Trung Quốc: Khẩu trang “hạ sốt”, nhiều công ty ham lời gánh họa

Tháng 4, trong “cơn sốt” khẩu trang, nhiều công ty ở Trung Quốc đã đua nhau tích trữ vải kháng khuẩn không dệt – nguyên liệu quan trọng để sản xuất khẩu trang y tế - giá cao ngất ngưởng với hy vọng làm giàu nhanh.

Nhiều người Trung Quốc đã dồn hết vốn liếng đầu tư sản xuất khẩu trang (ảnh: SCMP)

Nhiều người Trung Quốc đã dồn hết vốn liếng đầu tư sản xuất khẩu trang (ảnh: SCMP)

Ở Dương Trung, Giang Tô, ông Li – một nhà kinh doanh đồ nội thất – đã quyết chi hơn 2 triệu nhân dân tệ (282.685 USD) để đầu tư vào 6 dây chuyền sản xuất vải kháng khuẩn không dệt. Tuy nhiên, chưa sản xuất được một mét vải nào thì nhà máy của ông Li đã bị chính quyền địa phương buộc đóng cửa vì không có giấy phép mà đã hoạt động.

Vài tháng nước, những nhà máy sản xuất khẩu trang ở Dương Trung vẫn hoạt động liên tục 24/7. Các chủ doanh nghiệp mỗi ngày đều thấy tiền mặt chảy ào ào vào túi.

“Mới chỉ tháng trước thôi, nhiều chủ doanh nghiệp ở đây vẫn kiếm bộn tiền mỗi ngày. Giờ thời thế thay đổi, các nhà máy phải ngừng hoạt động và nhiều người rơi vào cảnh túng bấn”, ông Li nói.

“Tôi có vay tiền ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất. Một số bạn bè của tôi thậm chí còn thế chấp nhà cửa để đầu tư. Tôi may mắn hơn họ một chút”, ông Li nói.

Ham lời bằng việc bán khẩu trang trong dịch Covid-19, nhiều người có chút vốn liếng ở Trung Quốc đã đổ hết vào các nhà máy khẩu trang, bất chấp việc không có kiến thức, kinh nghiệm khi sản xuất mặt hàng này.

Trong 5 tháng đầu năm, 70.802 công ty sản xuất hoặc kinh doanh khẩu trang đã được đăng ký mới ở Trung Quốc, tăng 1.256% so với cùng kỳ năm ngoái.

7.296 công ty sản xuất hoặc kinh doanh vải kháng khuẩn không dệt cũng được đăng ký mới, tăng 2.277% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu vật tư y tế của Trung Quốc đã tăng 89% trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả khi châu Á và châu Âu bắt đầu có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu mua vật tư y tế vẫn tăng.

Dịch bệnh được kiểm soát thành công ở Trung Quốc, khẩu trang “hạ sốt” (ảnh: Xinhua)

Dịch bệnh được kiểm soát thành công ở Trung Quốc, khẩu trang “hạ sốt” (ảnh: Xinhua)

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc đang buộc bị dừng hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu mới, chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm.

Huang Wensheng – quản lý một công ty sản xuất vải kháng khuẩn không dệt đã hoạt động được hơn 10 năm ở Sơn Đông – cho biết, hơn nửa số doanh nghiệp đối thủ của ông đã đóng cửa sau khi dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc.

Ông Huang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nhà máy này đã cung cấp sản phẩm chất lượng kém, trong bối cảnh nhiều bạn hàng quốc tế đang chỉ trích Trung Quốc vì bán vật tư không đạt chuẩn.

Theo ông Huang, đối với những công ty đã có uy tín, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang vẫn là khá tốt.

“Khi dịch bệnh mới bùng phát, người ta có thể mua bất cứ loại khẩu trang nào có sẵn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện nay đã được cải thiện. Những nhà cung cấp sản phẩm chất lượng kém sẽ bị đào thải khỏi thị trường”, ông Huang nhận xét.

Mo Xiaoyi – một doanh nhân ở Thường Châu – chỉ mất 3 tuần để hoàn thành dây chuyền sản xuất khẩu trang. Lô khẩu trang đầu tiên xuất xưởng vào ngày 10.4, ông Mo bán với giá 0,92 USD mỗi chiếc.

“Không có gì phức tạp để bán khẩu trang vào thời điểm đó. Thương lái đậu xe tải kín sân nhà máy của tôi để chờ lấy hàng. Nhiều người còn đặt trước và trả tiền mặt cho tất cả khẩu trang mà công ty của tôi sản xuất được”, Mo nói.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chỉ sau 1 đêm.

Không ít người ôm nợ vì hám lợi khi đầu tư sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Không ít người ôm nợ vì hám lợi khi đầu tư sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Cùng ngày Mo xuất xưởng lô khẩu trang đầu tiên, hải quan Trung Quốc ra quy định siết chặt quản lý chất lượng loại mặt hàng này.

Lý do hải quan đưa ra là, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều phàn nàn và chỉ trích từ quốc tế về việc bán khẩu trang kém chất lượng.

Bị lỗ to do không thể tiếp tục hoạt động, Mo nói mình vẫn còn may mắn vì nhập vải kháng khuẩn không dệt chỉ với giá 117.000 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, nhiều bạn bè của Mo đã nhập vải kháng khuẩn với giá lên tới 150.000 nhân dân tệ/tấn.

“Ban đầu tôi nhập 2 tấn vải kháng khuẩn để làm khẩu trang với giá 99.000 nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, khi nguồn cung ngày càng khan hiếm, tôi phải mua thêm và trả giá cao hơn”, Mo kể lại.

Mo thậm chí hy vọng dịch Covid-19 sẽ quay lại vào mùa đông và ông có thể bán lại số máy móc đã mua để kiếm chút lãi.

Ở thời điểm “sốt” khẩu trang, Dương Trung – nơi được coi là xứ sở vải kháng khuẩn không dệt Trung Quốc – đã có gần 1.000 công ty kinh doanh, sản xuất mặt hàng này đăng ký thành lập mới.

Hiện tại, hàng trăm công ty đã phải đóng cửa dù mới thành lập.

Wang – chủ một nhà máy sản xuất dụng cụ nấu ăn ở Dương Trung – đã tin lời bạn bè về món lợi kếch xù có thể kiếm được nếu chuyển sang làm vải kháng khuẩn.

Ông Wang đã dồn tiền của đầu tư 7 dây chuyền sản xuất vải kháng khuẩn, mặc dù không có kinh nghiệm hay giấy phép kinh doanh. Công ty của ông Wang ban đầu làm ăn rất thuận lợi, các bạn hàng đến từ khắp cả nước như An Huy, Phúc Kiến, Hà Nam.

Đến ngày 15.4, chính quyền Dương Trung buộc dừng hoạt động của 867 nhà máy sản xuất vải kháng khuẩn kém chất lượng. Wang phải nhanh chân lắm mới kịp bán lỗ cả 7 dây chuyền của mình dù hoạt động mới hơn 1 tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng Úc - Trung: Phe bênh Trung Quốc ở Úc ”tắt tiếng”

Khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19 và vấp phải sự phản đối của Trung Quốc,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN