Trung Quốc lần đầu lo dân thiếu ăn sau hàng thập kỷ
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề quy mô toàn cầu khiến giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy sức ép để đảm bảo 1,4 tỷ dân không bị thiếu ăn.
Trung Quốc lần đầu sau 23 năm lo ngại về an ninh lương thực.
Theo SCMP, tháng trước, Quốc vụ viện Trung Quốc, công bố chính sách về an ninh lương thực lần đầu tiên sau 23 năm. Nội dung chính sách cho biết tình trạng lương thực ở Trung Quốc “tương đối ổn định”.
Nhưng các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung thương thực bao gồm chiến tranh thương mại với Mỹ, biến đổi khí hậu, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan ngại.
Trung Quốc từng trải qua nạn đói trầm trọng nên rất nhạy cảm với viễn cảnh thiếu lương thực.
“Tạm thời, sản lượng ngũ cốc và nhu cầu thực tế đang ở mức rất gần nhau, nghĩa là Trung Quốc không được lơ là trong vấn đề an ninh lương thực”, tài liệu viết, nhấn mạnh “giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”.
Nội dung của chính sách được công bố trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp là trọng tâm trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là đậu tương và thực phẩm trong chăn nuôi gia súc.
“An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc”, Cheng Guoqiang, cố vấn an ninh lương thực của Bộ Thương mại và là giáo sư tại Đại học Tongji, Thượng Hải,cho biết.
“Trung Quốc không thể tự sản xuất mọi loại lương thực. Mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tự cung đủ gạo và lúa mì, Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn nhập khẩu lương thực”, Cheng nói.
Trung Quốc không thể tự sản xuất toàn bộ mặt hàng nông sản đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ người.
Tài liệu cũng nhắc đến việc “nâng cao chất lượng đất nông nghiệp” để cải thiện an ninh lương thực. Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 67 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2022, tăng từ 43 triệu ha so với năm 2018, để đảm bảo tạo ra 500 tỷ kg ngũ cốc mỗi năm gieo trồng.
Nhưng năng lực tự cung đậu tương của Trung Quốc hiện chỉ ở mức 15%. Nông dân Trung Quốc trồng đậu tương cũng không đạt sản lượng cao như của nước ngoài.
Kết quả là đậu tương chiếm 70% lượng nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc, không ngừng tăng qua các giai đoạn.
Brazil và Mỹ là hai đối tác chính cung cấp tới 90% lượng đậu tương mà Trung Quốc nhập khẩu. Chiến tranh thương mại đã tác động mạnh đến tỉ lệ này.
Trung Quốc từng đơn phương tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ, nhưng sau đó đã âm thầm mua nông sản trở lại vì không có lựa chọn khả dĩ.
“Chiến tranh thương mại đã hé lộ điểm yếu của Trung quốc trong việc phụ thuộc hàng nhập khẩu từ Mỹ”, Zhang Wendong, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học bang Iowa, nói. “Trung Quốc lệ thuộc vào đậu tương Mỹ là một ví dụ điển hình”.
Zhang cho rằng Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp nông sản mới, chuyển hướng chiến lược sang Brazil.
Cheng nói các khu vực như Biển Đen, vùng Caucasus, Ukraine và Tây Á đang trở thành mục tiêu trồng đậu tương tiềm năng của Trung Quốc. “Không thể tránh khỏi việc phụ thuộc vào nguồn lương thực từ bên ngoài. Điều quan trọng là cần phải có nhiều đối tác, chỉ 1-2 đối tác tạo ra rủi ro kinh tế và chính trị nghiêm trọng”, Cheng nói.
“Liệu Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 1,4 tỷ người hay không là yếu tố sống còn vì giới lãnh đạo đã hứa về một xã hội thịnh vượng vào năm 2021”, Cheng nói thêm.
“Một tương lai không có thịt rõ ràng không phải là điều người Trung Quốc coi là tốt đẹp”, Cheng kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tương lai, sẽ có tận 2 nước tại châu Á vươn lên thay thế Trung Quốc để trở thành động lực của sự tăng trưởng...