Trung Quốc lại muốn 'làm luật' ở Biển Đông, Mỹ và các nước sẽ phản ứng sao?

Quy định mới yêu cầu tàu bè nước ngoài khai báo khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình không có giá trị pháp lý và sẽ vấp phải sự phản đối từ các nước trong lẫn ngoài khu vực.

Mới đây, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) cho biết bắt đầu từ ngày 1-9, Luật An toàn giao thông hàng hải của nước này sẽ có thêm quy định bắt buộc tàu bè quốc tế bắt buộc phải khai báo nhận diện khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc tự cho là lãnh hải của mình nằm trong phạm vi của yêu sách đường chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) phi pháp trên Biển Đông. 

Thông báo của MSA cũng đi kèm một danh sách những loại tàu bè bắt buộc phải khai báo theo quy định mới gồm tàu lặn cỡ nhỏ, tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, tàu mang vật liệu phóng xạ, dầu, hoá chất, khí hoá lỏng và các loại vật liệu độc hại khác.

Ngoài danh sách này thì lực lượng Trung Quốc (TQ) vẫn có quyền yêu cầu bất kỳ tàu nào đang hoạt động phải khai báo nếu đánh giá là tàu đó là có khả năng làm ảnh hưởng "an ninh quốc gia trên biển của TQ".

Theo giới chuyên gia, việc Bắc Kinh bổ sung thêm quy định nói trên là một bước đi nguy hiểm mới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông và sẽ càng khiến tình hình an ninh ở khu vực này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. 

Quy định mới của Trung Quốc đạp lên luật pháp quốc tế

Trước hết, xét về mặt pháp lý thì quy định bắt buộc tàu bè nước ngoài phải khai báo khi đi vào lãnh hải TQ đã vi phạm rõ ràng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. 

Theo đó, UNCLOS khẳng định tàu bè quốc tế có quyền qua lại vô hại khi đi vào lãnh hải của nước khác - tức tàu bè đó nếu không làm ảnh hưởng tới an ninh, hoà bình của nước có lãnh hải đang đi qua thì được quyền di chuyển mà không bị cản trở và cũng không có nghĩa vụ phải tự giác khai báo với nước có lãnh hải. 

Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 7-2019. Ảnh: REUTERS

Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 7-2019. Ảnh: REUTERS

Các nước có lãnh hải chỉ được phép thực thi pháp luật như yêu cầu khai báo bắt buộc khi tàu bè quốc tế bị nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm quy tắc "qua lại vô hại" trong lãnh hải, như có những hành động như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của nước đó.

Trong bài bình luận trên trang The Interpreter của Viện Lowy (Úc), Ths Aristyo Rizka Darmawan thuộc ĐH Indonesia còn chỉ ra thêm rằng nội dung quy định mới của TQ cố tình mơ hồ, không nói ra cụ thể là liệu tất cả tàu bè quốc tế có phải khai báo nhận diện khi đi vào “lãnh hải TQ” hay không hay chỉ có các loại trong danh sách bắt buộc? 

“Bởi quy định đã thêm vào một ý là TQ có quyền yêu cầu tàu bè bất kỳ khai báo nếu cho rằng tàu đó làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của họ, nhưng mà ảnh hưởng cụ thể như thế nào thì quy định không nói rõ. Nhìn vào lịch sử cách TQ đã hành xử trên Biển Đông, tôi không cho rằng họ sẽ tiết chế trong việc áp dụng quy định này mà thậm chí có thể lạm dụng nó để thể hiện sức mạnh và củng cố tuyên bố chủ quyền” - ông Rizka Darmawan nhận định. 

Bên cạnh đó, ông Darmawan tiếp tục chỉ ra thêm nhiều điểm có vấn đề trong luật pháp TQ về khái niệm “lãnh hải” mà TQ liên tục đề cập ở trên. Cụ thể, Điều 2 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp TQ 1992 nêu rằng: "Lãnh hải TQ là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ TQ. Lãnh thổ TQ bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan cùng các quần đảo như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa".

Tây Sa, Nam Sa là tên gọi TQ đặt cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép. 

