Trung Quốc: Hạn hán làm lộ di tích trên sông, dân đua nhau đi đào "kho báu"
Người dân ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây (đông nam Trung Quốc) đang đổ xô đi đào cổ vật sau khi nắng nóng kỷ lục khiến 2 con sông khô cạn, lộ ra những di tích cổ.
Người dân đi tìm cổ vật trên sông ở thành phố Cám Châu, Trung Quốc (ảnh: SCMP)
SCMP hôm 8/11 đưa tin, một số người ở Cám Châu đã tìm được tiền xu cổ, mảnh vàng và đồ gốm sứ ở sông Chương và sông Cống, đoạn chảy qua thành phố. Những người săn kho báu nghiệp dư tìm kiếm cổ vật bằng máy dò kim loại và dụng cụ đào.
“Do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài, một số sông, hồ trong thành phố chứng kiến mực nước giảm thấp đáng kể. Đã có một vài di tích cổ lộ ra ở sông Chương và sông Cống. Bất cứ hình thức nghiên cứu và khai quật di tích nào do cá nhân thực hiện một cách tự phát đều bị coi là vi phạm pháp luật”, chính quyền Cám Châu thông báo.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp cảnh báo của chính quyền và tiếp tục tìm kiếm cổ vật trên sông Chương và sông Cống.
“Món đồ này có lẽ thuộc về nhà Tống”, một người đàn ông cầm mảnh kim loại, nghi là vàng, thốt lên.
“Bờ sông thật nhộn nhịp. Có cả biển người ở đây. Tôi hy vọng mình sẽ kiếm được thật nhiều món đồ giá trị”, một người viết trên mạng xã hội, kèm ảnh chụp cảnh nhiều người tìm kiếm cổ vật bên bờ sông.
Chính quyền thành phố Cám Châu đã kêu gọi người dân giao nộp mọi thứ họ tìm thấy ở di tích cổ cho giới chức. Người nào không chấp hành có thể bị xử phạm vì xâm hại di tích.
Nhiều con sông ở Trung Quốc khô hạn do nắng nóng kéo dài (ảnh: SCMP)
Theo SCMP, tháng trước, một tấm bia đá khắc ký tự được cho là có niên đại từ thời nhà Thanh (1636-1911) được phát hiện khi sông Chương khô cạn. Trên bia đá khắc dòng chữ: “điểm phía đông đại lộ phía nam Cám Châu”. Theo một số chuyên gia, tấm bia là mốc giới của một tuyến đường cổ ở Cám Châu và có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu lịch sử thành phố.
Cám Châu được xây dựng từ thời Bắc Tống ở Trung Quốc (960-1127) và được coi là khu vực có ý nghĩa văn hóa – lịch sử quan trọng của quốc gia tỷ dân.
Nguồn: [Link nguồn]
Hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều sông, hồ trên khắp thế giới cạn dần nước, để lộ ra những di tích lịch sử từng bị lãng quên.