Trung Quốc đứng đâu trong làn sóng lạm phát toàn cầu?
Trung Quốc không đứng ngoài các diễn biến tiêu cực của kinh tế toàn cầu, khi các chỉ số kinh tế mới công bố đều không khả quan.
Cú sốc lạm phát năm nay thực sự mang tính toàn cầu khi hầu hết quốc gia ghi nhận xu hướng hàng hóa tăng giá nhanh và cao bất ngờ, trong khi hoạt động kinh tế suy giảm dẫn đến kỳ vọng tăng trưởng xấu đi.
Các chuyên gia tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt trung bình 3,3% trong năm nay, giảm so với mức 4,1% được dự đoán hồi tháng 1, trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Lạm phát toàn cầu cũng được dự báo ở mức 6,2%, cao hơn 2,25% so với tháng 1, theo hãng tin Reuters.
Theo đài CNN, thị trường chứng khoán châu Á đã dao động sau khi TQ công bố dữ liệu tiêu cực về kinh tế. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong khi khép phiên giao dịch ngày 17-5 chỉ tăng 0,26%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của TQ và chỉ số Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,34% và 0,29%. |
Là quốc gia nằm sâu trong chuỗi cung ứng và sản xuất của thế giới, Trung Quốc (TQ) không thể tránh khỏi tác động từ các diễn biến tiêu cực này.
Chỉ số kinh tế Trung Quốc ảm đạm
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo công bố hôm 16-5 của Cục Thống kê quốc gia TQ (NBS) cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 4 đã tăng 8% so với thời điểm tháng 4-2021, tuy có thấp hơn một chút so với mức tăng 8,3% vào tháng 3 nhưng vẫn cao hơn ước tính trung bình 7,8% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với một số chuyên gia. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TQ cũng tăng từ 1,5% trong tháng 3 lên 2,1% vào tháng 4, vượt quá dự báo 1,8% dù chưa chạm mức trần 3% mà Bắc Kinh đã đặt ra.
Chi phí cao đã gây sức ép đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất tại TQ. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng kéo theo sự áp đặt những biện pháp hạn chế chống dịch đã gián tiếp làm tăng thêm chi phí hoạt động, khiến các nhà máy đối mặt với nhiều khó khăn hơn để duy trì sản xuất, thu mua nguyên liệu thô và vận chuyển thành phẩm, cuối cùng dẫn tới lạm phát gia tăng.
Thực phẩm tại TQ đã trở nên đắt hơn vào tháng 4 cũng vì tác động từ các lệnh phong tỏa do dịch COVID-19. Dữ liệu của NBS cho thấy so với một năm trước, giá rau sạch trong tháng 4 đã tăng 24% - vượt quá mức tăng 17,2% của tháng 3, giá trái cây tăng hơn 14%, giá thịt heo tăng 33,3%, giá nhiên liệu tăng 28%.
Giá nhiên liệu tăng khiến giá tiêu dùng, chi phí di chuyển tăng nhanh nhất so với bất kỳ mặt hàng nào trong rổ tính CPI. Chỉ số CPI lõi, đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ bay hơi, đã tăng 0,9% trong tháng 4, so với mức tăng 1,1% của tháng 3.
Hàng hóa còn ùn ứ tại cảng Dương Sơn (TP Thượng Hải, Trung Quốc) hồi tháng 4. Ảnh: BLOOMBERG
Theo báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) về tình hình kinh tế TQ thời gian qua, việc đóng cửa kéo dài TP Thượng Hải, vốn là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế của TQ, đã làm trầm trọng thêm áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và mối quan ngại về lạm phát. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tại TP Thượng Hải đã sụt giảm trong tháng 4 và đầu tháng 5, dẫn đến hàng hóa bị tồn đọng tại cảng.
“Do cảng Thượng Hải xử lý khoảng 1/5 tổng lượng hàng hóa của TQ và nước này chiếm tới 15% xuất khẩu hàng hóa của thế giới, tình trạng thiếu hụt hàng sản xuất có thể gia tăng và gây thêm sức ép cho lạm phát toàn cầu hiện tại. Tăng trưởng kinh tế của TQ trong tương lai gần sẽ chậm hơn, làm ảnh hưởng đến lạm phát thế giới do sự suy yếu của nhu cầu hàng hóa và giá cả” - đài CNBC dẫn báo cáo của Fitch Ratings.
Lựa chọn nào cho Trung Quốc?
Tờ The Wall Street Journal chỉ ra rằng đến nay, giới chức Bắc Kinh vẫn hết sức cố gắng để giữ cho tình trạng lạm phát toàn cầu không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế trong nước. TQ hiện tại đang áp dụng rộng rãi các phương pháp như kiểm soát giá và bảo hộ thương mại, để lạm phát nhập khẩu không bị đẩy sang người tiêu dùng. TQ cũng sẵn sàng chi mạnh tay để trợ giá và yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh và hệ thống dự trữ nhà nước gánh chi phí nhập khẩu cao với các mặt hàng thiết yếu để giữ giá ổn định. Ví dụ, khi giá dầu tăng quá cao, các nhà máy lọc dầu của TQ sẽ gánh một phần mức tăng giá, trợ cấp cho giá xăng.
Hồi năm ngoái, TQ cũng từng hạn chế xuất khẩu thép và tăng thuế xuất khẩu để kiềm chế giá thép trong nước tăng cao. Đến tháng 3 năm nay, giá thép ở TQ giảm 12% so với tháng 5-2021 nhờ các chính sách đó.
Tuy nhiên, những động thái này đều phải đánh đổi. Bắc Kinh phải chi ngân sách để duy trì kho dự trữ chiến lược. Các chính sách bảo hộ thương mại có thể dẫn đến xung đột với các nước khác, TQ có rủi ro bị cáo buộc là có các hành động cạnh tranh thương mại không công bằng.
Thượng Hải chính thức tuyên bố đạt mục tiêu “zero COVID” Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế TP Thượng Hải Triệu Đan Đan cho biết theo kết quả xét nghiệm hôm 16-5 thì toàn bộ 16 quận của TP đã thành công quét sạch toàn bộ ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ đợt dịch nghiêm trọng nhất TQ bùng phát ở đây hồi tháng 3, chính quyền TP Thượng Hải có thể đưa ra tuyên bố chắc chắn như vậy, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Thượng Hải từ ngày 16-5 cũng đã cho phép các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại và từ ngày 1-6 sẽ cố gắng khôi phục cuộc sống bình thường. TP cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt. |
Trung Quốc ngày 11-5 chỉ trích bình luận của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với chiến lược "không Covid-19" của nước này.
Nguồn: [Link nguồn]