Trung Quốc dọa Đài Loan: “Đừng nói là các người không được cảnh báo trước”
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ đến thăm Đài Loan trước bầu cử.
Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc xuất hiện gần bờ biển Đài Loan.
Lời đe dọa xuất hiện trở lại
Tờ Thời Báo Hoàn cầu ngày 15/10 có bài viết lớn cho hay, "Đừng nói ngươi không có báo trước!" – một cụm từ tiếng Trung, vốn đã được Trung Quốc đại lục sử dụng trước đây trước khi chiến tranh, đã xuất hiện trở lại vào hôm thứ Năm vừa qua trong một bài bình luận được đăng trên tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo (đây cũng chính là báo mẹ, chủ quản của báo điện tử Thời báo Hoàn Cầu).
Bài viết trên Nhân dân Nhật báo yêu cầu các cơ quan tình báo Đài Loan “đứng về phía bên phải của lịch sử” và “không phục vụ chính quyền Trump” để tạo ra bất kỳ "Bất ngờ tháng 10" nào trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.
"Người dân ở hai bên eo biển Đài Loan không sẵn sàng chứng kiến chiến tranh. Nhưng nếu một ngày chiến tranh nổ ra, những người ly khai Đài Loan sẽ là tội phạm chính", bài báo có nội dung của tác giả "An Ping", người mà một số nhà quan sát tin rằng đang “đại diện cho tiếng nói cơ quan an ninh nhà nước của chính quyền đại lục”.
Bài báo được xuất bản trực tuyến sau khi cơ quan an ninh nhà nước đại lục tiết lộ một số trường hợp gián điệp Đài Loan bị Bộ Công an Trung Quốc phát hiện và triệt phá gần đây.
Các nhà quan sát từ đại lục cho rằng chính quyền Trump (Tổng thống Mỹ Donald Trump) có khả năng tạo ra "Bất ngờ tháng 10" bằng cách chơi "con bài Đài Loan" để thách thức lợi ích của Trung Quốc nhằm phục vụ cho cuộc tái đắc cử của mình.
Trong khi đó, những nhà quan sát này cũng cho rằng Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của Đài Loan với lập trường ly khai, có thể sẽ bắt tay với ông chủ Nhà Trắng coi đây là một cơ hội để thúc đẩy chủ nghĩa ly khai.
Theo các nhà phân tích của Trung Quốc, bài báo đăng hôm thứ Năm trên tờ Nhân Dân Nhật báo có thể được xem là một lời cảnh báo nghiêm túc đối với không chỉ chính quyền Đài Loan mà còn cả Mỹ.
Cùng ngày, máy bay của quân đội Trung Quốc (PLA) cũng được cho là đã xuất hiện trong không phận Đài Loan. Trong lúc đó, một máy bay thuê bao chở theo các quân nhân Đài Loan đã bị cơ quan quản lý tại khu vực thông tin bay của Hồng Kông từ chối cho vào không phận Hồng Kông và chiếc phi cơ này đã bị buộc phải quay về Đài Loan.
Điều này cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng và tình hình phức tạp giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.
Theo Nhân Dân Nhật báo, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ cũng đã làm tình hình thêm phức tạp. Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của PLA đã tổ chức các lực lượng hải quân và không quân ứng trực, đồng thời giám sát tàu khu trục USS Barry khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Tư.
Bài bình luận trên báo chính thống hàng đầu của Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các cơ quan tình báo Đài Loan không để mình bị “bắt cóc” bởi cỗ xe do những người ly khai Đài Loan điều khiển vốn đang đi vào ngõ cụt.
Chúng tôi nghiêm túc cảnh báo những kẻ ly khai Đài Loan cực đoan trong các cơ quan tình báo của đảo, những kẻ đã đe dọa an ninh quốc gia và tiến hành các hoạt động ly khai mà cơ quan an ninh nhà nước của đại lục sẽ kiên quyết theo dõi và truy đuổi chúng”.
Bài báo cũng nhấn mạnh rằng "hy vọng, những những kẻ cực đoan có thể tìm hiểu xu hướng và ngăn chặn những hành vi sai trái của mình hơn là ngoan cố tìm đường đi vào ngõ cụt. Đừng có nói rằng các người không được báo trước".
Cáo buộc Mỹ tác động
Bài báo tiếp tục viết rằng: “Trong những năm qua, chính quyền của đảng DPP trên đảo Đài Loan đã cấu kết với Mỹ và từng bước thúc đẩy chủ nghĩa ly khai ở Đài Loan.
Thương vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho Đài Loan cũng phản bội lời hứa hòa bình của bà Thái Anh Văn cũng như thái độ nhẹ nhàng hơn trong bài phát biểu ngày 10 tháng 10 của bà này”.
