Trung Quốc đe dọa, Mỹ vẫn thẳng tiến Ấn Độ-Thái Bình Dương
Trong khi Trung Quốc đe dọa và chỉ trích Mỹ vì đã can dự vào khu vực, Washington dường như vẫn được chào đón khi chiến lược của họ dựa trên các nền tảng chung về nhận thức và luật pháp quốc tế.
Liên tục trước, trong và sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, báo chí Trung Quốc (TQ) mà nổi bật là tờ Thời báo Hoàn Cầu (trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản TQ) đã liên tục công kích Mỹ đã can dự vô lý vào khu vực, đẩy các nước xung quanh vào thế “phải chọn phe”. Song song đó, phía TQ cũng chuyển đi các thông điệp đe dọa nhằm ngăn các nước tăng cường hợp tác, nâng tầm quan hệ với Mỹ.
Đây là một trong những đặc điểm của “ngoại giao chiến lang” mà Bắc Kinh đang triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giống như hầu hết nhận xét của giới học giả quốc tế, thông điệp đầy tính đối đầu của phía TQ kém thuyết phục. Phía TQ đang (cố tình) diễn dịch sai nội hàm của các mối quan hệ mà Mỹ muốn thiết lập, để qua đó tìm cách đẩy sự hiện diện và sức ảnh hưởng của Washington ra khỏi khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi đến Singapore, mở đầu chuyến công du châu Á kéo dài gần một tuần. Ảnh: EPA-EFE
Mỹ-Trung: Từ đối tác thành đối thủ
Mối quan hệ Mỹ-Trung được định hình bởi ba trạng thái: Hợp tác – cạnh tranh – đối đầu. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, khi nước Mỹ “xoay trục sang châu Á”, Washington thời gian đầu cho thấy thiện chí hợp tác với TQ. Năm 2009, tại cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung ở Washington, ông Obama tuyên bố quan hệ giữa hai nước sẽ định hình thế kỷ 21. Khi đó, Mỹ bày tỏ lạc quan và kiên nhẫn khi đề ra hướng phát triển quan hệ song phương theo kiểu “đối tác chứ không đối đầu” khi nhìn vào những điểm tương đồng về kinh tế, an ninh…
Tuy nhiên, Washington ngày càng bày tỏ sự bất đồng với các chính sách kinh tế của TQ vốn bị đánh giá là “thiếu tính công bằng”; các động thái leo thang của Bắc Kinh bị xem là “ngang ngược chưa từng có” ở Biển Đông, đặc biệt là xây đảo nhân tạo phi pháp trên vùng biển của nước khác, quân sự hóa và đe dọa an ninh hàng hải, chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines... Chính quyền Obama, một mặt vẫn thừa nhận sự hợp tác Mỹ-Trung là cần thiết, mặt khác bày tỏ quan điểm cạnh tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi. Thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tăng cường hiện diện đảm bảo an ninh ở Biển Đông là hai trong số những nỗ lực chính của Mỹ dưới thời ông Obama để cạnh tranh với chiến lược của TQ.
Nhận thức của người Mỹ về TQ trở nên đầy đủ và toàn diện hơn sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, bước sang giai đoạn người kế nhiệm Donald Trump. Washington giai đoạn này nhận thấy rõ tham vọng của Bắc Kinh qua các chiến lược: Tìm cách xây dựng hệ thống kinh tế và hạ tầng khu vực để mở rộng ảnh hưởng (ví dụ sáng kiến Vành đai – Con đường); tham vọng độc chiếm Biển Đông; lờ đi các cáo buộc thao túng tiền tệ, đánh cắp công nghệ, cạnh tranh không công bằng khi tham gia hệ thống kinh tế thế giới và trong quan hệ giao thương song phương với Mỹ…
Điều này giống như nhận xét của nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí China: An International Journal (Singapore) năm 2017: TQ có tham vọng lớn về chủ nghĩa xét lại ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể là nước này muốn thiết lập lại cấu trúc an ninh của khu vực hiện nay; định hình lại chiến lược và các thể chế an ninh, chính trị của khu vực; xem xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang được dùng để điều chỉnh các mối quan hệ khu vực.
Kết quả là, quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Trump bước lên một tầng thang mới về căng thẳng, trong đó hợp tác rất ít, cạnh tranh nhiều hơn và đối đầu gia tăng. Mỹ phát động chiến tranh thương mại, gây sức ép ngoại giao, đệ công hàm phản đối yêu sách phi pháp của TQ ở Biển Đông, trừng phạt cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động cải tạo đảo phi pháp trên biển,… Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng chưa từng có trong nhiều thập niện qua.
Chính quyền Biden trong suốt hơn nửa năm qua vẫn cho thấy với TQ, Mỹ vẫn nhất quán quan điểm: Hoặc Bắc Kinh phải chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, tức là dựa vào nguyên tắc, luật lệ mà cộng đồng quốc tế đã xây dựng; Hoặc là vẫn sẽ là đối thủ của Mỹ. Hồi đầu năm nay, ông Biden mô tả TQ là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất”, đồng thời khẳng định Washington sẽ đối đầu với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề bao gồm quyền con người, sở hữu trí tuệ, chống đánh cắp công nghệ và các chính sách kinh tế, thương mại. Mỹ cũng thường xuyên có hành động và lời nói khẳng định ở Biển Đông, Mỹ chống lại tất cả các yêu sách và cách hành xử phi pháp của TQ không tuân theo UNCLOS, nhất là khi TQ là một nước lớn và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Mỹ với các nước: Đa dạng hóa quan hệ lẫn hợp tác
Khác với việc tiếp cận TQ theo kiểu “đối đầu”, Washington đang tiếp cận Ấn Độ - Thái Bình Dương theo hướng xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác để cùng nhau đón nhận các cơ hội và giải quyết các thách thức chung. Bức tranh về Ấn Độ-Thái Bình Dương “mở và tự do” thực tế rộng hơn rất nhiều so với những đối đầu giữa Mỹ và TQ.
Trong buổi họp báo kết thúc chuyến thăm Việt Nam hôm 26-8, Phó Tổng thống Mỹ đã giải thích nội hàm của ý tưởng nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm chiến lược mà bà và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề cập trước đó. Theo đó có thể hiểu nội hàm của ý tưởng nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ chính là hai nước (cùng với các quốc gia khác) tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại; xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực và toàn cầu bền vững; nâng cao năng lực và cùng nhau đảm bảo an toàn và tự do hàng hải; chuyển giao kinh tế số; phát triển giáo dục…
Cả hai cũng có thể chống lại các thách thức chung, điển hình là các đe dọa từ dịch bệnh COVID-19 và các thảm họa tương tự trong tương lai; những hệ lụy từ biến đổi khí hậu; sự đe dọa từ vấn đề tội phạm xuyên quốc gia; những tổn thương còn lại từ di sản chiến tranh; sự xâm phạm chủ quyền và các quyền, lợi ích liên quan trên biển phù hợp với UNCLOS.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm đến Việt Nam. Ảnh: DW/AP
Như vậy, việc hợp tác để tận dụng cơ hội và đối mặt thách thức đều phù hợp xu thế toàn cầu hóa cũng như các quy định của luật pháp quốc tế đề ra. Nói cách khác, Mỹ và hệ thống đồng minh, đối tác muốn xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tất cả đều có lợi, tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của nhau và sự thịnh vượng, độc lập của mỗi nước.
Quan trọng không kém, nội hàm của mối quan hệ mà Mỹ muốn thiết lập với các nước là rất rộng, bao trùm các vấn đề kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, ngoại giao, chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực, bình đẳng giới... Điều đó cho thấy ngay cả khi nếu không mâu thuẫn với TQ, Washington cũng sẽ thúc đẩy hợp tác để khai thác lợi ích ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương giàu tiềm năng.
Trung Quốc tạo cớ chỉ trích Mỹ, đe dọa các nước
Dù chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh đến một bức tranh lấy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thượng tôn pháp luật làm trọng tâm, nhưng cũng không thể tránh khỏi việc liên đới đến cuộc đối đầu Mỹ-TQ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu.
Thứ nhất, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực đều bất đồng, phản đối yêu sách đường lưỡi bò của TQ với tham vọng chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông; hay như Nhật Bản cũng có tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. Sau Mỹ, nhiều quốc gia ngoài khu vực như Canada, Anh-Pháp-Đức, Úc, New Zealand… đã đệ công hàm phản đối yêu sách đường lưỡi bò của TQ, yêu cầu nước này tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
Thứ hai, các sáng kiến từ phía TQ, bao gồm Vành đai-Con đường, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), “ngoại giao y tế”, “ngoại giao Nhân dân tệ”… đều tiềm ẩn những rủi ro về tính minh bạch lẫn hiệu quả thực tế. Thứ ba, “ngoại giao chiến lang” của TQ nặng tính khiêu khích và ngày càng chịu nhiều chỉ trích từ các cường quốc tầm trung và tầm cao.
