ nhân đạo và giáo dục quân sự.
Theo chính sách không can thiệp đã công bố, Bắc Kinh hạn chế đưa quân đội trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột khu vực ở châu Phi.
"Tôi rất mong đợi Trung Quốc thử nghiệm GSI ở châu Phi, nơi có binh sĩ nước này thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình", Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự chuyên nghiên cứu mối quan hệ Trung Quốc - Châu Phi tại Đại học Baptist (Hong Kong), nói.
Theo ông Cabestan, nhiều nước châu Phi không hài lòng với vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố ở Ma Li và Burkina Faso. Vị giáo sư nói thêm rằng: "Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội để đề xuất một hình thức hỗ trợ quân sự và an ninh khác: Không phải lính đánh thuê hay binh sĩ nước ngoài đồn trú mà là tập trung vào huấn luyện và vũ khí, an ninh thông qua phát triển".
Trung Quốc cũng quan tâm đến an ninh châu Phi vì đã đầu tư rộng khắp ở châu lục này. Bắc Kinh có số lượng lớn các công ty cũng như công nhân Trung Quốc làm việc trong các cơ sở hạ tầng và dự án ở châu Phi. Nhiều người trong số họ bị quân nổi dậy giết chết hoặc bắt cóc.
Bắc Kinh cũng coi hợp tác an ninh với châu Phi như một giải pháp để cạnh tranh và làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu lục này, đồng thời ngầm chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên các quan chức châu Phi vì cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền, SCMP đưa tin.
Trong 3 năm qua, một loạt các cuộc đảo chính đã xảy ra ở vùng Sahel, khu vực nằm ở phía nam sa mạc Sahara, dẫn đến việc chính quyền dân sự ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Sudan và gần nhất là Niger bị lật đổ.
Giáo sư Cabestan cho rằng, cuộc đảo chính ở Niger khiến Trung Quốc hụt hẫng vì Bắc Kinh xem Tổng thống Niger bị lật đổ như một người bạn. Tuy nhiên, Bắc Kinh không ủng hộ bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger, kể cả sự can thiệp của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS).
ECOWAS đã đe dọa can thiệp quân sự sau khi chính quyền quân sự Niger phớt lờ thời hạn khôi phục chính phủ dân sự vào đầu tháng này. Chính quyền quân sự còn thành lập nội các riêng và đề xuất kế hoạch chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự mới sau 3 năm.
Giáo sư Cabestan cho rằng: "Vì vậy, Trung Quốc đang thúc đẩy một giải pháp ngoại giao, trong khi liên hệ với chính quyền quân sự Niger để đảm bảo an ninh cho công dân và lợi ích của nước này tại Niger".
Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - Châu Phi là một trong nhiều hội nghị an ninh được tổ chức trong khuôn khổ GSI, nhằm mục đích mang lại cho Bắc Kinh vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu và có tiếng nói lớn hơn với các nước thuộc thế giới thứ 3 (các quốc gia kém phát triển ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á).
Trong bối cảnh Nga vướng bận với xung đột ở Ukraine và Pháp bị giảm ảnh hưởng ở khu vực Tây Phi, Trung Quốc ngày càng mở rộng thị trường vũ khí ở khu vực này, với việc...
Nguồn: [Link nguồn]