Theo báo cáo tin của hãng Reuters, vào hôm thứ Ba vừa qua, Nhà Trắng đang tiến tới lần thứ ba quyết định bán vũ khí tiên tiến cho Đài Loan.
Ngoài việc bán vũ khí, truyền thông nước ngoài cũng dự đoán rằng chính quyền Trump có thể thực hiện nhiều động thái rủi ro hơn trước cuộc bầu cử tháng 11.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ đến thăm Đài Loan trong một nỗ lực khó khăn để hy vọng giành được cơ hội tái đắc cử.
Hình ảnh quân đội Trung Quốc được báo Hoàn Cầu đăng tải.
Diao Daming, một Phó giáo sư tại Đại học Renmin của Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Năm rằng khả năng này (ông Trump đến Đài Loan) là xa vời, nhưng một số đảng viên Cộng hòa bảo thủ ở Mỹ vẫn đang thúc đẩy chuyến công du Đài Loan của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Chang Ya-chung, giáo sư của một trường đại học có trụ sở tại Đài Loan cho biết: “Xung đột ở eo biển Đài Loan có xảy ra hay không phụ thuộc vào Mỹ”.
Trong khi đó, bài bình luận của Nhân dân Nhật báo cũng lưu ý rằng “cánh cửa giao lưu và liên lạc của đại lục luôn rộng mở đối với những người đồng hương trên eo biển Đài Loan, và Bắc Kinh hoan nghênh sự hợp tác trong mọi lĩnh vực và hình thức, nói rõ rằng bài bình luận không nhằm vào tất cả người dân Đài Loan”.
Trung Quốc muốn có được “sự thống nhất hòa bình”
Giáo sư Chang Ya-chung cho biết động thái của Đại lục trong các chiến dịch truy quét gián điệp Đài Loan cũng cho thấy sự thất vọng đối với Quốc dân đảng (KMT) của Bắc Kinh đang tăng lên, bởi vì KMT đang chuyển quan điểm từ ủng hộ thống nhất sang thân Mỹ.
Một số thành viên Quốc Dân Đảng trên đảo Đài Loan đã đề xuất khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ, và thậm chí xóa tên "Trung Quốc" khỏi tên chính thức của đảng là “Quốc dân đảng Trung Quốc” (Kuomintang of China) hay còn có tên khác bằng tiếng Anh là “Nationalist Party of China”.
Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng chính quyền đại lục vẫn hoan nghênh các doanh nghiệp của Đài Loan ở khu vực Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông và Macao.
Bài báo của Nhân dân Nhật báo cũng phát đi cảnh báo với các nhân viên cơ quan tình báo Đài Loan rằng, “những người ủng hộ thống nhất với đại lục sẽ hợp tác với họ, chào đón họ đến đại lục và thúc giục họ phản đối chủ nghĩa ly khai”.
Các chuyên gia ở Đại Lục cho biết, “bằng cách thông đồng với Mỹ, chính quyền DPP của bà Thái Anh Văn đã đặt ra những trở ngại cho việc tái thống nhất, bao gồm chính trị, hệ thống xã hội, kinh tế và luật pháp”.
Họ cũng nhấn mạnh rằng “đại lục sẽ không từ bỏ khả năng thống nhất một cách hòa bình, nhưng cũng sẽ chuẩn bị cho chiến tranh ở tình huống tồi tệ nhất.
Đối với chính quyền DPP, những người đã căng thẳng thần kinh do các cuộc tuần tra của PLA và sự bất đồng quan điểm từ người dân Đài Loan sau khi cho phép thịt lợn được nuôi bằng thuốc tăng trọng (ractopamine) từ Mỹ để đổi lấy "lợi ích chính trị", đã mua vũ khí trị giá 800 triệu USD từ Mỹ hai lần trong bối cảnh đại dịch”.
Một chuyên gia đại lục được giấu tên cáo buộc rằng, “sự thông đồng giữa phe cánh hữu dân túy Hoa Kỳ và lực lượng ủng hộ chủ nghĩa ly khai ở Đài Loan đã buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp đối phó, vốn đã lên tới cường độ giống như chiến tranh”.
Wang Jianmin, chuyên gia về vấn đề Đài Loan tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, khuyến cáo rằng, chính quyền Trung Quốc cũng nên chú ý đến những gì Mỹ làm, biết chính quyền Trump thất thường như thế nào.
Cũng theo ông này, chính quyền của đảng DPP ở Đài Loan “đang cố gắng khu vực hóa các mối quan hệ hai bờ eo biển và đưa Mỹ và Nhật Bản vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Cuối cùng tờ, sau những cảnh báo và đe dọa, tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời vị chuyên gia này kết luận rằng “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể hiểu được quyết tâm của người dân Trung Quốc trong việc duy trì sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng ngày lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn – có bài phát biểu kêu gọi Trung Quốc đối thoại hòa bình với hòn đảo,...