Trong khi đó, Mỹ nhận được sự ủng hộ từ khắp thế giới, điển hình như Canada, EU, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sức mạnh tổng hợp của các nền kinh tế này, nếu Mỹ thật sự kết hợp qua các sáng kiến tương tự TPP, có thể tạo ra sự hấp dẫn rất lớn, nếu không muốn nói là cao hơn nhiều so với TQ. Vì vậy, các nước có xu hướng chọn lựa thiết chế hợp tác mang tính thiện chí và hiệu quả rõ ràng, rủi ro thấp từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, EU hoặc các sáng kiến kinh tế, an ninh do các nhóm nước này kết hợp khởi xướng.
Hiện tượng này đã trở thành “cái cớ” mà phía TQ viện dẫn để thông qua “ngoại giao chiến lang” cáo buộc Mỹ lôi kéo các nước tham gia vào cuộc đối đầu chống TQ; đồng thời gửi đi thông điệp cảnh báo các quốc gia trong khu vực không nên xích lại gần Washington để tránh là đối thủ của Bắc Kinh.
Trung Quốc khó ngăn các nước hợp tác với Mỹ
Rất khó để TQ có thể ngăn chặn xu hướng tăng cường hợp tác với Mỹ của các nước, dù xu thế này được công khai trên các diễn đàn ngoại giao hay vẫn âm thầm diễn ra trên các mặt trận kinh tế, an ninh. Lý do đơn giản: TQ không có đủ nền tảng về trách nhiệm và pháp lý.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ với nội hàm hợp tác toàn diện các lĩnh vực sẽ thu hút nhiều nước tham gia, ủng hộ. (Trong hình: Bà Kamala Harris trong chuyến công du châu Á. Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Thứ nhất, Mỹ đã nhiều lần công khai khẳng định không yêu cầu và cũng không muốn các quốc gia phải (rơi vào thế) “chọn phe” trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Mỹ rất mạch lạc và rạch ròi về hai vấn đề hợp tác với các nước, tách bạch với việc kêu gọi đối đầu TQ. Cụ thể, với các quốc gia, chính quyền Biden luôn khẳng định mọi sự hợp tác đều dựa trên nền tảng luật pháp và hệ thống nguyên tắc quốc tế; tôn trọng thể chế chính trị, quyền tự quyết, độc lập của mỗi bên; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thứ hai, các nước khu vực cũng hiểu rõ rằng hợp tác với Mỹ sẽ khác với việc đứng về phía Mỹ chống lại TQ, bị cuốn vào cuộc đối đầu của hai cường quốc. Các nước muốn hợp tác với Mỹ đều nhắm tới những lợi ích chính đáng và tổng thể, chứ không phải "đi với nước này chống nước kia".
Bức tranh toàn cảnh về hợp tác mà các nước muốn bắt tay với Mỹ là rất rộng so với các vấn đề mâu thuẫn và đối đầu song phương mang tính thiểu số giữa Mỹ và TQ. Bức tranh hợp tác toàn diện ấy có thể mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống, phúc lợi, sinh kế, an toàn... của hàng tỷ người dân, gồm người Mỹ và các nước đồng minh, đối tác. Lợi ích ấy vượt lên trên bất kỳ những tính toán cạnh tranh và đối đầu nào của riêng Mỹ và TQ. Thế nên, dù TQ có đe dọa thì các nước cũng sẽ tăng cường hợp tác với Washington.
Cuối cùng, Bắc Kinh đến nay vẫn bác bỏ giá trị và từ chối thực thi phán quyết của Tòa trọng tài 2016; quyết tâm theo đuổi yêu sách đường lưỡi bò bất chấp điều đó ngược lại với UNCLOS; thường xuyên bắt nạt, đe dọa, quấy rối các hoạt động hợp tác trên biển của các quốc gia xung quanh;…
Khi TQ không thể hiện trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, ngay cả với các điều luật quốc tế mà chính TQ đã ký cam kết thực hiện như UNCLOS, thì Bắc Kinh không thể tạo ra sự chính danh và tin cậy để các nước không thể xích lại gần và hợp tác lâu dài, ổn định.
Việt Nam: Tăng cường hợp tác, làm sâu sắc quan hệ nhưng "không đi với nước này để chống nước khác" Trong cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Harris, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam mong muốn cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin; tạo cơ sở để hai bên tích cực trao đổi, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Điều này dựa trên nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển tại khu vực và trên thế giới.” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hồi đầu tháng 8 cũng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam rằng: “Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước khác.” |
Nguồn: [Link nguồn]
Đô đốc Charles Richard nói Mỹ trước đây chưa bao giờ phải “đối mặt với hai đối thủ ngang hàng” với kho vũ khí hạt...