Trung Quốc không đạt được thỏa thuận với các đảo quốc nam Thái Bình Dương

Ngày 30/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khuyên các đảo quốc Thái Bình Dương chớ nên “quá lo lắng” về mục đích của Bắc Kinh, sau khi hội nghị với 10 quốc gia không thể nhất trí với thông cáo chung về hợp tác thương mại và an ninh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì cuộc họp với ngoại trưởng của 10 đảo quốc Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhân chuyến thăm khu vực, nơi sự hiện diện của Bắc Kinh đang khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.

Bản thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm mà Trung Quốc chuẩn bị trước và gửi đến các nước tham dự cho thấy Bắc Kinh đang muốn ký một thỏa thuận an ninh thương mại quy mô khu vực.

Tuy nhiên, dự thảo thông cáo chung trước đó vấp phải sự phản đối của ít nhất 1 quốc gia được mời: Micronesia.

Sau hội nghị cùng với đại diện Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu, ông Vương Nghị nói rằng các bên đã đồng ý về 5 lĩnh vực hợp tác, nhưng cần thảo luận nhiều hơn để đạt được đồng thuận.

Năm lĩnh vực ông nêu ra bao gồm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, các trung tâm nông nghiệp và ứng phó thiên tai mới, nhưng không có an ninh.

“Trung Quốc sẽ công bố tài liệu quan điểm và đề xuất hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận và tham vấn sâu để định hình sự đồng thuận về hợp tác”, Reuters dẫn lời ông Vương Nghị nói với báo chí tại Fiji.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng một số người đặt câu hỏi về động cơ khiến Bắc Kinh tích cực với các đảo quốc Thái Bình Dương, khẳng định Trung Quốc đang hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và cả vùng Ca-ri-bê.

“Đừng quá lo lắng và đừng quá bất an, vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác sẽ chỉ mang ý nghĩa hòa hợp, công lý và tiến bộ lớn hơn cho cả thế giới”, ông Vương Nghị nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Fiji Qian Bo nói rằng các quan chức tham gia hội nghị đã đồng ý thảo luận về thông cáo chung và kế hoạch 5 năm “cho đến khi chúng tôi đạt được sự nhất trí”.

“Nhìn chung đã có sự ủng hộ của 10 quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao, nhưng tất nhiên vẫn còn một số bận tâm về một vài vấn đề cụ thể”, Đại sứ Bo nói.

Úc chạy đua

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nói với báo chí rằng các nước Thái Bình Dương ưu tiên sự đồng thuận.

“Ghi điểm về chính trị không có ý nghĩa nhiều với những người mà cộng đồng của họ đang sống trong tình trạng ngập nước, những người mất việc làm vì đại dịch, hoặc những người đang chịu tác động của sự gia tăng nhanh chóng của giá cả”, ông Bainimarama nói.

Trong bài phát biểu bằng văn bản gửi tới hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn tốt của các nước Thái Bình Dương, dù tình hình quốc tế thay đổi, đài truyền hình CCTV đưa tin.

Việc Trung Quốc gần đây ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon khiến Mỹ, Úc, Nhật Bản và New Zealand lên tiếng bày tỏ quan ngại về tác động đối với khu vực, vì thỏa thuận này có thể dẫn đến sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở nơi cách Úc không xa.

Xác định các đảo quốc Thái Bình Dương là một ưu tiên về đối ngoại nhằm đẩy lùi Bắc Kinh, chính phủ mới của Úc vừa cử ngoại trưởng sang Fiji để truyền đạt thông điệp rằng Canberra sẽ ưu tiên xử lý thách thức an ninh lớn nhất mà biến đổi khí hậu gây ra đối với khu vực, đồng thời mở chương trình visa mới để tiếp nhận công dân các đảo quốc di cư sang.

Khi có mặt tại Honiara tuần trước, ông Vương Nghị chỉ trích hành động can thiệp vào thỏa thuận, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Quần đảo Solomon với Trung Quốc là hình mẫu cho các đảo quốc Thái Bình Dương khác.

Khi biên giới của các đảo quốc gần như vẫn đóng vì COVID-19, hầu hết các ngoại trưởng khu vực tham dự hội nghị ở Fiji bằng hình thức trực tuyến. Ở nhiều đảo quốc, thủ tướng kiêm luôn chức vụ ngoại trưởng.

Ngày mai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Vương quốc Tonga trong 2 ngày.

Tàu chiến, máy bay Nhật Bản theo sát tàu Liêu Ninh: Trung Quốc ”nóng mắt”

Trung Quốc ngày 26.5 chỉ trích Nhật Bản vì nước này liên tục có các hành động giám sát gần, gây cản trở hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận gần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN