Trung Quốc gánh hậu quả vì ngoại giao kiểu "chiến binh sói" thời Covid-19

Úc vẫn đang kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Đức và Anh thì nghi ngại về việc hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Tổng thống Mỹ đổ lỗi và đòi trừng phạt Trung Quốc. Một số nước khác yêu cầu Trung Quốc bồi thường vì thiệt hại liên quan đến Covid-19.

Ngày càng có nhiều phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế nhằm vào Trung Quốc vì cho rằng nước này đã mắc sai lầm trong cách xử lý dịch Covid-19. Điều này tác động không nhỏ đến những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hướng tới vai trò dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Theo New York Times, Trung Quốc không bao giờ nhận sai và luôn đáp trả cứng rắn đối với những chỉ trích từ bên ngoài. Bắc Kinh vừa tăng cường viện trợ y tế cho một số quốc gia chống Covid-19, vừa thúc đẩy giọng điệu đáp trả quyết liệt nếu không vừa ý. Trung Quốc tung ra những lời đe dọa tẩy chay kinh tế nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các nước phải thể hiện lòng biết ơn vì được giúp đỡ trong khủng hoảng.

Kết quả của chiến lược ngoại giao kiểu này là sự sụt giảm về niềm tin và ngờ vực ngày càng tăng đối với Trung Quốc không chỉ ở châu Âu mà thậm chí còn ở cả châu Phi. Trung Quốc đang tự làm suy yếu hình ảnh của chính mình khi ban đầu cố tỏ ra là một đất nước hào phóng trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Một buổi lễ được tổ chức  vào tháng 3, đánh dấu việc đóng cửa bệnh viện tạm cuối cùng ở Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh: NY Times)

Một buổi lễ được tổ chức  vào tháng 3, đánh dấu việc đóng cửa bệnh viện tạm cuối cùng ở Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh: NY Times)

Trước và trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc luôn thể hiện chiến lược ngoại giao cứng rắn và quyết liệt. Phong cách ngoại giao của Trung Quốc được đánh giá với cái tên “chiến binh sói” (lấy cảm hứng từ 2 bộ phim sản xuất tại Trung Quốc).

“Trung Quốc đang có một thương hiệu ngoại giao mới. Những thế hệ các nhà ngoại giao trẻ tuổi của nước này dường như cạnh tranh lẫn nhau để trở nên “cực đoan” hơn. Họ sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia nơi họ được điều tới”, Francois Godement, cố vấn cấp cao cho viện Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp), nhận xét.

Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc dường như ngày càng trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan gần như toàn cầu. Điều này thúc đẩy sự ngờ vực, tức giận của một số nước đối với Bắc Kinh.

Ít nhất 7 đại sứ của Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi, đã bị chính quyền sở tại triệu tập để trả lời về các cáo buộc liên quan tới phân biệt đối xử với người châu Phi tại Quảng Châu. Chính quyền Quảng Châu sau đó đã phải ban hành các biện pháp nhằm chống phân biệt đối xử đối với người châu Phi tại thành phố này.

Tuần trước, Trung Quốc đã dọa sẽ cắt viện trợ y tế cho Hà Lan vì đưa thêm từ “Đài Bắc” vào tên văn phòng đại diện tại Đài Loan. Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin (Đức) cũng chỉ trích gay gắt tờ Bild (báo Đức). Nguyên nhân là tờ báo này đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường 160 tỷ USD cho Đức vì thiệt hại do Covid-19.

Các binh sĩ Trung Quốc đang kiểm tra một bệnh viện tạm tại Serbia (ảnh: NY Times)

Các binh sĩ Trung Quốc đang kiểm tra một bệnh viện tạm tại Serbia (ảnh: NY Times)

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cáo buộc và khẳng định có bằng chứng cho thấy Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh. Ông Trump cũng bày tỏ sự quan tâm đến những vụ kiện đòi Trung Quốc bồi thường của một số bang trong nước.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Cảnh Sảng, đã đáp trả và gọi những vụ kiện nhằm vào nước này là “chiêu trò chính trị” và “không có cơ sở pháp lý”.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bồi thường cho bất kỳ nước nào vì đó là hành động mất mặt”, Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, châu Âu và Nga, nhận xét.

Trung Quốc thậm chí còn muốn đẩy trách nhiệm về dịch bệnh cho nước khác khi ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nêu nghi vấn rằng Covid-19 có thể là do quân đội Mỹ mang tới Vũ Hán.

