Trung Quốc, EU phản ứng sau khi bị ông Trump nói sẽ áp thuế nhập khẩu
Trung Quốc cảnh báo sẽ không bên nào được lợi nếu xảy ra cuộc chiến thuế quan, trong khi Đức và Pháp họp bàn cách đối phó nguy cơ ông Trump áp thuế nhập khẩu lên hàng hoá từ EU.
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên hàng hoá từ Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả, trong khi các lãnh đạo Pháp và Đức họp bàn cách đối phó.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 21-1, Tổng thống Trump đe doạ sẽ áp thuế 10% đối với hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nhiều khả năng bắt đầu từ ngày 1-2 và đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu đối với hàng có xuất xứ từ EU, theo tờ Le Monde.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 21-1, trong đó ông cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên hàng hoá của Trung Quốc và EU. Ảnh: BLOOMBERG
Giải thích cho lời cảnh báo trên, ông Trump cáo buộc Trung Quốc liên quan tới các đường dây buôn lậu ma tuý vào Mỹ qua Mexico và Canada – hai nước sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 25% cũng từ ngày 1-2. Trong khi đó, EU bị coi là “kẻ lạm dụng” khi khiến Mỹ chịu “khoản thâm hụt [thương mại] 350 tỉ USD”.
Ngày 22-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cảnh báo không có bên nào thắng cuộc nếu xảy ra một cuộc chiến thuế quan hay thương mại.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Mao nói: “Chúng tôi [tức Trung Quốc] đã nêu rõ lập trường của mình nhiều lần. Chúng tôi luôn tin rằng không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan hay thương mại. Trung Quốc sẽ luôn bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia của mình".
Bà Mao còn cho biết Trung Quốc “muốn duy trì liên lạc với Mỹ, xử lý thoả đáng các khác biệt, mở rộng hợp tác cùng có lợi và thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững quan hệ Trung Quốc-Mỹ”.
Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 21-1 phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ) rằng châu Âu đã sẵn sàng đàm phán với ông Trump, đồng thời khẳng định rằng Washington vẫn là đối tác quan trọng.
Bà von der Leyen tuyên bố “ưu tiên hàng đầu” của EU là “tham gia sớm, thảo luận về lợi ích chung và sẵn sàng đàm phán” với ông Trump một cách thực dụng, không cứng nhắc nhưng “luôn tuân thủ các nguyên tắc của mình để bảo vệ lợi ích và duy trì các giá trị” của châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) trong cuộc họp báo chung tại Paris (Pháp) hôm 22-1. Ảnh: AFP
Ngày 22-1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tới Paris (Pháp) để gặp tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày ký Hiệp ước Elysee về quan hệ hữu nghị giữa hai nước, theo tờ DW.
Trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo lưu ý rằng các ngành thép, ô tô và hoá chất – những mục tiêu có thể bị Mỹ áp thuế nhập khẩu – là rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu.
Ông Scholz nhận định “đã quá rõ ràng” rằng ông Trump “sẽ là một thách thức”. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng lập trường của châu Âu cũng là “rất rõ ràng” và EU sẽ “đoàn kết với nhau” và “sẽ không cúi mình hay trốn tránh, mà thay vào đó sẽ là một đối tác có tinh thần xây dựng và quyết đoán”.
Ông Macron lặp lại lập trường về sự tự chủ của châu Âu, tuyên bố rằng “sau khi chính quyền mới tại Mỹ nhậm chức, người châu Âu và hai nước chúng ta [tức Pháp và Đức] cần phải đóng vai trò củng cố một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ và có chủ quyền hơn bao giờ hết”.
Trong cuộc họp báo, ông Macron cũng nhắc lại lời kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, một trong những vấn đề từng khiến ông Trump chỉ trích gay gắt trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với Nga và Iran, các nhà máy lọc dầu lớn của Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua dầu...
Nguồn: [Link nguồn]
-23/01/2025 08:36 AM (GMT+7)