Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua công nghệ tiên tiến trên thế giới
Không chỉ trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, quân sự… Trung Quốc còn vượt các cường quốc khoa học kỹ thuật để trở thành đất nước dẫn đầu cuộc đua công nghệ tiên tiến trên thế giới - cuộc đua được cho là sẽ quyết định sức mạnh tổng thể của quốc gia trong tương lai.
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến bao gôm cả công nghệ lưỡng dụng
Trung Quốc đang vượt Mỹ trong cuộc đua công nghệ
Một nghiên cứu mới nhất của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) công bố ngày 28-8 cho thấy, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu trong phần lớn các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Thông tin này được rút ra từ Công cụ theo dõi công nghệ quan trọng của ASPI đánh giá sức cạnh tranh trong nghiên cứu của các quốc gia dựa trên các trích dẫn nghiên cứu trong 64 danh mục công nghệ. Theo đó, Trung Quốc đứng đầu trong 57 lĩnh vực của 64 danh mục công nghệ được công bố tại giai đoạn 2019 - 2023, tương đương gần 90%. Việc Trung Quốc vươn lên dẫn đầu cuộc đua công nghệ tiên tiến trên thế giới là sự đảo chiều hoàn toàn so với giai đoạn 2003 - 2007, khi Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong 60/64 danh mục, còn Trung Quốc chỉ dẫn đầu trong 3 danh mục. Giai đoạn 2019 - 2023, Mỹ chỉ còn giữ vị trí số 1 trong 7 danh mục, bao gồm điện toán lượng tử và công nghệ sinh học, công nghệ gene và vaccine.
Đặc biệt, theo ASPI, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về công nghệ lưỡng dụng, ứng dụng được cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. Trong số các danh mục mà nước này dẫn đầu, có 24 danh mục được xếp loại là có khả năng lớn trở thành công nghệ độc quyền của quốc gia, bao gồm công nghệ radar, định vị vệ tinh và máy bay không người lái. Với các công nghệ liên quan tới việc phát hiện và theo dõi siêu thanh, Trung Quốc chiếm tới 73% tổng số các nghiên cứu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 13, còn Anh là 3%. Với công nghệ động cơ máy bay tiên tiến, Trung Quốc cũng dẫn đầu với 63%, trong khi Mỹ chỉ chiếm 7%. Báo cáo của ASPI nêu rõ, những đột phá về khoa học và đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu các công nghệ quân sự quan trọng có thể tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Những bước tiến mạnh mẽ của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến được xem là một thành quả của Sáng kiến “Made in China 2025” công bố vào năm 2015, trong đó đặt mục tiêu hiện đại hóa ngành công nghiệp và thúc đẩy năng lực tự chủ trong 10 lĩnh vực quan trọng (trong đó có chất bán dẫn và robot). Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu về sản xuất vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cho rằng nguy cơ Trung Quốc độc quyền về nhiều công nghệ quan trọng, cốt lõi ngày càng lớn, ASPI đã kêu gọi các nước AUKUS (viết tắt tên tiếng Anh của 3 nước: Australia, Anh, Mỹ cùng bắt tay với Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng phó. Theo ASPI, Nhật Bản nằm trong top 5 nước nghiên cứu đi đầu trong 8 danh mục công nghệ, bao gồm điện hạt nhân và cảm biến lượng tử. Trong khi đó, Hàn Quốc nằm trong top 5 của 24 danh mục, bao gồm sản xuất chất bán dẫn. ASPI cho rằng, trong nhiều công nghệ như công nghệ vận hành hệ thống tự động và robot tiên tiến thì nỗ lực chung của toàn bộ các nước AUKUS vẫn đi sau Trung Quốc về các nghiên cứu mang lại tác động lớn. Tuy nhiên, việc AUKUS cùng hợp tác với các đối tác, đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc trong các lĩnh vực này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về hiệu suất nghiên cứu.
Nhóm 3 nước AUKUS được thiết lập vào năm 2021 làm đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ba nước tham gia thỏa thuận này dự kiến hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và một số công nghệ quan trọng khác. Vào tháng 4-2024, Bộ trưởng Quốc phòng của các nước AUKUS ra một thông báo chung cho biết đang cân nhắc hợp tác với Nhật Bản.
Thiết lập sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu
Trước nghiên cứu của ASPI cho thấy sự trỗi dậy mạnh của Trung Quốc về công nghệ tiên tiến, nhiều báo cáo nghiên cứu khác cũng chung nhận định Trung Quốc đang đi đầu thế giới với hàng loạt công nghệ quan trọng và giữ vai trò thống trị cuộc đua nắm giữ quyền lực tương lai. Dữ liệu của Liên hợp quốc công bố hồi đầu tháng 7-2024 cho thấy, Trung Quốc đang vượt xa các quốc gia khác trong cuộc đua phát minh liên quan trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh khi đã nộp số bằng sáng chế nhiều gấp 6 lần so với đối thủ đứng kế ngay sau là Mỹ.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), AI tạo sinh với khả năng tạo ra các văn bản, hình ảnh, mã nguồn, thậm chí cả âm nhạc từ thông tin hiện có, đang bùng nổ với hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp trong thập kỷ qua. Ông Christopher Harrison - Giám đốc phân tích bằng sáng chế của WIPO cho biết, hơn 38.000 phát minh liên quan AI tạo sinh đã được Trung Quốc đệ trình lên cơ quan này trong giai đoạn 2014 - 2023 so với 6.276 của Mỹ trong cùng thời kỳ. Các ứng dụng bằng sáng chế của Trung Quốc bao trùm một lĩnh vực rộng lớn, từ lái xe tự động, xuất bản đến quản lý tài liệu. Theo người đứng đầu cơ quan phân tích bằng sáng chế của WIPO, trong khi các chatbot có khả năng bắt chiếc lời nói của con người đang được các nhà bán lẻ sử dụng rộng rãi để cải thiện dịch vụ khách hàng, AI tạo sinh có tiềm năng biến đổi nhiều lĩnh vực kinh tế khác như khoa học, xuất bản, vận tải hoặc an ninh. Đây là lĩnh vực sẽ có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau trong tương lai.
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Bertelsmann Stiftung (Đức) cũng cho thấy, trong 20 năm qua Trung Quốc đã vươn lên nhanh chóng để trở thành một trong những quốc gia nghiên cứu hàng đầu về công nghệ xanh. Trung Quốc hiện là động lực tăng trưởng quan trọng nhất về công nghệ xanh trên toàn thế giới. Kể từ năm 2017 tới nay, Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần số bằng sáng chế đẳng cấp thế giới về công nghệ xanh, đạt con số đáng kinh ngạc là 37.000 bằng sáng chế. Trong khi đó, thị phần của những khu vực từng dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang dần giảm sút.
Trong khi đó, trang helsinkitimes.fi của Phần Lan đã phân tích trong số 44 công nghệ được theo dõi thì Trung Quốc dẫn đầu tới 37 công nghệ, nước này cũng vượt trội về các công nghệ liên quan đến quốc phòng và không gian. Đáng chú ý, những bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được cho là khiến tình báo Mỹ bất ngờ vào tháng 8-2021. Đối với một số công nghệ, 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc, tạo ra số lượng trung tâm nghiên cứu tổng cộng cao gấp 9 lần so với quốc gia có sức tác động lớn thứ hai là Mỹ.
Về lâu dài, vị trí nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc có nghĩa là nước này đã tự thiết lập sự vượt trội không chỉ về phát triển công nghệ hiện tại trong hầu hết các lĩnh vực mà cả về các công nghệ tương lai chưa tồn tại. Báo cáo của ASPI cho rằng, nếu không được kiểm soát, điều này có thể khiến không chỉ sự phát triển và kiểm soát công nghệ mà cả sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu sẽ chuyển sang một nhà nước. Trước mắt, việc Trung Quốc dẫn đầu cùng các chiến lược chuyển nghiên cứu sang sản phẩm thương mại, có thể cho phép nước này giành sự kiểm soát đối với nguồn cung ứng toàn cầu một số công nghệ quan trọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Biệt phủ nhà họ Vương rộng 250.000 m2, là nhà dân lớn nhất Trung Quốc thời xưa được bảo tồn hoàn hảo tới ngày nay.