Trung Quốc lên tiếng sau khi Nga sửa học thuyết hạt nhân
Trong bối cảnh Moscow thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi và Kiev cũng lần đầu bắn tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga, hôm 20/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các bên thật bình tĩnh và kiềm chế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm 20/11 nêu rõ: "Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau hợp tác thông qua đối thoại và tham vấn để giảm bớt căng thẳng và giảm thiểu rủi ro chiến lược”.
Cũng theo Phát ngôn viên Lâm Kiếm, lập trường của Trung Quốc không thay đổi trong việc khuyến khích tất cả các bên xuống thang tình hình và cam kết giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề nêu trên.
Tổ hợp tên lửa Nga trong một cuộc duyệt binh ở quảng trường Đỏ. Ảnh: EPA.
Trước đó, phát biểu với các nhà báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "sử dụng mọi ảnh hưởng của mình" với Nga để các bên đạt một thỏa thuận xuống thang xung đột. Theo ông Macron, Trung Quốc có "khả năng đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin để Nga ngừng tấn công vào Ukraine".
Hôm 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi giữa lúc xung đột leo thang, khi Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào vùng Bryansk của Nga, cũng như phóng tên lửa Storm Shadow của Anh vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Cụ thể, học thuyết đã sửa đổi của Nga có tên "Nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân". Học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này được thiết kế để chống lại.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Trung Quốc có "khả năng đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin để Nga ngừng tấn công vào Ukraine. Ảnh: Xinhua
Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, văn kiện nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.
Nga cũng bảo lưu quyền xem xét đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước đe dọa chủ quyền của mình, việc phóng quy mô lớn máy bay, tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào lãnh thổ Nga, việc chúng vượt qua biên giới Nga hay một cuộc tấn công đồng minh Belarus.
Động thái của Nga gây ra nhiều sự chú ý. Phiên bản trước của học thuyết hạt nhân này được phê chuẩn tháng 6/2020, thay thế văn kiện tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm. Ông Dmitry Peskov - Phát ngôn viên Điện Kremlin thừa nhận rằng tài liệu mới được công bố sẽ "trải qua quá trình phân tích chuyên sâu ở cả Nga và nước ngoài".
Theo hãng thông tấn TASS, sự xuất hiện của các mối đe dọa quân sự và rủi ro mới đã buộc Nga phải điều chỉnh các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Được biết, ATACMS và Storm Shadow có tầm bắn lên tới 300km. Đến nay, đây được coi là những tên lửa mạnh nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Tuy vậy, hiện Mỹ, Anh chưa xác nhận thông tin Ukraine sử dụng ATACMS và Storm Shadow vào lãnh thổ Nga.
Động thái hạ ngưỡng đáp trả hạt nhân của Moscow gây chú ý giữa lúc căng thẳng Nga - phương Tây lên cao.
Nguồn: [Link nguồn]