Trung Quốc đối mặt nguy cơ mất trắng tiền vì "ngoại giao bẫy nợ"
Trung Quốc đang phải đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan” khi nhiều quốc gia là những “con nợ” lớn nhất của nước này bày tỏ mong muốn được xóa hoặc giãn nợ.
Trong khi Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, Ngoại trưởng Pakistan đã gọi điện cho các đối tác của mình tại Bắc Kinh và đưa ra đề nghị khẩn cấp: Muốn được tái cơ cấu hàng tỷ USD khoản vay từ Trung Quốc.
Các đề nghị tương tự cũng liên tiếp được gửi tới Bắc Kinh từ Kyrgyzstan, Sri Lank và nhiều quốc gia châu Phi khác. Tất cả đều là những “con nợ” lớn, “ôm” số tiền hàng chục tỷ USD của Trung Quốc.
Những đề nghị như vậy đặt Trung Quốc vào thế rất khó. Trong nỗ lực trở thành chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc cho vay toàn cầu, đổ hàng trăm tỷ USD vào các nước nghèo nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng.
Nhiều quốc gia muốn vay tiền của Trung Quốc phải thế chấp bằng các cảng biển quan trọng, mỏ tài nguyên hay những tài sản có giá trị khác. Mỹ và một số chuyên gia đã gọi chính sách cho vay của Bắc Kinh là “ngoại giao bẫy nợ” và cảnh báo các nước không nên vay tiền từ Trung Quốc.
Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh và ảnh hưởng to lớn đến kinh tế thế giới, Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng số tiền đã cho vay của mình khi nhiều quốc gia “con nợ” nói rằng, họ không thể trả tiền cho Bắc Kinh.
Một dự án đang xây dựng dở dang bằng tiền vay của Trung Quốc tại Sri Lanka (NY Times)
Nếu Trung Quốc đồng ý tái cơ cấu hoặc xóa nợ, điều này có thể gây áp lực lớn cho tài chính quốc gia, đồng thời khiến người dân tức giận khi đời sống của chính họ cũng đang phải chịu tác động bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc kiên quyết thu hồi các khoản nợ nói trên, nhiều quốc gia “con nợ” sẽ phẫn nộ vì cách hành xử của Bắc Kinh. Mục tiêu gây dựng tầm ảnh hưởng và hình ảnh một nước dẫn đầu thế giới trong phản ứng với dịch bệnh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng.
“Trung Quốc đang trong thế bất lợi. Nếu quyết tâm thu nợ, Trung Quốc sẽ không thu về được tiền mà phải tiếp quản các tài sản mang tính chiến lược ở những quốc gia không còn đủ khả năng chăm lo cho đời sống người dân”, Andrew Small, thành viên cấp cao của Quỹ German Marshall (Đức), nhận định.
Uy tín trên trường quốc tế của Trung Quốc đang trở nên mong manh trong thời gian gần đây. Một số quốc gia được dẫn đầu bởi Mỹ đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc đối với những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra.
Dự án nhà máy điện do Trung Quốc thực hiện tại Pakistan (NY Times)
Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ chi 2 tỷ USD hỗ trợ thế giới ngăn chặn dịch bệnh, thì chỉ một nước đi sai lầm khi thu hồi nợ cũng sẽ làm hỏng nỗ lực gây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Số tiền mà Trung Quốc cho vay rất lớn. Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay tổng cộng 520 tỷ USD hoặc hơn. Khoản tiền nói trên đã được chia nhỏ và cho vay trong suốt nhiều năm qua, biến Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”, Viện nghiên cứu Kiel (Đức), nhận định.
Đứng đầu kế hoạch cho vay của Trung Quốc là Sáng kiến Vành đai Con đường – chương trình trị giá 1 nghìn tỷ USD do ông Tập Cận Bình đề xuất. Kể từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2013, Trung Quốc đã cho nhiều nước vay 350 tỷ USD thông qua Vành đai Con đường. Khoảng 1/2 số quốc gia vay tiền của Trung Quốc là những “con nợ khó đòi”.
“Giảm nợ không phải là điều dễ làm và hiệu quả. Những gì Trung Quốc có thể làm là hỗ trợ việc đưa các dự án vay vốn trở lại hoạt động và thu được lợi nhuận, thay vì xóa nợ”, Tống Vi, quan chức thuộc bộ phận nghiên cứu của Bộ Thương mại Trung Quốc viết trên Thời báo Hoàn Cầu.
Một số người dân tại Trung Quốc đang bắt đầu đặt câu hỏi rằng, liệu những khoản tiền mà họ vất vả kiếm được và đóng góp có đang bị sử dụng lãng phí tại nước ngoài hay không.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, nhưng nhiều hộ gia đình tại nước này vẫn đang có thu nhập ở mức thấp.
Dự án tàu chở khách của Trung Quốc tại Kenya (NY Times)
Khi cho vay tiền, Trung Quốc thường áp mức lãi suất cao và thời gian đáo hạn ngắn hơn so với vay từ WB. Bắc Kinh cũng yêu cầu thế chấp khoản vay bằng những tài sản quốc gia mang tính chính trị và kinh tế quan trọng.
Một số quốc gia là “con nợ” lớn của Trung Quốc phải kể đến Djibouti với khoảng vay lên đến 80% tổng sản phẩm quốc nội, con số này tại Ethiopia là 20% và của Kyrgyzstan là khoảng 40%.
Chính quyền Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao bẫy nợ, cho các nước nghèo vay tiền để “giành về các tài sản chiến lược và mở rộng ảnh hưởng về quân sự, chính trị, kinh tế”.
Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc thu giữ tài sản thế chấp của các nước “con nợ” là rất khó khăn. Điều này khiến Bắc Kinh đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền cho vay.
“Nhiều khoản vay có mức lãi suất cao của Trung Quốc có thể đối mặt với rủi ro”, Trần Long, chuyên gia tại Primus – một công ty phân tích kinh tế ở Bắc Kinh, nhận xét.
Một dự án cảng biển xây dựng bằng tiền vay từ Trung Quốc tại Sri Lanka (NY Times)
Theo các chuyên gia, áp lực trong việc thu hồi nợ của Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế do virus gây ra ngày càng sâu sắc. Ngày càng có nhiều quốc gia đang đề nghị Trung Quốc giảm hoặc xóa nợ, đặc biệt là tại châu Phi.
Ethiopia – quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi, đã đề nghị Trung Quốc xóa một phần hoặc toàn bộ nợ. Ethiopia cũng đảm nhận vai trò đại diện cho nhiều nước châu Phi khác đang nợ tiền Trung Quốc đàm phán về đề nghị này.
“Vẫn còn quá sớm để nói trước mọi thứ sẽ diễn ra theo hướng nào. Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ nhận ra những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt”, Eyob Tekalign Tolina, Bộ trưởng Tài chính Ethiopia cho biết và nói thêm rằng một nhóm quốc gia châu Phi kém phát triển nhất đã kêu gọi Bắc Kinh xóa hết nợ.
“Đây chỉ đơn thuần là những lời kêu gọi hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh”, ông Eyob Tekalign Tolina nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Quốc gia này đang cho phép chôn cất các bệnh nhân mắc “bệnh về đường hô hấp” một các nhanh chóng và không cần thông...