Trung Quốc khẳng định “vượt mặt” Mỹ trong cuộc đua tên lửa siêu thanh
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã phát triển tên lửa siêu thanh sử dụng công nghệ dẫn đường bằng tia hồng ngoại, điều Mỹ chưa làm được.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Air and Space Defence, Giáo sư Yi Shihe, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết: “Phát triển thiết bị tầm nhiệt hoạt động ở vận tốc siêu thanh không hề dễ dàng, nhưng Trung Quốc đã đạt được những đột phá công nghệ cốt lõi và đã chứng minh được hiệu quả qua các cuộc thử nghiệm”.
Tên lửa siêu thanh dẫn đường bằng tia hồng ngoại do nhóm nghiên cứu của ông Yi đã được phóng trong một số vụ thử, qua đó nhóm nghiên cứu được trao giải thưởng quốc gia về công nghệ và khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Ảnh - Handout
Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ tầm nhiệt cho phép tên lửa siêu thanh Trung Quốc truy tìm và tiêu diệt hầu hết các mục tiêu, từ máy bay tàng hình, tàu sân bay cho tới các phương tiện đang di chuyển trên đường với độ chính xác và tốc độ chưa từng có trong tiền lệ.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tên lửa siêu thanh sẽ thay đổi hình thức giao tranh truyền thống nhờ khả năng tìm kiếm, nhận dạng và đeo bám mục tiêu dựa vào nhiệt lượng vật thể đó phát ra.
Dữ liệu từ Lực lượng Không quân Mỹ cho thấy 90% máy bay lực lượng này bị mất từ những năm 1980 là do bị tên lửa tầm nhiệt bắn hạ. Máy bay tàng hình như F-22 cũng có thể trở thành mục tiêu của loại tên lửa này bởi lớp vỏ tàng hình bị nóng lên khi di chuyển.
Trong một hội thảo năm 2020, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng tên lửa siêu thanh không đối đất có thể bắt kịp và tiêu diệt máy bay F-22 chỉ trong vài giây.
Ông Yi Shihe nhận định: “Quốc gia nào dẫn đầu trong vũ khí siêu thanh sẽ nắm lợi thế trong tấn công”. Tất cả cơ sở quân sự, kinh tế, chính trị quan trọng của quốc gia sẽ bị đặt trước nguy cơ nếu đối thủ sở hữu vũ khí siêu thanh độ chính xác cao, ông Yi nói.
Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí tầm nhiệt. Vào những năm 1980-1990, Chính phủ Mỹ đầu tư nguồn lực lớn vào việc phát triển công nghệ dẫn đường tia hồng ngoại tốc độ cao được ứng dụng để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa như THAAD. Tuy nhiên, các cảm biến nhiệt này chỉ hoạt động hiệu quả ở khu vực tầm cao không khí loãng.
Hồi tháng 2, Cơ quan chỉ đạo Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ đã yêu cầu một số nhà thầu quốc phòng, bao gồm General Electric và Lockheed Martin, phát triển cảm biến hồng ngoại cho tên lửa siêu thanh. Theo nội dung hợp đồng, quá trình phát triển và thử nghiệm các cảm biến cần ít nhất 4 năm để hoàn thành.
Quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh với tốc độ gần 20.000 km/h.
Nguồn: [Link nguồn]