Trung Quốc mở cửa - tin tốt cho kinh tế toàn cầu

Việc Trung Quốc nối lại thông thương với phần còn lại của thế giới sẽ hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực đẩy lùi suy thoái toàn cầu và ổn định nền kinh tế chung.

Từ ngày 8-1 (giờ địa phương), Trung Quốc (TQ) chính thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mở cửa biên giới - chấm dứt gần ba năm theo đuổi chiến lược “zero COVID” để chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch. Sự quyết liệt của chiến lược tuy đã giúp giữ số bệnh nhân ở TQ ở mức rất thấp, song nó cũng gây khó khăn hoạt động kinh tế nước này.

Các đợt phong tỏa liên tục cùng biên giới đóng chặt của TQ đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, cản trở hoạt động thương mại và đầu tư giữa TQ và phần còn lại của thế giới. Do đó, việc tái mở cửa từ ngày 8-1 được nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ là khởi đầu tích cực để TQ quay lại với nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc góp phần quan trọng vào tăng trưởng thế giới

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự phục hồi của TQ sẽ thúc đẩy đáng kể tăng trưởng toàn cầu. Với tác động kéo dài của dịch COVID-19 và tình hình chiến sự Nga - Ukraine, kinh tế thế giới, vốn vẫn đang trong giai đoạn khôi phục hậu đại dịch, lại càng phải đối mặt thêm nhiều bất ổn.

Những thông tin tích cực trên không chỉ kéo thị trường chứng khoán TQ đi lên, mà còn có tác động tích cực lên cổ phiếu hàng loạt công ty liên quan du lịch và tiêu dùng tại Hàn Quốc và Nhật. Cổ phiếu Lotte Tour Development (Hàn Quốc) có thời điểm tăng 7%, trong khi Japan Airport Terminal (Nhật) tăng 3,7%. Các hãng mỹ phẩm được ưa chuộng tại TQ như Shiseido và Amorepacific cùng tăng 5,7%.

Việc tiếp tục thắt chặt tài chính và tiền tệ để giảm lạm phát ở một số quốc gia, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm sản xuất công nghiệp, cũng càng làm triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên mờ mịt. Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức thấp khoảng 1,2% trong năm 2023, trong khi suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ khiến tăng trưởng GDP trung bình năm ở châu Âu giảm 2,0%, đài CGTN cho hay.

Đối mặt nhiều thách thức, TQ về cơ bản đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế trong đại dịch. GS Lý Bảo thuộc ĐH Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Bắc Kinh (TQ) nhận định TQ đã cố gắng giảm thiểu tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh trong nước và việc mở cửa lúc này là bước đi hợp lý tiếp theo.

“Do vai trò to lớn của TQ trong thương mại toàn cầu, các biện pháp được tối ưu hóa và những điều chỉnh gần đây của nước này trong việc ứng phó với đại dịch có thể mang lại sức sống và thúc đẩy kịp thời cho nền kinh tế toàn cầu” - ông Lý chia sẻ.

Các dự báo từ một số tài chính TQ và quốc tế cho rằng kinh tế TQ sau khi mở cửa có thể suy giảm nhẹ trong ba tháng đầu tiên, rồi sự phục hồi sẽ bắt đầu và diễn ra mạnh mẽ trong cả năm 2023. Chia sẻ với tạp chí The Economist, chuyên gia Jacqueline Rong thuộc Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) cho biết mức tiêu dùng hộ gia đình ở TQ sẽ tăng khoảng 9% vào năm 2023. Đây sẽ là sự cải thiện lớn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022. Còn Ngân hàng HSBC (Anh) dự báo vào quý I-2024, GDP của TQ có thể cao hơn 10% so với quý I-2023. Những yếu tố này hội tụ có thể giúp kinh tế của TQ chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024.

Khách du lịch Trung Quốc tại huyện Trung Mưu, tỉnh Hà Nam ngày 5-1. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Khách du lịch Trung Quốc tại huyện Trung Mưu, tỉnh Hà Nam ngày 5-1. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Nhiều nước hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa

Ngoài ra, việc TQ mở cửa mang lại tác động tích cực đến du lịch quốc tế, hàng hóa nhập khẩu, nhất là với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Trên thực tế, trước khi đại dịch bùng phát toàn cầu, TQ là nguồn khách du lịch lớn nhất thế giới với 150 triệu du khách ra nước ngoài mỗi năm. Chuyên gia Steve Saxon thuộc Công ty phân tích thị trường McKinsey & Company (Mỹ) cho biết lượng khách du lịch quốc tế của TQ vào tháng 12-2022 chỉ bằng 5% lượng khách cùng kỳ năm ngoái nhưng đến giữa năm nay thì có thể tăng lên khoảng 50%.

Trong báo cáo hồi tháng 12-2022, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định đặc khu Hong Kong, Thái Lan và Singapore là các nền kinh tế có thể hưởng lợi lớn nhất khi nhu cầu hàng nhập khẩu và du lịch nước ngoài của TQ sẽ tăng lên đáng kể sau mở cửa. Cụ thể, kinh tế Hong Kong được dự báo tăng 7,6% nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và du lịch từ đại lục, trong khi Thái Lan tăng 2,9%. Singapore hưởng lợi ít hơn, tăng khoảng 1,2%, cuối cùng là Malaysia với 0,7%.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TQ Michael Hart dự báo các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện chuyến đi đến TQ trong năm 2023 nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để nối lại hoạt động đầu tư. Chuyên gia Ming Liao thuộc Công ty đầu tư Prospect Avenue Capital (TQ) cũng xác nhận các nhà đầu tư toàn cầu rất mong muốn quay lại kinh doanh tại TQ. “Chính sách “zero COVID” là mối quan tâm lớn nhưng giờ đây nhiều người cho rằng nó sẽ được giải quyết hoàn toàn vào giữa tháng 3 và họ đang lên kế hoạch cho các chuyến đi vào thời điểm đó” - ông Liao cho hay.

Một điểm lưu ý khác là qua năm 2023, TQ được dự đoán là sẽ lần nữa tăng cường kích thích phát triển cơ sở hạ tầng, theo hãng tin Bloomberg. Hồi tháng 8-2022, TQ từng ban hành gói chính sách gồm 19 điểm, trong đó dành ra hơn 430 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Còn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, TQ lúc đó cũng tung gói cứu trợ hơn 500 tỉ USD quy mô nhất thế giới để vực dậy nền kinh tế. Trong năm nay, từ các thông báo chính thức, Bloomberg ước tính Bắc Kinh có thể sẽ bơm một khoản tiền quy mô tương tự để hỗ nền kinh tế, với định hướng là nhắm tới lĩnh vực số hóa và năng lượng tái tạo.

Để đáp ứng tham vọng trên, TQ nhiều khả năng sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, đồng thời xúc tiến các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD), kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỉ trọng của TQ trong tổng giá trị dòng vốn FDI ra nước ngoài của thế giới đã tăng hơn sáu lần, từ mức 3,3% năm 2008 lên 20,2% năm 2020.

Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của Goldman Sachs dự đoán việc TQ mở cửa nhiều khả năng sẽ là một động lực lớn cho thị trường hàng hóa, khi nhu cầu khởi sắc, đặc biệt là ở nhóm năng lượng. Ở báo cáo khác, S&P Global ước tính sản lượng quặng sắt, nguyên liệu chính để luyện thép, sẽ tăng 3,5% so với năm 2022 lên 238 triệu tấn khi các dự án xây dựng mới được triển khai.

Người dân Trung Quốc bắt đầu “xuân vận”

TQ từ hôm 7-1 đã bước vào kỳ “xuân vận”, khoảng thời gian 40 ngày di chuyển về quê ăn tết Nguyên đán, cũng là đợt di cư hằng năm lớn nhất thế giới của người dân quốc gia này. Tết năm nay tại TQ cũng sẽ là kỳ nghỉ đầu tiên kể từ năm 2020 mà không có hạn chế đi lại trong nước do dịch COVID-19.

Bộ GTVT TQ hôm 6-1 cho biết họ dự kiến ​​sẽ có hơn 2 tỉ hành khách thực hiện các chuyến đi trong 40 ngày tới, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 70,3% số chuyến đi vào năm 2019.

Nguồn: [Link nguồn]

Những giọt nước mắt, cái ôm siết trong ngày đầu Trung Quốc mở cửa biên giới

Ngày 8/1, từ sáng sớm, ở khắp các cửa khẩu đường sắt, đường bộ, hàng không, rất đông người Hong Kong đã đến để chuẩn bị sang Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN