Trung Quốc khai mạc 2 kỳ họp quan trọng: Kỳ vọng các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế
Ngày 4-3, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khai mạc, đánh dấu mở đầu kỳ họp lưỡng hội; sau đó một ngày, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV cũng sẽ bắt đầu
Theo Tân Hoa Xã, kỳ họp lưỡng hội năm nay của Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt vì 2023 đánh dấu năm đầu tiên Trung Quốc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ XX. Các đại biểu quốc hội sẽ tập trung tại Bắc Kinh để bỏ phiếu phê chuẩn các điều luật, thay đổi nhân sự và duyệt ngân sách chính phủ trong 2 tuần của phiên họp.
Một trong những trọng tâm được cộng đồng toàn cầu hướng đến trong kỳ họp này là các chính sách kinh tế. Nhà kinh tế học cấp cao của Hội nghị Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) về thương mại và phát triển Liang Guouong cho rằng việc sử dụng hợp lý các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng vào năm nay và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Nước này đã có một khởi đầu tốt với sự bùng nổ của thị trường nội địa và mở rộng tiêu dùng nhiều lĩnh vực trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sau những gì mà chính phủ Trung Quốc gọi là "tối ưu hóa phản ứng với COVID-19".
Các hạn chế thời đại dịch được dỡ bỏ cũng cải thiện đáng kể kỳ vọng toàn cầu về sự ổn định của chuỗi cung ứng và nền công nghiệp nước này, theo bình luận của nhà nghiên cứu Ding Ke từ Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.
Các vấn đề liên quan đến sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng mới và các ngành công nghiệp mới nổi khác dự kiến cũng sẽ được bàn thảo vì là những yếu tố mang lại động lực lớn cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc phục hồi rõ rệt sau thay đổi chính sách COVID-19. Trong ảnh: Các nhân viên làm việc tại một nhà máy của Tập đoàn SMC (Bắc Kinh - Trung Quốc) hồi tháng 1-2023 Ảnh: REUTERS
Năm 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 45 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu từ Viện Chính sách châu Phi (Nairobi-Kenya) Lewis M.Ndichu tin tưởng trong kỳ họp lưỡng hội năm nay sẽ có nhiều cân nhắc liên quan đến việc làm thế nào để tiếp tục mở rộng sự mở cửa, nâng cao niềm tin của thị trường và xoa dịu những rủi ro lớn.
Ngoài ra, kỳ họp lưỡng hội còn trở thành cơ hội để các nhà quan sát hiểu sâu hơn về con đường hiện đại hóa của Trung Quốc vốn được nhấn mạnh kể từ Đại hội Đảng lần thứ XX của CPC.
Còn theo Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc), những nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đưa ra tại các cuộc họp cấp cao khác nhau trong 3 tháng qua đã hé lộ bức tranh rõ ràng nhất về những gì sẽ chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự.
Ngoài thúc đẩy kinh tế, hiện đại hóa, còn là việc thiết lập một mô hình phát triển mới, dùng nhiều biện pháp chính sách và cải cách để bảo đảm sự phát triển lâu dài, chất lượng cao.
Một trong những nội dung được theo dõi sát sao khác trong chương trình nghị sự là bầu các quan chức lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Vị trí thủ tướng, lãnh đạo ngân hàng trung ương và trong lĩnh vực tài chính dự kiến được công bố tại phiên họp lần này.
Ngoài ra, một phần của kế hoạch đi sâu vào cải cách thể chế Đảng và nhà nước - đã được xem xét và thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX kết thúc hôm 28-2 - cũng sẽ được đệ trình lên kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.
Tỉ phú Bill Gates nhận định Mỹ - Trung trong tương lai vẫn “cần có nhau” và không xảy ra leo thang quân sự.
Nguồn: [Link nguồn]