“Trung Quốc dường như khuyến khích các nhà ngoại giao của họ đưa ra những phát ngôn mạnh bạo về tình hình dịch bệnh. Việc ông Triệu Lập Kiên được thăng chức và đưa ra những thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus có thể khiến dư luận trong nước cho rằng, luận điệu này là chắc chắc”, Susan Shirk, giám đốc của Trung tâm Thế kỷ 21 tại Đại học California (Mỹ), nhận xét.

“Sau khi Trung Quốc kiểm soát được Covid-19 và thực hiện việc hỗ trợ y tế, đây có thể là cơ hội tốt để nước này xây dựng niềm tin và hình ảnh một cường quốc đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đi chệch hướng và phản tác dụng”, bà Susan Shirk nói thêm.

Không chỉ các nhà ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng đưa ra nhiều phát biểu mạnh bạo. Tờ Hoàn Cầu từng ví nước Úc như “bã kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc” và “phải chà vào đá mới gỡ được”, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh.

Úc – quốc gia bị đại sứ Trung Quốc đe dọa hậu quả về kinh tế nếu đòi điều tra về nguồn gốc của Covid-19 (ảnh: NY Times)

Úc – quốc gia bị đại sứ Trung Quốc đe dọa hậu quả về kinh tế nếu đòi điều tra về nguồn gốc của Covid-19 (ảnh: NY Times)

Jingye Cheng – đại sứ Trung Quốc tại Úc cảnh báo, hành động của Thủ tướng Morrison có thể khiến nhiều người Trung Quốc đánh giá không tốt về Úc và dẫn đến những hệ lụy về kinh tế.

“Cha mẹ của các du học sinh sẽ nghĩ: Liệu có nên gửi con cái đến học tại nơi mà họ cảm thấy chẳng mấy thân thiện hay không? Nhiều người khác cũng sẽ tự hỏi: Tại sao phải uống rượu vang của Úc? Tại sao phải ăn thịt bò Úc?”, ông Cheng phát biểu

 “Ở các nước châu Âu như Đức, sự ngờ vực đối với Trung Quốc cũng gia tăng nhanh chóng. Tại Đức cũng như Anh, ngoài vấn đề về việc có nên hợp tác với Huawei để xây dựng mạng 5G hay không, nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng của các thiết bị y tế đến từ Trung Quốc cũng được đưa ra”, Angela Stanzel từ Viện các Vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, nhận xét.

Pháp – quốc gia vốn có quan hệ khá tốt với Bắc Kinh, gần đây cũng phải nổi giận trước những phát ngôn đến từ một số nhà ngoại giao Trung Quốc cáo buộc rằng, nước này cố tình để người cao tuổi tử vong vì Covid-19 trong các viện dưỡng lão.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và các nghị sĩ đều thể hiện sự bất bình mặc dù Pháp và Trung Quốc trước đó từng hợp tác và trao đổi viện trợ y tế.

Cờ Trung Quốc được treo tại Quảng Châu, thành phố vừa phải ban hành biện pháp chống phân biệt đối xử với người châu Phi (ảnh: NY Times)

Cờ Trung Quốc được treo tại Quảng Châu, thành phố vừa phải ban hành biện pháp chống phân biệt đối xử với người châu Phi (ảnh: NY Times)

Chính phủ Đức cũng từng phàn nàn rằng, các nhà ngoại giao Trung Quốc thúc ép một số quan chức và công ty lớn tại Đức viết thư để thể hiện sự biết ơn đối với Trung Quốc vì đã hỗ trợ đối phó dịch Covid-19.

“Điều tương tự cũng xảy ra ở Ba Lan. Trung Quốc gây áp lực khiến cho Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phải gọi điện cho ông Tập Cận Bình để cảm ơn về sự hỗ trợ”, Đại sứ Mỹ tại Warsaw (thủ đô Ba Lan) Georgette Mosbacher, cho biết.

“Châu Âu đã hơi ‘ngây thơ’ trong mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng khối này đang chuyển sang cách tiếp cận thực tế hơn”, ông Josep Borrell, Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, phát biểu hôm 3.5.

Zi Zhongyun, chuyên gia lâu năm về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng bày tỏ lo ngại về phong cách ngoại giao kiểu “chiến binh sói” của Trung Quốc.

“Những phản ứng như vậy có nguy cơ khiến mọi thứ trở nên mất kiểm soát”, bà Zi Zhongyun nhận xét.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Covid-19 tấn công có nơi mạnh có nơi yếu?

Hàng trăm nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân khiến Covid-19 tấn công không đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN