Trung Quốc một mặt xích lại gần Nga, mặt kia vẫn bắt tay với Ukraine

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Bắc Kinh ngày 4.2 thể hiện mối quan hệ Nga – Trung gần gũi nhất trong 7 thập kỷ qua, khi ông Putin ca ngợi quan hệ “chưa từng có” giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo ra thông điệp phản đối hoạt động bành trướng của liên minh NATO ở Đông Âu. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai lập trường về căng thẳng Ukraine.

Nhưng theo các nhà quan sát, Trung Quốc một mặt ủng hộ Nga, mặt khác vẫn bắt tay với Ukraine, vì lợi ích kinh tế cũng như công nghệ quân sự.

Nằm ở bên bờ Biển Đen, Ukraine là cửa ngõ giao thương giữa châu Âu và châu Á, là một trong những trung tâm trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Năm 2013, Ukraine bắt đầu xuất khẩu ngô sang Trung Quốc, đến năm 2019 trở thành nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Cũng trong năm 2019, Trung Quốc vượt Nga để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Ukraine. Năm 2020, một tuyến đường sắt chở hàng qua lại giữa Ukraine và Trung Quốc đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia mua khí tài quân sự và công nghệ vũ khí lớn nhất của Ukraine. Kiev thừa hưởng một lượng lớn công nghệ quân sự từ thời Liên Xô, do gặp khó khăn về kinh tế nên đã bán bớt các bí mật công nghệ cho nước ngoài, đặc biệt là cho Bắc Kinh.

Ukraine nắm bí mật sản xuất một số động cơ lõi cho máy bay quân sự, động cơ diesel cho xe tăng, động cơ cho tàu chiến và động cơ tên lửa.

Trung Quốc mua động cơ máy bay Ukraine lắp cho chiến đấu cơ J-11, phiên bản bị cho là đạo nhái của tiêm kích Su-27. Hải quân Trung Quốc cũng mua động cơ Ukraine cho các tàu khu trục.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện nay từng được mua từ Ukraine.

Ngược lại, căng thẳng với Ukraine khiến hải quân Nga gặp nhiều khó khăn do không thể mua được động cơ trang bị cho các tàu chiến cỡ lớn. Phía Nga đã phải mất nhiều năm nghiên cứu động cơ mới nhưng chưa có kết quả, dẫn đến việc hải quân Nga ngày nay chỉ đóng mới các tàu chiến cỡ nhỏ.

Năm ngoái, Trung Quốc và Ukraine ký một loạt các thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu và đường sắt.

Tuần trước, Trung Quốc đứng về phía Nga, phủ quyết yêu cầu của Mỹ về việc đưa vấn đề căng thẳng Ukraine ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Sergiy Gerasymchuk, phó giám đốc điều hành Ukraine Prism, một tổ chức nghiên cứu an ninh có trụ sở tại Kiev, nói Trung Quốc một mặt đứng về phía Nga trước sức ép của Mỹ và đồng minh phương Tây, mặt khác vẫn chìa tay với Ukraine.

“Trung Quốc không muốn làm mất lòng Nga, nhưng cũng muốn giữ mối quan hệ đối tác với Ukraine vì lợi ích cốt lõi”, Gerasymchuk nói.

Yurii Poita, người đứng đầu bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu Địa chính trị Mới có trụ sở tại Kiev, nói: “Nga đang cố gắng lôi kéo Trung Quốc đứng về phía mình trong căng thẳng với Ukraine. Kết quả là việc Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc họp ở Liên Hợp Quốc”.

Tuy vậy, Yang Cheng, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói Nga và Ukraine có những “giá trị riêng” mà Trung Quốc không thể chọn một trong hai.

“Trung Quốc không hề rơi vào thế khó trong mối quan hệ với Nga và Ukraine”, Yang nhận định. “Trung Quốc luôn mong muốn tình hình Ukraine được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao, không có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”.

Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine “ngay ngày mai”, thương vong rất lớn

Nga có thể tấn công Ukraine “ngay ngày mai”, một cố vấn của Nhà Trắng gần đây tuyên bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN