Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập vì Covid-19
Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập trong trật tự kinh tế thế giới sau dịch Covid-19, Long Yongtu – cựu Thứ trưởng Thương mại, người đã góp công lớn giúp Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, nhận định.
Cảnh báo của ông Long được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều tiếng nói có ảnh hưởng từ trong nước bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh có thể bị thế giới “cách ly” sau những rắc rối không đáng có xuất phát từ dịch Covid-19.
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang với Mỹ, nhiều chuyên gia Trung Quốc nghi ngờ rằng, liệu Washington và các đồng minh lâu năm có đang cố loại Bắc Kinh ra khỏi trật tự kinh tế mới hay không.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là thách thức kinh tế - ngoại giao không nhỏ đối với Trung Quốc trong những năm sắp tới, mặc dù nước này tuyên bố đã kiểm soát thành công dịch bệnh.
“Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa, vì vậy, nếu ai đó muốn loại Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi, kinh tế thế giới cũng sẽ bị mất cân bằng.
Sau sự bùng phát của dịch bệnh, sẽ có những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng, đầu tư và công nghiệp. Dịch bệnh đã gây tổn thương cho quá trình toàn cầu hóa và các doanh nghiệp Trung Quốc cần nhanh chóng thích nghi với điều này”, ông Long nhận xét.
Đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào công ty làm việc tại Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng trong những ngày gần đây, tuy nhiên, ông Long Yongtu cho rằng, Trung Quốc vẫn mong muốn Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới.
Ông Long cũng kêu gọi các công ty Trung Quốc tăng cường những thương vụ mua lại, sáp nhập các doanh nghiệp tại nước ngoài để có thể hội nhập tốt hơn.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, phơi bày sự phụ thuộc của một số quốc gia vào nền kinh tế Trung Quốc. Điều này sẽ gia tăng tốc độ “chảy” vốn đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài – xu thế từng được chứng kiến trong thương chiến Mỹ - Trung, theo các chuyên gia.
“Chúng tôi có mọi lý do để cho rằng một liên minh kinh tế quốc tế đang được hình thành mà không có Trung Quốc cũng như sự tham gia của đồng nhân dân tệ. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm cho đồng nhân dân tệ mạnh hơn. Để đạt được mục tiêu này, đương nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng phải mạnh mẽ hơn”, Li Yang, Giám đốc Viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển, nhận định.
Một người canh gác trước lối vào khu dân cư tại Vũ Hán, Trung Quốc khi dịch bệnh chưa được kiểm soát (ảnh: SCMP)
Theo các chuyên gia trong nước, cùng với gia tăng áp lực về kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc và một số quốc gia khác cũng đang gây thêm căng thẳng về chính trị, ngoại giao đối với Bắc Kinh khi đưa ra nhiều cáo buộc về dịch Covid-19.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho rằng, quan hệ quốc tế, đặc biệt là những vấn đề với Mỹ, sẽ là chủ đề “nóng” trong các phiên thảo luận tại kỳ họp quốc hộ Trung Quốc tổ chức đồng thời với Chính Hiệp diễn ra vào ngày 22.5.
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến vào tuần trước, Shi Yinhong – cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nhận xét, dịch bệnh đang khiến căng thẳng giữa Trung Quốc - Mỹ leo thang, dẫn đến xu hướng chia rẽ cả về thương mại và văn hóa.
“Sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp và sụt giảm du lịch là những minh chứng dễ thấy nhất cho xu hướng này”, ông Shi Yinhong nhận định.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
ASEAN và đặc biệt là Việt Nam sẽ trở thành người chiến thắng sau đại dịch khi doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu...
Nguồn: [Link nguồn]