Điều 2, cộng thêm với phần bao phủ của yêu sách đường chín đoạn, cho phép Bắc Kinh bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông và bất kỳ quy định bổ sung nào dựa vào nội dung Điều 2 và đường chín đoạn sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát một cách chủ động và thường xuyên các hoạt động hàng hải dân sự lẫn quân sự quốc tế ở đây. 

“Nếu không có biện pháp ngăn cản TQ thi hành quy định mới thì nó chẳng khác nào một quả bom nổ chực chờ thổi bay mọi ý niệm về hoà bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung” - Giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Đài Loan, ông Su Tzu-yun, khẳng định với tờ The Taipei Times.

Các nước khác sẽ phản ứng ra sao? 

Trả lời tờ South China Morning Post, TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) khẳng định dù TQ quyết ban hành và thi hành quy định mới nhưng liệu các nước trong khu vực lẫn ngoài khu vực có chấp hành hay không là chuyện khác.

Theo ông những nước như Mỹ trước mắt là chắc chắn sẽ không làm theo yêu cầu khai báo của TQ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chung với các lực lượng của Nhật và Úc ở Biển Đông vào tháng 6-2020. Ảnh: AP

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chung với các lực lượng của Nhật và Úc ở Biển Đông vào tháng 6-2020. Ảnh: AP

“Vụ việc lần này cũng tương tự việc TQ hồi năm 2013 đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và bị Nhật, Mỹ phản đối dữ dội. Cả hai nước đều tuyên bố ADIZ của TQ vô giá trị và kêu gọi các công ty tư nhân lẫn quốc gia khác không cần tuân theo” - ông Koh cho biết. 

Đồng quan điểm, chuyên gia quân sự Tom Rogan của tờ The Washington Examiner cũng khẳng định dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế không có giá trị.

Vì vậy, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ yêu cầu tàu thuyền Mỹ, dù là dân sự hay quân sự, không cần tuân thủ quy định mới và vẫn tiếp tục di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế. Mọi động thái ngăn cản việc di chuyển tự do này sẽ bị Washington đáp trả “quyết liệt và mạnh mẽ”. 

“Cộng đồng quốc tế nhượng bộ những quy định phi lý của TQ sẽ làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật an ninh hàng hải quốc tế, đồng thời tiếp tay cho Bắc Kinh tiếp diễn việc bắt nạt tàu bè nước ngoài và ép buộc các nước trong khu vực làm theo ý của họ" - chuyên gia Tom Rogan nhấn mạnh. 

Ông Koh cho rằng trong kịch bản tốt nhất cho TQ thì những nước nhỏ hơn có thể miễn cưỡng tuân theo một phần bởi phần e dè thế lực của TQ trong khu vực. 

Tuy nhiên, thái độ miễn cưỡng như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ giữa TQ với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN trong bối cảnh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vẫn chưa đi tới đâu.

Hơn nữa, TQ cũng sẽ có nguy cơ đánh mất tất cả thành quả đạt được sau chiến dịch ngoại giao vaccine ngừa COVID-19 ở Đông Nam Á nếu quan hệ hai bên tiếp tục tụt dốc vì quy định mới trên biển. 

Trên thực tế, một số chuyên gia trong giới học giả TQ cũng nghi ngờ tính khả thi về quy định này.

"Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp chủ quyền với TQ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như các quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh - vốn bác bỏ hầu hết yêu sách lãnh thổ của TQ - đều sẽ không chấp nhận quy định mới trên" - GS Shi Yin Hong thuộc ĐH Nhân dân TQ cho hay. 

Một GS khác giấu tên ở ĐH Vũ Hán đồng ý với nhận định của học giả quốc tế rằng quy định mới rõ ràng là nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền và mở rộng quyền lực trên Biển Đông là chủ yếu.

Ông nhấn mạnh trong vùng biển tranh chấp thì những nước có tranh chấp sẽ có xu hướng tự đưa ra luật riêng để thực thi quyền tài phán. TQ do vậy cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn là nước dẫn đầu xu hướng này ở khu vực.

Mỹ đáp trả vụ TQ áp luật yêu cầu tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo

Lầu Năm Góc phản đối việc Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo với cơ quan hàng hải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN