Trung Quốc có thể sản xuất vũ khí ở nước thành viên NATO?
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang xem xét thiết lập cơ sở sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ để mở rộng thị phần quốc tế, nhưng sẽ cân nhắc rủi ro tiềm ẩn, giới phân tích Trung Quốc nhận định.
Các công ty quốc phòng Trung Quốc đang có cơ hội xây dựng dây chuyền sản xuất vũ khí ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các yếu tố rủi ro như áp lực tiềm ẩn từ Mỹ và kết quả kinh doanh không khả quan với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được các nhà sản xuất quốc phòng Trung Quốc xem xét khi cân nhắc thiết lập cơ sở sản xuất ở quốc gia thành viên ANTO.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), các nhà sản xuất quốc phòng Trung Quốc đang cân nhắc mua các công ty Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập cơ sở sản xuất.
24 công ty quốc phòng Trung Quốc sẽ tham dự Hội chợ Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (IDEF), khai mạc tại Istanbul vào ngày 25/7. Đây là con số áp đảo so với 5 công ty quốc phòng Mỹ tham dự sự kiện.
Ozgur Eksi, một nhà phân tích quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nói trên tờ Defense News rằng các công ty Trung Quốc tham dự “chủ yếu với mục đích mua các công ty Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với mục tiêu dài hạn".
"Sau khi mua lại công ty Thổ Nhĩ Kỳ, công ty quốc phòng Trung Quốc sẽ đem tới công nghệ, tận dụng chi phí sản xuất thấp ở nước sở tại, sản xuất các hệ thống vũ khí theo tiêu chuẩn NATO và thậm chí có thể đáp ứng thị trường các nước sử dụng hệ thống vũ khí của NATO,” ông Eksi nhận định. "Đó vẫn sẽ là các hệ thống vũ khí 'made-in-NATO" và đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên NATO".
Trước mắt, Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái (UAV). Theo chuyên gia Zhou Chenming ở Bắc Kinh, Thổ Nhĩ Kỳ rất muốn nâng cấp và cải tiến UAV.
"Baykar Bayraktar TB2 - UAV hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bộc lộ điểm yếu trong xung đột ở Ukraine", ông Zhou nói. "Ankara hi vọng rằng Trung Quốc thể giúp nâng cấp phiên bản Bayraktar TB2 mới ưu việt hơn".
UAV Bayraktar TB2 bộc lộ một số nhược điểm như chỉ mang theo tối đa 100kg bom đạn, tốc độ bay tối đa thấp trong khi rất dễ bị các hệ thống phòng không dưới mặt đất phát hiện.
Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu UAV vũ trang hàng đầu thế giới với vô số các phiên bản khác nhau, bao gồm UAV mang tên Caihong với khả năng cạnh tranh "ác điểu" MQ-9 Reaper của Mỹ.
Ngoài UAV, Trung Quốc cũng có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chế tạo các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, tên lửa chiến thuật và thậm chí là hệ thống phòng không, chuyên gia quân sự Song Zhongping nói.
"Đây sẽ là hợp tác đôi bên cùng có lợi vì Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO. Trung Quốc có thể tận dụng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ để mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí", ông Song nói.
Nhưng ông Song cho rằng, vũ khí Trung Quốc hợp tác sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể không được các nước thành viên NATO đón nhận vì lo ngại rủi ro an ninh, do đó phù hợp với các quốc gia ngoài NATO hơn.
Ông Zhou nói các nhà sản xuất quốc phòng Trung Quốc sẽ thận trọng với cơ hội mở rộng sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì Ankara từng hủy bỏ thương vụ 3,4 tỷ USD mua tên lửa phòng không tầm xa của Trung Quốc vào năm 2015.
"Thổ Nhĩ Kỳ hỏi mua vũ khí Trung Quốc để nhằm đạt thỏa thuận với mức giá tốt hơn từ nước khác", ông Zhou nói, ám chỉ việc Ankara ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD để mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Moscow vào năm 2017.
Nhìn chung, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh vẫn sẽ thận trọng vì Ankara có những toan tính riêng và có thể bất ngờ đưa ra các quyết định bất lợi.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, Seymour Hersh, hôm 13-7 tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "hứa giúp Thổ Nhĩ Kỳ nhận được khoản hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)"...