NATO để mắt đến Trung Quốc
Một quan chức chính quyền Mỹ nói Trung Quốc sẽ lần đầu tiên được nêu tên trong khái niệm chiến lược mới của NATO – tài liệu định hình chính sách an ninh của liên minh trong một thập kỷ tới.
Tổng thống Mỹ Joe BIden sẽ tới Đức dự hội nghị G7 và sau đó là hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha.
G7 và NATO dự kiến sẽ áp đặt lập trường cứng rắn với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hành động gây đe dọa về kinh tế và an ninh trong một năm qua, giới chức Mỹ cho biết, trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 và hội nghị NATO diễn ra, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).
Các quan chức Mỹ giấu tên nói Trung Quốc sẽ là vấn đề được thảo luận xuyên suốt trong hai hội nghị thượng đỉnh có sự góp mặt của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lần đầu tiên dự hội nghị G7 ở Đức vào ngày 26.6. Ông Biden cũng sẽ có mặt ở Tây Ban Nha vào ngày 29.6 để dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Hai hội nghị diễn ra liên tiếp trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy các chính sách đối phó Trung Quốc, thông qua Bộ tứ Kim cương (Quad) và sự ra đời của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một quan chức chính quyền Mỹ nói Trung Quốc sẽ lần đầu tiên được nêu tên trong khái niệm chiến lược mới của NATO – tài liệu định hình chính sách an ninh của liên minh trong một thập kỷ tới.
NATO sắp tới có thể được mở rộng thành 32 nước, với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.
“Nga dĩ nhiên vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất và cấp thiết với liên minh. Nhưng Trung Quốc cũng có thể tạo ra mối đe dọa về lâu dài đối với an ninh ở Châu Âu-Đại Tây Dương”, một quan chức Mỹ nói, theo SCMP.
“Đây sẽ là lần đầu tiên khái niệm chiến lược của NATO đề cập đến Trung Quốc”, quan chức Mỹ nói thêm. Trong tài liệu gần nhất công bố năm 2010, NATO không hề đề cập đến Trung Quốc.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949, coi Liên Xô là thách thức lớn nhất. Suốt nhiều thập kỷ, NATO không hề nhắc đến Trung Quốc cho đến khi lần đầu xác định Bắc Kinh có “tác động an ninh” và đặt ra “thách thức” tại hội nghị thượng đỉnh năm 2019.
NATO hiện đóng vai trò trung tâm trong chiến lược hỗ trợ quân sự Ukraine, cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho quân đội Ukraine.
Một số nước thành viên NATO bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đến nay vẫn từ chối lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ngược lại, Trung Quốc còn đổ lỗi cho NATO vì khiến xung đột nổ ra.
Phát biểu ngày 22.6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, “khi biến nền kinh tế toàn cầu thành vũ khí”.
Một quan chức khác trong chính quyền Mỹ nói hội nghị G7 cũng sẽ nhắc đến các thách thức kinh tế đến từ Trung Quốc.
“Năm ngoái, G7 lần đầu tiên đề cập đến các hoạt động kinh tế không công bằng và mang tính ép buộc của Trung Quốc”, một quan chức Mỹ giấu tên nói. “Năm nay, vấn đề này sẽ còn là chủ đề lớn hơn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn tới nền kinh tế toàn cầu”.
Quan chức Mỹ không tiết lộ các vấn đề cụ thể về Trung Quốc mà các nước thành viên G7 sẽ thảo luận.
Trong hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, G7 đã đạt đồng thuận về cách tiếp cận chung đối với “các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền ở khu vực Tân Cương và kêu gọi Trung Quốc đảm bảo quyền tự chủ cao ở đặc khu hành chính Hong Kong.
Thổ Nhĩ Kỳ chẳng được hưởng bất kì lợi ích gì từ tư cách thành viên liên minh quân sự NATO ngoài quyền phủ quyết, nhưng ngay cả điều đó cũng có giới hạn, chuyên gia phân...
Nguồn: [Link nguồn]